Kỳ 2: Bản thảo của Bác Hồ được đề cử là Di sản tư liệu thế giới

11/04/2009 08:04 GMT+7 | Phóng sự

(TT&VH) - Như TT&VH đã đưa tin tiếp theo Mộc bản triều Nguyễn, vừa qua lại có thông tin 82 bia Tiến sỹ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng đang được đề cử vào danh hiệu Di sản tư liệu trong chương trình Ký ức thế giới của UNESCO. Tại hội nghị ở Hàn Quốc vừa qua, Việt Nam đưa thêm bộ hồ sơ về cuốn sách Vừa đi đường vừa kể chuyện của Bác Hồ. Nhiều chuyên gia UNESCO đã đánh giá bộ hồ sơ này rất tốt vì đây là bản gốc, độc bản, là tài liệu do một nhân vật vĩ đại viết, có giá trị lớn về lịch sử, thời đại.

>> Kỳ 1: Đưa các Di sản tư liệu của VN vào Ký ức thế giới!

1. Vừa đi đường vừa kể chuyện (bút danh T.Lan(1)) là một trong những tác phẩm quý hiếm của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Toàn bộ bản thảo của tác phẩm này hiện còn được lưu giữ. Được UBQG UNESCO của Việt Nam mời tham dự lớp tập huấn Chương trình Ký ức thế giới (MOW) khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tổ chức tại Hàn Quốc tháng 2/2009, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã xây dựng hồ sơ tác phẩm Vừa đi đường vừa kể chuyện để mang tới lớp tập huấn, trình UNESCO xem xét.

Tại lớp tập huấn, hồ sơ tác phẩm Vừa đi đường vừa kể chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong hai hồ sơ của Việt Nam được các giáo sư và chuyên gia UNESCO xem xét, góp ý kiến và đề xuất tiếp tục hoàn thiện để đệ trình UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới vào tháng 3/2010 tại Ma Cao.

2. Tác phẩm Vừa đi đường vừa kể chuyện được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết năm 1961, gửi báo Nhân dân (Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam) đăng ngay trong năm đó (2). Sau đó, tác phẩm được xuất bản thành cuốn sách cùng tên, do Nhà xuất bản Sự Thật xuất bản năm 1963 (3).
Trang bản thảo đánh máy tác phẩm “Vừa đi đường vừa kể chuyện”
của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nội dung tác phẩm: Đây là tác phẩm do chính Chủ tịch Hồ Chí Minh là tác giả. Song để hấp dẫn bạn đọc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lấy bối cảnh có thật là trên đường đi chỉ đạo Chiến dịch Biên giới năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh kể cho các chiến sĩ cùng đi nghe về thời kỳ hoạt động cách mạng bí mật trong thời gian Người ra đi tìm đường cứu nước đến trước ngày Cách mạng tháng Tám thành công (từ năm 1920 đến năm 1945). Câu chuyện bắt đầu từ thời kỳ hoạt động ở Pháp năm 1920, sau đó Người bí mật sang Nga vào giữa năm 1923, sang Trung Quốc năm 1924, sang Hương Cảng năm 1927, trở về Liên Xô, sang Đức, Pháp, Bỉ, Ý, Xiêm… và cuối cùng trở về Việt Nam sau 30 năm xa cách.

Mỗi câu chuyện là những thước phim tư liệu tái hiện lại một cách sinh động những sự kiện lịch sử tiêu biểu đã diễn ra trên thế giới, những con người điển hình ở nhiều nước trên thế giới, muôn vàn khó khăn sóng gió mà Người đã phải vượt qua để thoát khỏi vòng vây dày đặc của mật thám luôn theo dõi rình bắt Người. Những câu chuyện ly kỳ, nhưng lại có thật và đã diễn ra.

Các câu chuyện do chính Chủ tịch Hồ Chí Minh kể về cuộc đời hoạt động cách mạng bí mật của mình trong khoảng thời gian dài, điều hiếm thấy ở các tư liệu khác. Tuy là một tác phẩm văn học, nhưng đây là một tác phẩm văn học mang tính lịch sử, đảm bảo độ chính xác cao. Những xác minh mới đây của Bảo tàng Hồ Chí Minh và những tài liệu mới sưu tầm được ở nước ngoài, đều chứng minh rằng những tư liệu Hồ Chí Minh kể trong bản thảo tác phẩm là hoàn toàn chính xác. Đối chiếu với tài liệu mới sưu tầm, còn thấy rõ đức hy sinh cao cả ở con người Hồ Chí Minh.

Hình thức tác phẩm: Bản thảo viết tiếng Việt, bao gồm 3 bản: Bản thảo lần thứ nhất do Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tay và sửa; bản thảo lần thứ hai do Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh máy và sửa; bản thảo lần thứ ba do Văn phòng Chủ tịch đánh máy, Chủ tịch Hồ Chí Minh sửa lại, sau đó gửi đăng báo. Toàn bộ các trang bản thảo lần thứ nhất và bản thảo lần thứ hai đều được Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng mặt sau các trang bản tin, các trang tài liệu và các tờ lịch mà Người đã dùng để viết.

Điều đặc biệt của sưu tập tài liệu này, không chỉ là tài liệu nguyên gốc do chính Hồ Chí Minh viết; mà còn là tài liệu chỉ có một bản duy nhất, không có bản thứ hai; và duy nhất chỉ có ở Bảo tàng Hồ Chí Minh, không có ở bất kỳ nơi nào khác. Tận mắt đọc bản thảo tác phẩm “Vừa đi đường vừa kể chuyện” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta biết rất nhiều điều thú vị, giúp hiểu thêm vì sao nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Hồ Chí Minh, tổ chức UNESCO đã tôn vinh Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc và nhà văn hóa lớn của Việt Nam”.

3. Tính đến nay, tài liệu đã trải qua gần 50 năm, tuy được bảo quản nghiêm ngặt trong Kho cơ sở của Bảo tàng Hồ Chí Minh, nhưng bản thảo được viết bằng loại mực thường, loại giấy thường, lại bị tác động bởi điều kiện khí hậu nóng ẩm khắc nghiệt của Việt Nam, nên không tránh khỏi bị ảnh hưởng đến chất lượng bảo quản của tài liệu. Hiện Bảo tàng Hồ Chí Minh cùng các chuyên gia và cộng tác viên đang tích cực hoàn thiện hồ sơ, với sự giúp đỡ của UBQG UNESCO Việt Nam, hy vọng Hồ sơ bản thảo tác phẩm Vừa đi đường vừa kể chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ là một trong những Hồ sơ di sản của Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới vào tháng 3/2010.
 

“Tại hội nghị ở Hàn Quốc vừa qua, cùng với việc đưa hồ sơ 82 bia đá Tiến sỹ vào chương trình “Ký ức thế giới” dành cho khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, chúng tôi còn đưa thêm một bộ hồ sơ nữa vào chương trình “Ký ức thế giới” nói chung. Đó là bộ hồ sơ về cuốn sách Vừa đi đường vừa kể chuyện của Bác Hồ do Bảo tàng Hồ Chí Minh thực hiện. Bên lề hội nghị, khi được hỏi ý kiến thì nhiều chuyên gia UNESCO đã đánh giá bộ hồ sơ này rất tốt. Nếu thành công, thì đến năm 2010 kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội và 120 năm ngày sinh của Bác Hồ, chúng ta sẽ có 2 Di sản tư liệu được công nhận là bia đá Tiến sĩ của Văn Miếu và Vừa đi đường vừa kể chuyện của Bác Hồ (phát biểu của ông Phạm Sanh Châu, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam)

....
 
(1)T.Lan là 1 trong số 173 bút danh của Hồ Chí Minh.
(2)Đăng trên 13 số báo Nhân dân từ ngày 10/5/1961 đến ngày 6/8/1961.
(3)Sau này, nhiều Nhà xuất bản đã tái bản cuốn sách, nhưng các cuốn sách tái bản đều không đảm bảo độ chính xác của tài liệu gốc.
 
Phí Thị Mùi (Bảo tàng Hồ Chí Minh)
 



 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm