Kỳ 1: Đưa các Di sản tư liệu của VN vào Ký ức thế giới!

10/04/2009 14:34 GMT+7 | Tin di sản

(TT&VH) - Tiếp theo Mộc bản triều Nguyễn, vừa qua lại có thông tin 82 bia Tiến sỹ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng đang được đề cử vào “danh hiệu” Di sản tư liệu trong chương trình Ký ức thế giới của UNESCO. Thế nhưng, Di sản tư liệu là gì? Danh hiệu này so với hình thức tôn vinh “Di sản thế giới” có gì khác nhau về tính chất cũng như về mức độ “cao, thấp”? Việt Nam đã đang và sẽ đề cử những gì vào chương trình “Ký ức thế giới” của UNESCO?

Để trả lời cho những câu hỏi trên, TT&VH đã có cuộc trò chuyện với ông Phạm Sanh Châu, Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam.
 
Từ 2 bộ hồ sơ đầu tiên

Ông Châu cho biết:

- Chương trình Ký ức thế giới (Memory of the World) của UNESCO ra đời từ năm 1994. Mục đích của chương trình là để ghi nhận các di sản thuộc dạng tư liệu (Documentary Heritage) trên thế giới, đó có thể là cuốn sách, bộ phim, bức ảnh, giọng nói (băng ghi âm), hay là bút tích…
 
Ông Phạm Sanh Châu (người đứng) thay mặt toàn thể thành viên
tham gia hội nghị phát biểu trong buổi chiêu đãi bế mạc hội nghị

Sau khi chương trình này ra đời, cũng có những ý kiến đánh giá khác nhau, nhưng đến khoảng năm 2000 thì chương trình này rất phát triển và được sự ủng hộ mạnh mẽ. Phải đến năm 2005, tại Hội nghị của UNESCO ở Manila thì Việt Nam mới thực sự quan tâm đến chương trình này. Khi đó ngoài chương trình Ký ức thế giới ứng dụng chung cho tất cả các nước, UNESCO còn có chương trình Ký ức thế giới ứng dụng trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Hai chương trình này cùng tiến hành song song, một công bố vào năm chẵn, một công bố vào năm lẻ.
 
* Việt Nam bắt đầu quan tâm đến việc đề cử danh hiệu “Di sản tư liệu” từ năm 2005. Vậy mà cho đến thời điểm nay, vẫn rất ít người biết về danh hiệu này, kể cả nhiều người làm văn hóa. Xin ông cho biết, việc đề cử danh hiệu này ở Việt Nam thuộc “hệ thống” ngành dọc nào?

- Tổ chức UNESCO, như chúng ta đã biết, hoạt động trên các lĩnh vực như: văn hóa, giáo dục, khoa học, khoa học xã hội và thông tin. Chương trình này nằm trong lĩnh vực thông tin, và đầu mối của chương trình này ở Việt Nam nằm ở Cục lưu trữ Nhà nước. Chính vì thế mà có thể nhiều người làm giáo dục hay văn hóa còn chưa được biết đến. Hơn nữa Ký ức thế giới mới chỉ là một chương trình thôi, chứ chưa phải là một Công ước quốc tế giống như Công ước năm 1972 về di sản vật thể hay Công ước năm 2003 về di sản phi vật thể…
 
* Cho đến nay, chúng ta đã đề cử được những di sản tư liệu nào vào chương trình này rồi thưa ông?

- Từ năm 2005, chúng tôi bắt đầu thúc đẩy sự phát triển của chương trình này ở Việt Nam. Đến năm 2007, chúng tôi đã xin được dự án tài trợ để mở một lớp tập huấn về việc xây dựng hồ sơ Di sản tư liệu. Và kết quả là đã giới thiệu được hai bộ hồ sơ tham dự chương trình Ký ức thế giới: Một là hồ sơ về “Mộc bản triều Nguyễn” do Cục Lưu trữ thực hiện; và hai là hồ sơ về bộ ảnh Đông Dương trước năm 1954 do Viện Thông tin Khoa học Xã hội thực hiện. Chúng ta đã gửi bộ hồ sơ ấy vào năm 2007 và 2008 để được thẩm định, và đến năm 2009 này, UNESCO sẽ công bố kết quả.

* Ông có hy vọng vào 2 bộ hồ sơ đầu tiên nói trên?

- Xin được nói rõ hơn một chút về công tác đề cử. Vừa qua, tại Hàn Quốc, UNESCO có tổ chức một hội nghị để các nước lần đầu tiên tham dự chương trình này có điều kiện điều chỉnh hồ sơ. Tôi dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự. Trước hội nghị này, các chuyên gia UNESCO đã đưa ra gợi ý là: Việt Nam nên bảo vệ lại hồ sơ bộ ảnh Đông Dương. Khi biết được thông tin đấy, tôi đã nghiên cứu lại hồ sơ và thấy rằng Việt Nam rất khó có thể bảo vệ được thành công bộ ảnh này. Theo nguyên tắc, thì các Di sản tư liệu phải có tính nguyên vẹn độc đáo và phải là độc bản. Trong khi đó bộ ảnh Đông Dương không còn nguyên vẹn và nhiều bức ảnh trong số đó cũng đã được lưu trữ ở Pháp…

Đứng trước tình hình như vậy, chúng tôi đưa ra kế hoạch mới là không bảo vệ lại bộ ảnh Đông Dương tại Hàn Quốc và thay vào đó là hồ sơ 82 bia Tiến sỹ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội).
 
Ban tư vấn tại hội nghị do UNESCO tổ chức để điều chỉnh
hồ sơ đề cử
 
Bia Tiến sỹ đã được “bảo vệ thử” tại Hàn Quốc

* Vậy ông có tự tin với chiến thắng của đề cử 82 bia Tiến sỹ hay không, khi mà bia Tiến sỹ không phải là “đặc sản” của riêng Hà Nội cũng như của riêng Việt Nam?

- Trước khi đưa ra đề cử này, chúng tôi đã nghiên cứu kỹ các hồ sơ được công nhận trước đây của các nước. Nước bạn Trung Quốc cũng đã được công nhận Di sản tư liệu “Bảng vàng tiến sĩ”. Khi so “Bảng vàng tiến sĩ” của Trung Quốc với bia Tiến sĩ của Việt Nam thì chúng tôi thấy, bia Tiến sĩ của Việt Nam không những kể được tên của những người đỗ đạt trong các kỳ thi, mà còn mô tả khoa thi diễn ra như thế nào, trong bối cảnh lịch sử ra sao, thậm chí còn có cả tên của người thợ thực hiện việc đục đẽo để tạo tác nên tấm bia… Rõ ràng bia Tiến sĩ của Việt Nam đã mô tả hết sức đầy đủ và cụ thể các thông tin quý giá về lịch sử và văn hóa.

Tại hội nghị ở Hàn Quốc nói trên, sau khi đưa ra hồ sơ bia Văn Miếu, chúng tôi đã tiến hành bảo vệ “thử” trước Hội đồng thẩm định của UNESCO với hầu hết các thành viên của Hội đồng thẩm định đều có mặt.

* Và kết quả bảo vệ thử ra sao?

- Kết quả bảo vệ thử cho thấy 82 bia Tiến sỹ hoàn toàn có khả năng được chấp thuận, và nếu được UNESCO công nhận vào đúng dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long thì ý nghĩa rất to lớn... Vì thế chúng tôi đã bắt tay ngay vào việc xây dựng hồ sơ chính thức để nộp trước tháng 9 năm nay. Và nếu được thì đến tháng 3 năm 2010, UNESCO sẽ tuyên bố kết quả tại Ma Cao (Trung Quốc).
 
* Theo cảm quan của tôi, thì Việt Nam có rất nhiều các di sản quý, có thể đề cử vào danh hiệu “Di sản tư liệu” của thế giới, như bộ kinh Phật cổ ở chùa Dâu, các cuốn sách đồng, sách đá…Vậy phải làm sao để có thể tuyển chọn được những di sản tư liệu tốt nhất để đề cử, thưa ông?

- Hiện tại, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam có đầu mối quốc gia thuộc Cục Lưu trữ Nhà nước để thực hiện việc lập hồ sơ, đề cử các Di sản tư liệu. Kế hoạch tới đây là sẽ nâng cấp đầu mối này lên thành Ủy ban chuyên môn quốc gia về Di sản tư liệu trực thuộc Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam. Và sau đó sẽ lập hội đồng khoa học về Di sản tư liệu, để tuyển chọn và xét duyệt các Di sản tư liệu ở trong nước.
 
* Xin cảm ơn ông!
 
Kỳ 2: Bản thảo của Bác Hồ được đề cử là Di sản tư liệu thế giới!

(Đó sẽ là bản thảo tác phẩm nào của Chủ tịch Hồ Chí Minh? Vì sao được đề cử? Mời các bạn đón đọc kỳ sau)
 
Nguyễn Mỹ (thực hiện)

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm