Vất vả điều tra dân số và nhà ở tại Thành phố Hồ Chí Minh

03/04/2009 11:39 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở 2009 (TĐTDS&NƠ) đã triển khai được hai ngày. Mặc dù đã được phổ biến đến người dân và tập huấn cho các điều tra viên (ĐTV), nhưng công tác triển khai vẫn gặp vướng mắc. Đặc biệt, các khu vực có đông dân nhập cư, việc điều tra rất khó khăn.
 
 
Một số người dân chưa hợp tác tốt
Sau hai ngày triển khai tổng điều tra dân số trên cả nước, các ĐTV tại các địa phương ở TP.HCM đã tiến hành điều tra đồng thời trên 2 mẫu điều tra của Trung ương và của TP.HCM.
Khoảng 22h đêm ngày 01/04, các điều tra viên trên các địa bàn TP.HCM đã tiến hành điều tra những người lang thang, cơ nhỡ, không nhà. Trước đó, lúc 00h ngày 01/04, điều tra viên cả nước đã tiến hành đồng loạt kiểm tra các nhà trọ, khách sạn để xác định khách vãng lai, lưu trú phục vụ cho công tác thống kê. Qua công tác điều tra đã nảy sinh một số khó khăn.
Ông Nguyễn Văn An, Trưởng ban Tổng ĐTDS&NƠ phường 7 - quận 11 cho biết: “Nhận thức của người dân ở một số nơi về công tác điều tra còn thấp, nên có trường hợp không hỗ trợ hoặc từ chối tiếp xúc gây khó khăn cho ĐTV".
 
Việc xây dựng bảng thống kê và vẽ sơ đồ cách nhau 6 tháng nên khi bắt đầu tiến hành điều tra có sự sai lệch số liệu về số liệu sinh và tử cũng gây ảnh hưởng đến công tác điều tra. Điều tra vào thời gian này cũng gây khó khăn cho một số nơi.
 
Theo quy định của Cục Thống kê TP, các ĐTV phải tốt nghiệp lớp 12 trở lên. Nhưng ở các phường, việc điều tra chủ yếu dựa vào các tổ trưởng là chính (nắm rõ địa bàn), nhưng trình độ các tổ trưởng lại khá hạn chế, có khi chưa tốt nghiệp cấp 2. Ông Nguyễn Thành Trọng, Trưởng ban ĐTDS&NƠ phường Tân Chánh Hiệp, quận 12 cho rằng: “Nếu cuộc điều tra diễn ra vào mùa Hè thì thuận lợi hơn. Khi đó có thể huy động được lực lượng thanh niên, sinh viên… những người có trình độ, năng nổ và làm tốt các công tác xã hội”.
Cũng theo ông Nguyễn Trọng Thành, để thống kê chính xác số người cư trú tại địa phương, các ĐTV phải rất tế nhị. Song song với việc kê khai, ĐTV phải phổ biến cho người dân rõ về mục tiêu của cuộc TĐTDS&NƠ. Phải cho dân biết việc điều tra dân số khác với việc kiểm tra tạm trú, tạm vắng của công an, để người dân kê khai đúng số lượng người đang cư trú trong nhà, tránh trường hợp một số người mới đến, chưa có tạm trú nên không dám kê khai.
 
Điều tra viên lúng túng
Ở các khu vực ngoại thành TP.HCM, việc tiến hành điều tra dân số một cách chính xác không phải là dễ. Do phần lớn là dân nhập cư, làm công nhân ở các Cty hoặc làm nghề tự do nên việc điều tra rất khó khăn. Khu vực phường Tân Chánh Hiệp, Q.12 là địa bàn khá phức tạp, phần lớn là dân nhập cư, học sinh, sinh viên ở trọ, dân số lại rất đông (khoảng 10.000 hộ). Trong khi toàn địa bàn phường chỉ có 58 ĐTV, do đó công tác điều tra rất vất vả. Các ĐTV phải nắm vững địa bàn mới làm tốt được. Phần lớn là dân nhập cư, làm công nhân, nên phải nắm được giờ giấc cụ thể (buổi trưa hoặc buổi tối, thậm chí đêm khuya…) mới làm được.
Ông Nguyễn Thành Trọng cho biết thêm, do ngày đầu chỉ thực hiện theo kiểu “thí điểm, mẫu”, mỗi ĐTV không được điều tra quá 6 hộ nên dù có chút lúng túng nhưng mọi việc diễn ra tốt đẹp. Tuy nhiên, có trục trặc nhỏ ở khu phố 2, đến trưa hôm qua 2/4, ĐTV vẫn chưa nộp bản điều tra ngày 1/4 về phường. Các ĐTV đều đã được tập huấn, nhưng có thể do đã lâu ngày nên… quên.
Trong ngày đầu, việc điều tra đã gặp một số trục trặc nhỏ với mẫu điều tra. Theo đó, trong bản điều tra, các chữ số không được thống nhất với nhau. Theo quy định (hướng dẫn), số 1 phải không có “móc”, hay số 7 có “gạch ngang”, số 4 “hở đầu”… để máy quét quét chính xác. Nhưng theo số thứ tự trong giấy in, các chữ số trên lại khác. Vì vậy một số người ghi không đúng quy định.
Theo qui trình báo cáo trong công tác thống kê, Ban Chỉ đạo phường sẽ tập hợp số liệu báo cáo Ban Chỉ đạo quận sau 3 ngày điều tra.

Phan Vũ – Anh Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm