Doanh thu phim Tết 2012: Một con số, nhiều câu chuyện

30/01/2012 11:05 GMT+7 | Phim


(TT&VH) - Đến hôm qua (29/1), trong các phim Việt ra rạp mùa Tết, chỉ có Hello cô Ba của Hãng phim Phước Sang cán mức hòa vốn và thẳng tiến về đích thắng lợi khi đạt doanh thu ước đoán 15 tỷ đồng. Trong bối cảnh phim Việt đã khởi sắc và có nhiều “vị”, một con số này thôi cũng đưa các nhà sản xuất vào thế “bứt tóc” - ngôn ngữ của giới kinh doanh khi gặp chuyện nan giải.

Giữa tháng 1/2012, một trang mạng xã hội đưa ra dự đoán rất chủ quan, nhưng khá thu hút: doanh thu tổng cộng của Hello cô Ba sẽ là 17,5 tỷ đồng; Lời nguyền huyết ngải - 15,25 tỷ; Lệ phí tình yêu -14,22 tỷ; Thiên mệnh anh hùng - 13,75 tỷ; Vũ điệu đường cong -7,5 tỷ. Đến nay thì dự đoán này chỉ có vẻ đúng với Hello cô Ba Thiên mệnh anh hùng, khá sai với các phim còn lại.

“Đánh” trúng... khán giả

Phước Sang từng khẳng định với TT&VH: “Khi xem xong bản phim Hello cô Ba hoàn chỉnh mà chúng tôi vừa sản xuất, với cách đặt Hoài Linh và nhiều diễn viên khác vào đúng vị trí của mình, tôi mạnh dạn nói rằng nó sẽ đem lại thắng lợi”. Mà thắng lợi nhất của nó là với khán giả Sài Gòn, nơi chịu bỏ tiền và xếp hàng mua vé, thường chiếm 3/5 doanh thu cả nước.

Khán giả Sài Gòn dịp Tết rất khác với khán giả ngày thường, bởi những ngày này, những người “ngoại tỉnh” về quê rất nhiều, chỉ còn “dân Sài Gòn gốc” ở lại đi xem phim. Chưa có một khảo sát nào cho thấy các phim đạt doanh thu cao trong năm tại Sài Gòn thì có bao nhiều phần trăm dân gốc (sinh ra, lớn lên ở đây), bao nhiêu phần trăm dân nhập cư (Tết về quê)… đi xem. Nhưng nhìn vào tiểu sử nghề nghiệp của các hội chuyên ngành như điện ảnh, báo chí, văn chương… thì dân tỉnh chiếm một phần khá lớn, nên có thể nói, dịp Tết là dịp Sài Gòn khá vắng dân chuyên môn (?!).

Đặt Hoài Linh (bìa trái) đúng tầm ngắm của khán giả Sài Gòn, Hello cô Ba
đang dẫn đầu doanh thu phim Việt dịp Tết 2012.

Phước Sang chắc biết điều này nên đã chọn sản xuất một phim khá thực dụng, đánh đúng vào thị hiếu khán giả để giúp nhà sản xuất “vượt cản”, trong khi các phim khác thì đánh trật nên... “vấp té”. Trong một điều tra xã hội học của nhóm sinh viên báo chí ở TP.HCM năm 2009 cho thấy lý do khán giả Sài Gòn thích xem phim hài nhảm ngày Tết: giải trí triệt để sau một năm đã nặng đầu vì nhiều thứ, trong đó có phim nghệ thuật; năm mới bớt suy nghĩ mà nhiều nụ cười là giống tinh thần của thổ địa - thần tài, sẽ giúp bản thân, gia đình phát đạt, hanh thông.

Hơn nữa, điện ảnh Sài Gòn trước 1975 vốn khá phát đạt với phim hài, chủ yếu do học được cung cách làm ăn của Hong Kong. Phim Hello cô Ba hay các phim hài tương tự, nói kiểu gì, nó cũng phảng phất cấu tứ và chất hài nhảm kiểu Hong Kong.

Và thách thức cùng Hello cô Ba

Nhiều nhà làm phim, tự nhận mình là nghiêm túc, khá khinh thường cách làm phim kiểu Hello cô Ba; họ càng “phẫn nộ” hơn khi thấy nó thành công và đang dẫn đầu về doanh thu. Không phải họ ghét Phước Sang, mà vì họ sợ những phim như thế này sẽ đẩy thị hiếu khán giả thụt lùi, khiến các nhà làm phim cũng phải.. thụt lùi theo để kiếm tiền (!?).

Mới nhìn, tưởng cái suy nghĩ này đúng, nhưng thực tế nhiều khi rất phũ phàng, nó đang chứng minh ngược lại. Bởi rõ ràng, nhìn vào các phim ra rạp Tết, đã là dân xem phim thì ai cũng biết phim nào nghiêm túc, phim nào không, vậy mà khán giả thích chọn “hài đặc sản”. Tại sao vậy? Câu trả lời không khó, thứ nhất, như đã nói ở trên, cả năm đã xem phim “nặng đầu” rồi, ngày Tết họ thích xem phim “vui miệng” hơn; thứ hai, chưa hẳn giới thích xem phim nghiêm túc thì đã thích xem phim hài và ngược lại, còn tại sao ngày Tết nhiều người thích xem phim hài thì cần phải có những nghiên cứu xã hội học để trả lời.

Quan trọng hơn, liệu một phim hài xem trong 9-10 ngày Tết có hạ được thị hiếu của khán giả và làm lệch xu hướng sản xuất của giới làm phim? E là không vì khán giả thường tự phân khúc thị hiếu của mình, khó mà thay đổi được thói quen và trình độ thẩm mỹ của họ bằng một hai phim nào đó. Riêng chuyện, chỉ vì một phim như Hello cô Ba mà các nhà sản xuất bẻ cong định hướng và tiêu chí của mình để chạy theo thị hiếu thì cũng nên xem lại đẳng cấp của những nhà sản xuất này. Họ phải tự trả lời mình làm phim vì điều gì, nếu vì thị hiếu khán giả và vì kiếm tiền để tái đầu tư thì làm như Hello cô Ba đâu có gì sai, hay đáng hổ hẹn.

Thực tế cũng cho thấy, để làm một phim như Hello cô Ba không phải dễ, bởi phim Việt mùa Tết đang gặp nhiều khó khăn trong việc “làm cho ra chất”. Rõ ràng, khán giả Sài Gòn luôn chọn những phim đúng chất (dù là hài nhảm như Hello cô Ba) để bỏ tiền mua vé, những phim không đủ can đảm để đi hết chọn lựa về thể loại như Lời nguyền huyết ngải, Lệ phí tình yêu, Vũ điệu đường cong… sẽ khó được họ ủng hộ hơn. Có lẽ, đã đến lúc phim Việt nói với khán giả rằng mình muốn gì, mà khi đã muốn, thì phải... làm tới cùng trong sự chọn lựa ấy.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm