Đưa Di sản tư liệu của VN vào Ký ức thế giới (Kỳ 3)

12/04/2009 21:52 GMT+7 | Phóng sự

(TT&VH) - 82 bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (HN) đã được UBQG UNESCO Việt Nam chấp thuận đề cử Di sản tư liệu thế giới. Hồ sơ chính thức phải được hoàn tất trong tháng 8/2009 để kịp trình UNESCO xét duyệt.
 

TT&VH đã có cuộc trao đổi với anh Nguyễn Văn Tú (cán bộ Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu- Quốc Tử Giám), người trực tiếp làm hồ sơ xung quanh vấn đề này.

* Được biết, một trong các tiêu chí của Kí ức thế giới (MOW) là di sản phải có tính toàn vẹn, độc đáo và duy nhất. Trong số báo ra ngày 10/4 vừa qua, TT&VH đã so sánh 82 bia Tiến sĩ này với di sản Bảng vàngcủa Trung Quốc (được UNESCO công nhận là di sản tư liệu- Ký ức thế giới năm 2005). Là người tham gia lập hồ sơ, ông có thể phân tích cụ thể hơn?

- Bia Tiến sĩ ở Văn Miếu với bài kí trên bia (văn bia) là duy nhất và rất độc đáo, không một nơi nào có được. Bia Tiến sĩ ở Văn Miếu- Quốc Tử Giám không chỉ ghi lại danh sách những người đã đỗ khoa thi tiến sĩ như Bảng vàng (Danh sách những người đỗ Tiến sĩ được triều đình công bố sau kỳ thi) của Trung Quốc, mà còn có bài văn bia. Văn bia không chỉ ghi lại lịch sử cụ thể của từng khoa thi, mà còn thể hiện triết lí về giáo dục, đạo đức, văn hóa của các triều đại phong kiến đương thời, do đó có tác động lớn lao đối với xã hội đương thời và hậu thế. Các bài văn bia đều do những danh nhân văn hóa, trí thức lớn của đất nước soạn, nên về cơ bản chúng là những tác phẩm văn học vô giá.

Ngoài ra, mỗi tấm bia là một nguồn tài liệu phong phú cho các nhà nghiên cứu tìm hiểu về nghệ thuật, mỹ thuật. Có thể nói rằng mỗi tấm bia tiến sĩ là một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc tinh tế và độc đáo, được chạm khắc khác nhau và cách trang trí này thay đổi theo từng thời kì. Ở những tấm bia thời kỳ đầu, trán bia được trang trí với hình mặt trời hoặc mặt trăng ở giữa, xung quanh là mây vờn, diềm được trang trí bởi hình hoa lá. Từ thế kỉ thứ 17 trở đi trên trán bia có xuất hiện hình rồng. Điều này giải thích cho quan điểm về biểu tượng và nghệ thuật của từng triều đại, tùy thuộc vào ý nghĩa và vai trò của tầng lớp trí thức đối với đất nước. Mỗi một tấm bia là một tác phẩm nghệ thuật của nhà điêu khắc giỏi nhất đất nước thời đó. Như vậy qua các tấm bia có thể hiểu được lịch sử phát triển mĩ thuật đất nước ta từ thế kỉ 15 đến thế kỉ 18. Tất cả những điều đó khác biệt hoàn toàn với Bảng vàng củaTrung Quốcvà các tấm bia Tiến sĩ ở Huế.

82 bia Tiến sĩ từ khi được dựng cho đến nay vẫn nằm tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, các bài văn bia cho biết rõ ngày tháng dựng bia, tên của người soạn văn bia, người dựng bia. Điều này khẳng định tính xác thực, nguyên bản, duy nhất của tư liệu - một trong những tiêu chí mà chương trình Kí ức thế giới đặt ra.

* Giá trị và nét độc đáo của 82 bia Tiến sĩ chính là những bài văn khắc trên bia. Anh có thể nói rõ hơn về các bài kí này?

- Những bài kí trên bia Tiến sĩ được viết bằng chữ Hán với những cách viết khác nhau, khiến cho mỗi tấm bia như một bức tranh chữ, một tác phẩm hội họa (thư pháp). Nội dung văn bia Tiến sĩ có tác động to lớn đến xã hội không chỉ đương thời mà ngày nay và mãi sau này. Mọi người chắc đã nghe đến câu: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, đó có thể là một tuyên ngôn về giáo dục của cha ông ta, nhưng đó cũng là kim chỉ nam của những nhà quản lý đất nước lúc đó và sau này.

* Là người trực tiếp chuẩn bị hồ sơ để sang Hàn Quốc tham dự khóa tập huấn của UNESCO về chương trình Kí ức thế giới (2/2009), được “bảo vệ thử” hồ sơ và với tất cả những gì chúng ta đã có, anh có hi vọng rằng hồ sơ này sẽ được UNESCO chấp nhận?

- Thú thật, lúc đầu, tôi cũng không chắc chắn lắm, bởi tôi thấy bia Tiến sĩ của ta có phần giống với các tư liệu khác, và hình như không có tính độc đáo và duy nhất. Tuy nhiên, dựa vào kiến thức về bia Tiến sĩ, không chỉ ở Huế mà ở Trung Quốc, tôi đã tìm ra những điều khác biệt, và mạnh dạn khẳng định giá trị của bia Tiến sĩ. Do có sự chuẩn bị trước (và đúng như dự đoán, các chuyên gia đã phản biện những điều đó) nên những tư liệu, lập luận đưa ra đã thuyết phục được các chuyên gia tư vấn.

“Passed exam” - bạn đã đỗ - ông Rujaya Abhakorn (người Thái Lan), một chuyên gia trong Hội đồng tư vấn đã nói với tôi câu đó sau khi tôi kết thúc phần bảo vệ thử cho hồ sơ của Việt Nam.

Theo đánh giá của các chuyện gia tại hội nghị tập huấn thì đây là một di sản tư liệu rất quý. Tôi không dám chắc điều gì nhưng, theo nhận xét của các chuyên gia, tôi cho rằng, có đến 70-80% hồ sơ này sẽ được công nhận. Phần còn lại phụ thuộc rất nhiều vào cách thức làm hồ sơ và khả năng chúng ta thuyết trình cho hồ sơ này để thuyết phục những người thẩm định.

* Anh có thể nói rõ hơn về hồ sơ đã được sửa và cần bổ sung những gì?

- Một trong những thay đổi, theo gợi ý của các chuyên gia, là thay đổi tên Hồ sơ bằng tiếng Anh để tránh hiểu lầm và nhấn mạnh tính độc đáo của di sản. Tên ban đầu của hồ sơ là Doctor’s Steles of Le – Mac Dynasties in Van Mieu- Quoc Tu Giam (Bia Tiến sĩ triều Lê – Mạc tại Văn Miếu Quốc Tử Giám) nhưng vì chữ “doctor” có thể khiến người đọc hiểu nhầm nghĩa từ “tiến sĩ” sang “bác sĩ” nên sau khi thảo luận với chuyên gia, chúng tôi đã đổi tên hồ sơ thành Stone Steles records of Royal examinations under Le – Mac Dynasties in Van Mieu - Quoc Tu Giam. (Bia đá hồ sơ các khoa thi tiến sĩ dưới triều Lê và Mạc tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám). Tên như thế cho thấy rõ ngay, đây không chỉ là bia ghi tên các tiến sĩ mà là bia đá ghi lại lịch sử các khoa thi. Chúng tôi thấy góp ý này rất đúng và đã thay đổi ngay.

* Xin cảm ơn anh!
 
Hà Giang (thực hiện)

Kỳ 4: Mộc bản triều Nguyễn - Kho “sách cổ” khắc trên gỗ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm