Xét xử cựu Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng và 12 bị cáo

10/04/2024 11:43 GMT+7 | Tin tức 24h

Ngày 10/4, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh đưa ra xét xử sơ thẩm Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca, cựu Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng cùng 12 bị cáo liên quan đến vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Trốn thuế", "Mua bán trái phép hóa đơn chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước", "Nhận hối lộ" và "Đưa hối lộ". Dự kiến phiên tòa diễn ra trong 3 ngày.

Chủ tọa phiên tòa là Thẩm phán Bùi Văn Tuấn, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh; tham gia tố tụng là các kiểm sát viên Tạ Thanh Bình, Nguyễn Trung Hoan.

Bị cáo Trương Xuân Đước (sinh năm 1971, trú tại phường Đằng Hải, quận Hải An, thành phố Hải Phòng) và vợ là Nguyễn Thị Ngọc Anh (sinh năm 1979, trú tại quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng) bị truy tố về tội "Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước" và "Đưa hối lộ".

Đỗ Hữu Ca (sinh năm 1958), cựu Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng bị truy tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Xét xử cựu Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng và 12 bị cáo - Ảnh 1.

Bị cáo Đỗ Hữu Ca tại phiên tòa. Ảnh: Đức Hiếu - TTXVN

Các bị cáo Nguyễn Đình Đương (sinh năm 1972), cựu Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng và Đỗ Thanh Hoài (sinh năm 1970), cựu cán bộ Chi cục Thuế huyện Cát Hải bị truy tố về tội "Nhận hối lộ". Đặng Khắc Thành, Hà Thị Bích Nhàn bị truy tố về tội "Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước". Hà Thị Trang, Đỗ Thị Đua, Vũ Ngọc Tú, Chu Thị Thu Hiền, Nguyễn Hiền Tài, Ngô Văn Tuyên bị truy tố về tội "Trốn thuế".

Đồng thời, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh còn triệu tập 21 người với tư cách nhân chứng của vụ án.

Theo cáo trạng, năm 2007, Trương Xuân Đước và vợ là Nguyễn Thị Ngọc Anh quản lý, điều hành Công ty Cổ phần Khánh Dung chuyên hoạt động mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng. Nguyễn Thị Ngọc Anh có vai trò là Kế toán trưởng của Công ty và được Trương Xuân Đước giao nhiệm vụ quản lý bộ phận kế toán kê khai báo cáo thuế, hợp thức hóa hồ sơ và làm các thủ tục thành lập các công ty.

Từ năm 2014 - 2021, vợ chồng Trương Xuân Đước đã sử dụng căn cước công dân của mình và nhiều người thân quen, bạn bè hoặc nhân viên để thành lập thêm 26 công ty chuyên hoạt động mua bán trái phép hóa đơn.

Xét xử cựu Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng và 12 bị cáo - Ảnh 2.

Bị cáo Trương Xuân Đước, trú tại phường Đằng Hải, quận Hải An, thành phố Hải Phòng, tại phiên tòa. Ảnh: Đức Hiếu - TTXVN

Đối với hóa đơn đầu vào, căn cứ vào lượng tiền ghi trên hóa đơn bán ra, hằng tháng Đước mua hóa đơn của Bùi Huy Hợp (sinh năm 1972, trú tại xã An Đồng, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng) và các cá nhân, đơn vị khác với giá từ 5 - 6 % giá trị hàng hóa, dịch vụ ghi trên hóa đơn (chưa tính thuế VAT) để sử dụng kê khai báo cáo thuế.

Năm 2018, Bùi Huy Hợp bị Công an thành phố Hải Phòng bắt. Để tránh bị phát hiện, vợ chồng Đước đã hạn chế mua hóa đơn mà thành lập 11 công ty làm nguồn vào, sử dụng kê khai báo cáo thuế cho hoạt động bán hóa đơn trái phép. Kết quả điều tra xác định, từ tháng 3/2013 đến tháng 5/2022, vợ chồng Trương Xuân Đước đã mua bán 15.674 hóa đơn, thu lợi bất chính trên 41,2 tỷ đồng.

Vào khoảng tháng 10/2022, vợ chồng Đước biết tin Trương Văn Nam (là cháu của Trương Xuân Đước) bị Cơ quan An ninh điều tra (Công an tỉnh Quảng Ninh) bắt, khám xét liên quan đến hành vi mua bán trái phép hóa đơn.

Lo sợ cơ quan Công an sẽ điều tra, xác minh về công ty của vợ chồng mình đang quản lý, điều hành, Trương Xuân Đước đã bỏ trốn và chỉ đạo vợ đến gặp ông Đỗ Hữu Ca, cựu Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng (đã nghỉ hưu), ở xã Kênh Giang, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng và là người có mối quan hệ thân thiết với Đước để nhờ chạy tội.

Sau đó, vợ của Đước là Nguyễn Thị Ngọc Anh đến nhà ông Đỗ Hữu Ca thông báo sự việc và nhờ ông Ca tìm hiểu, tác động chạy án cho Đước, mọi chi phí sẽ chuẩn bị theo yêu cầu của ông Ca.

Qua trao đổi, ông Đỗ Hữu Ca biết doanh số bán ra của Công ty Thái Bình Dương (một trong những công ty do vợ chồng Đước quản lý) khoảng 200 tỷ đồng, mặc dù không làm việc gì để lo chạy tội cho Đước song ông Ca vẫn bảo vợ chồng Ngọc Anh chuẩn bị số tiền là 10% doanh thu bán ra của (tương đương 20 tỷ đồng) và một số tiền "tiêu cực phí" khác để lo chạy tội.

Xét xử cựu Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng và 12 bị cáo - Ảnh 3.

Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: Đức Hiếu - TTXVN

Từ cuối tháng 10/2022 đến khoảng tháng 12/2022, vợ chồng Đước 4 lần đến gặp và đưa tổng cộng 35 tỷ đồng cho ông Đỗ Hữu Ca tại nhà ở thôn Trại Trên - Đồng Phản, xã Kênh Giang, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng.

Sau 4 lần đưa tiền chạy tội nhưng vẫn không có phản hồi, trước Tết Nguyên đán năm 2023, Đước lại cùng vợ đến nhà ông Ca để hỏi kết quả chạy án.

Đến ngày 3/2/2023, Trương Xuân Đước bị Cơ quan An ninh điều tra (Công an tỉnh Quảng Ninh) bắt giữ về hành vi mua bán trái phép hóa đơn. Sau khi chồng bị bắt, Ngọc Anh đến nhà gặp ông Ca hỏi về rõ sự việc và xin lại 35 tỷ đồng nhưng ông Ca không trả lại tiền, còn mắng và đuổi Ngọc Anh về.

Ngày 7/2/2023, Ngọc Anh bị Cơ quan An ninh điều tra (Công an tỉnh Quảng Ninh) bắt giữ. Đến ngày 18/2/2023, ông Đỗ Hữu Ca bị cơ quan An ninh điều tra (Công an tỉnh Quảng Ninh) khởi tố, bắt tạm giam về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Tại cơ quan điều tra, ông Đỗ Hữu Ca khai đã nhận tiền của vợ chồng Đước nhưng không hoặc chưa tác động đến cá nhân hay cơ quan chức năng nào để "chạy án". Ông Đỗ Hữu Ca đã nộp lại toàn bộ số tiền 35 tỷ đồng cho cơ quan công an.

Quá trình điều tra vụ án đã xác định, từ tháng 8/2021 đến tháng 8/2022, Đước và Ngọc Anh đã đưa cho Nguyễn Đình Đương, cựu Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng và Đỗ Thanh Hoài, cựu cán bộ ngành Thuế của Chi cục Thuế huyện Cát Hải tổng số tiền 362 triệu đồng. Trong đó có 192 triệu đồng tiền chi phí theo tỷ lệ 3 triệu đồng/1 tỷ đồng giá trị giao dịch hàng hóa, dịch vụ bán ra ghi trên hóa đơn (chưa tính thuế VAT).

Trong quá trình điều tra, các bị cáo đã nộp lại số tiền hơn 40 tỷ đồng (trong đó có 35 tỷ đồng của ông Đỗ Hữu Ca).

Đức Hiếu/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm