Phim Tết 2012: Chen chân ra rạp

14/01/2012 09:02 GMT+7 | Phim

(TT&VH) - Chưa bao giờ, kể từ năm 1975, phim Việt lại có kỳ ra rạp cuối năm rầm rộ và nhiều như năm nay (5 phim). Con số này làm cho giới quan sát vừa vui vừa lo; vui vì chúng ta đã có tín hiệu hình thành thị trường điện ảnh, lo vì tắc nghẽn chuyện phát hành và thiếu rạp để chiếu.

Đến hôm nay, với báo giới, có thể nói phim Việt mùa Tết 2012 chẳng còn gì bất ngờ, khi các phim được chờ đợi nhất như Thiên mệnh anh hùng, Lời nguyền huyết ngải… đã không chạm đến được cái đích của sự hấp dẫn và chưa rõ nét về thể loại.

Thách thức về rạp chiếu

Cả nước hiện nay có hơn 220 rạp chiếu phim còn hoạt động được, nhưng thực tế, chỉ có khoảng 120 rạp là hoạt động thường xuyên, khoảng 100 rạp đủ chất lượng. Các nhà sản xuất lớn như BHD, Galaxy… thường chỉ hướng tới 100 rạp này, bởi chiếu các rạp kém chất lượng sẽ bị lỗ về tiền chép các bản phim nhựa.

Theo con số ước tính năm 2009, Hà Nội có khoảng 4.923 ghế, TP.HCM có 15.084 ghế. Mới đây Galaxy cho biết một vài năm tới, họ sẽ xây dựng 7 cụm rạp mới với 45 rạp chiếu, khoảng 8.000 chỗ ngồi. Tính đến hết năm 2011 thì MegaStar đã có 9 cụm rạp và 69 rạp chiếu, chiếm khoảng 7/10 số rạp chất lượng tại Việt Nam.

Mới nhìn thì tưởng con số này là nhiều, nhưng thực chất, nó còn khá ít nếu tính theo mật độ dân số và nhu cầu của những thành phố lớn như TP.HCM hay Hà Nội. Hiện nay ở Thái Lan (khoảng 68 triệu dân) có hơn 500 rạp, riêng Bangkok (8 triệu dân) đã có 300 rạp. Hay như nước Mỹ (khoảng 309 triệu dân), họ có hơn 39 ngàn rạp chiếu (số liệu năm 2009), theo Hiệp hội Các nhà chiếu bóng quốc gia Mỹ.

Mọi so sánh đều bất cập, nhưng số rạp chiếu thì luôn quyết định việc thu hồi vốn và kiếm lãi của những phim được đầu tư bài bản. Với khoảng 100 rạp chiếu chất lượng như hiện nay, 5 phim Việt ra rạp cùng lúc thì phải chịu cảnh “chen lấn, xô đẩy”. Bởi thông thường, mỗi phim chỉ chiếm được một rạp chiếu của một cụm rạp trong khoảng 2 tuần, nếu đông khách thì chiếu tiếp, ít thì thôi. Nếu phim nào phát hành tốt thì cùng lúc lấy được rạp chiếu ở tất cả cụm rạp, nhưng hiếm khi có phim Việt làm được điều này, nên cơ hội thu hồi vốn thường khá phập phồng. Chỉ cần nhẩm tính số phòng chiếu, suất chiếu, số ghế ngồi và tiền vé… thì sẽ biết doanh thu.

Các phim mùa Giáng sinh như Tối nay 8 giờ, Hoán đổi thân xác, Cột mốc 23… sau 2 tuần chiếu đều không thu hồi được vốn, một phần vì phim không hay, một phần vì số rạp chiếu mà họ tìm được khá ít.

Cảnh trong phim Thiên mệnh anh hùng. Ảnh: TL

Phim Tết 2012 có gì?

Trở lại chuyện 5 phim Tết 2012, giới quan sát thị trường cho rằng cơ hội lấy vốn đều khá thấp. Ngoài hai lý do vừa nêu ở trên, thì chuyện thị phần phim Tết bị chia nhỏ đột xuất cũng là bài toán rất nan giải.

Những phim có doanh thu cao ở Việt Nam (từ 20 tỷ trở lên) trong mấy năm qua đều phải đảm bảo ba yếu tố là câu chuyện có nét thu hút, cách kể chuyện thú vị và đảm bảo tính giải trí, kiểu “xem cho vui”. Những phim Tết năm nay, nhìn chung, chưa đáp ứng được điều này.

Dẫn đầu về dư luận và mức đầu tư là Thiên mệnh anh hùng (khoảng 30 tỷ đồng), với hứa hẹn về việc tạo ra bộ phim kiếm hiệp kì tình, nhưng đến nay thì “chất” của nó được đổi thành “hành động võ hiệp”. Hơn nữa, có lẽ do “tham” suất chiếu (?) nên nhà sản xuất quyết định thời lượng của phim chỉ còn 100 phút, quá ngắn so với thể loại này, nên nhiều cảnh đánh nhau bị cắt ngắn để đảm bảo câu chuyện, nên các pha hành động võ hiệp còn lại khá ít. Người xem thay vì được mãn nhãn kiểu Dòng máu anh hùng hay Bẫy rồng, nay họ phải ngồi xem một chuyện tình buồn với vài cảnh đánh nhau.

Kế đến là Lời nguyền huyết ngải, phim được đầu tư tốt, hoàn tất từ khá sớm, có đủ thời gian để quảng bá, thế nhưng thể loại cũng không rõ ràng. Như TT&VH từng đề cập, đến phút chót họ tuyên bố đây không phải là phim kinh dị, dù lúc đầu “kinh dị” là chiêu để quảng bá. Chính sự lưỡng lự về thể loại nên khi xem xong, người xem cũng khá băn khoăn về “chất” của nó, “dị nhưng không kinh”. Hơn nữa, ngày Tết xem một phim ma quái, với nhiều người là điều kiêng kị, nên sức bán vé sẽ khó bằng các thể loại vui vẻ khác.

Phim Cô dâu đại chiến “làm mưa làm gió” mùa Tết năm rồi vì họ có tổng cộng 30 bản phim trình chiếu trên khắp cả nước. Với Những nụ hôn rực rỡ là 29 bản phim; Dòng máu anh hùng có 25 bản phim... Để có thêm bản phim thì chỉ cần bỏ tiền ra chép và đóng thuế là xong, nhưng làm sao để kiếm được phòng chiếu cùng lúc thì khó khăn hơn. Năm 2011, các phiếu thất bại về doanh thu đều có số bản phim khá ít, có phim chỉ 6-7 bản.

Cùng chất liệu tâm lý - hài, Vũ điệu đường cong có vẻ nhỉnh hơn Lệ phí tình yêu về mọi mặt, nhưng bù lại, họ không có được nhà phát hành mạnh, lấy vốn chỉ thuộc về cụm từ “hi vọng”. Lệ phí tình yêu có kết cấu chặt chẽ hơn, nhưng câu chuyện thì nhạt nhẽo, kể lể, gần với truyền hình hơn điện ảnh, cái kết lại sáo rỗng… nên không biết khán giả sẽ phản ứng ra sao.

Riêng Hello cô Ba thì chọn hẳn thể loại hài quen thuộc, kiểu cười một lần là xong, nhưng với hệ thống phát hành và việc “đua tranh” như hiện nay, nhiều người cũng rất nghi ngờ về khả năng bán vé của nó.

Rõ ràng Tết này thiếu những phim đột phá về thị trường như Bẫy rồng, Để Mai tính, Cô dâu đại chiến… nên rất khó để khẳng định về mùa phim thành công. Tuy vậy, những người lạc quan vẫn hi vọng cả 5 phim sẽ thắng lợi để các năm tới Việt Nam có nhiều nhà làm phim hơn và nhiều rạp chiếu hơn nữa. Không ai muốn ngọn lửa vừa mới nhóm cho thị trường phim sẽ bị dập tắt do sự nhụt chí trước các phim thất bại về doanh thu trong dịp Tết 2012.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm