Trung Quốc: Nữ quyền lên cao nhờ chính sách một con

01/09/2011 11:02 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Chính sách một con của Trung Quốc, ngoài việc kiềm chế tốc độ tăng trưởng dân số còn mang tới một tác động ít ai ngờ: khuyến khích nữ quyền tới một mức độ chưa từng thấy trong lịch sử nước này.

Sinh viên năm nhất Đại học Thanh Hoa Mia Wang rất thừa tự tin. Khi được hỏi thành phố quê nhà ở Benxi, phía Đông Bắc Trung Quốc, có gì nổi tiếng nhất, cô cười vang và không ngần ngại tuyên bố: "Cho ra đời những người ưu tú, như tôi" .

Thành tựu chưa từng thấy trong lịch sử

Wang không hề quá lời. Cô gái trẻ này là sinh viên tại một trong những đại học nổi tiếng nhất Trung Quốc và cô có khả năng viết thư pháp, chơi piano, thổi sáo và đánh bóng bàn có thể khiến người ta ghen tị.

Những cô gái trẻ và tài năng như vậy giờ đang ngày càng nhiều tại các thành phố của Trung Quốc, giúp hình thành nên một thế hệ phụ nữ được đào tạo và có nền tảng kiến thức tốt nhất trong lịch sử Trung Quốc. Chưa bao giờ người ta thấy có nhiều người như vậy trong các trường đại học và chưa bao giờ tỉ lệ sinh viên nam/nữ lại cân bằng như thế.

Mia Wang (phải) trong một bữa cơm cùng mâm với mẹ đẻ
Zheng Hong (giữa) và bà nội Gao Mingxiang

Tổng cục Thống kê Trung Quốc nói rằng năm 1978, phụ nữ mới chỉ chiếm 24,2% trong tổng số sinh viên tại các trường cao đẳng và đại học trong nước. Tới năm 2009, gần nửa số sinh viên ở Trung Quốc là phụ nữ và 47% cử nhân mới tốt nghiệp là nữ giới.  Để tiện so sánh, ở Ấn Độ, phụ nữ mới chiếm 37,6% tổng số sinh viên tại các trường đại học và học viện.

Các chuyên gia nói chuyện này xảy ra là nhờ 3 thập kỷ tăng trưởng kinh tế đều đặn, chính phủ chi tiêu nhiều vào giáo dục và đặc biệt là nhờ chính sách một con. Kể từ năm 1979, các quy định kế hoạch hóa gia đình trong khuôn khổ "chính sách một con" đã ngăn không cho hầu hết các gia đình ở thành phố có con thứ 2.

Các bậc phụ huynh vì thế đã dồn hết tâm sắc chăm chút cho những cô con gái độc nhất của họ, giúp những người phụ nữ này được lớn lên trong một môi trường vật chất đầy đủ, được hưởng chế độ giáo dục tốt nhất. Đây là yếu tố thay đổi mang tính then chốt, sau hàng thập kỷ phụ nữ bị đánh giá thấp ở Trung Quốc. "Họ đã có gần như mọi đặc quyền vốn chỉ dành cho con trai" - Vanessa Fong, một chuyên gia về chính sách kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc ở đại học Harvard nhận xét.

Cuộc xung đột văn hóa quy mô nhỏ

Việc chính sách một con giúp tăng nữ quyền nghe có vẻ nghịch lý, bởi mặt trái của chính sách này là nhiều phụ nữ bị ép phá thai đứa con thứ 2 hay cưỡng bức triệt sản. Chính sách cũng bị chỉ trích vì khuyến khích việc lựa chọn giới trong thời kỳ mang thai, tại một xã hội vốn ưa thích con trai như ở Trung Quốc.

Theo truyền thống, các gia đình Trung Quốc thích con trai hơn để không bị tuyệt tự và con trai được xem là người kiếm tiền trụ cột. Năm ngoái LHQ ước tính 43 triệu bé gái ở Trung Quốc đã "biến mất" vì các biện pháp lựa chọn giới, cũng như việc bị ngược đãi và không được tiếp cận với dịch vụ y tế đầy đủ. Yin Yin Nwe, đại diện của UNICEF ở Trung Quốc tổng kết ngắn gọn: "Chính sách một con có mang tới nhiều lợi ích cho các bé gái. Nhưng với điều kiện các em phải ra đời trước".

Khi Wang chào đời và năm 1992, gia đình cô đã có một cuộc cãi vã lớn và rạn nứt kéo dài tới tận ngày nay. Ông bà của Wang đã rất thất vọng khi biết cha mẹ sinh ra cô. Họ đã có một đứa cháu gái từ con cả và rất mong chờ đứa con thứ sinh con trai.

"Mọi người xung quanh chúng tôi đều có quan điểm rằng con trai quý hơn con gái" - Gao Mingxiang, bà nội của Wang tuyên bố tại nhà riêng. Ngồi cạnh bà, Wang cau mặt lại. Cô không ngại biểu lộ cảm xúc bực tức khi bị đánh giá thấp, cũng như thái độ mau chóng muốn rời khỏi nhà bà. Cô chỉ tới thăm bà để cho cha vui lòng, nhưng không bao giờ muốn ngủ lại.

 Chính sách một con được cho là đã tạo cơ hội để những phụ nữ
như Wang được hưởng nhiều quyền lợi tốt hơn.

Fong nói rằng rất nhiều gia đình ở Trung Quốc hiện đang lâm vào tình cảnh giống như nhà Wang. Đó là một sự thu nhỏ cuộc xung đột văn hóa giữa thế giới thứ ba và thế giới thứ nhất.

Hố sâu ngăn cách giữa Wang và bà nội là rất lớn. Không giống cháu gái, bà Gao, 77 tuổi, lớn lên tại Yixian, một quận trồng lúa mỳ và ngô nghèo khổ ở tỉnh Liêu Ninh. Năm 20 tuổi, bà lấy chồng và tới sống cách nhà chừng 1 km. Bà có 3 con và chưa bao giờ mơ tới cuộc sống bên ngoài ngôi làng của mình như thế nào. Thời đó, bà và con gái ở nhà làm việc để 2 con trai có thể yên tâm học tập. "Các con của tôi đều hiểu chuyện đó. Mọi gia đình xung quanh đều như thế" - bà Gao kể.

Nhưng mẹ của Wang, chị Zheng Hong, thì không thể hiểu và thông cảm được với mẹ chồng. Chị lớn lên tại thành phố luyện thép Benxi với 2 chị gái và được gửi đi học tại trường trung cấp. Chị vẫn còn phẫn uất khi nhớ lại cảm giác bị ghẻ lạnh từ mẹ chồng lúc sinh con gái. "Sau chuyện đó tôi hạn chế quan hệ với gia đình chồng. Tôi vẫn còn cảm thấy tức giận bởi hành động sai trái của họ. Tôi cũng quyết định rằng sẽ nuôi dạy con gái tôi để nó xuất sắc hơn tất cả những đứa con trai khác" - chị kể.

"Phụ nữ cũng có thể làm những điều vĩ đại"

Từ năm lên 6 tuổi, Wang đã sống trong một môi trường bị thúc ép liên tục, bắt đầu bằng các bài học bóng bàn. Cha mẹ khuyến khích cô tham gia thi đấu và đánh bại chúng bạn. Cô cũng được dạy học piano cổ điển, sáo Trung Quốc, được học bơi, trượt băng, được gia sư dạy kèm tiếng Trung, tiếng Anh và toán học. Lên trung học, Wang được đẩy vào các lò luyện thi đại học, vốn kéo dài từ sáng tới tận 10 giờ tối. Mẹ đẻ mang bữa tối tới tận trường cho cô. Kết quả là cô đã đạt được những thành tích mà bà và mẹ đẻ chưa từng có được.

Nhưng giới phân tích nói rằng nếu cô có một người anh hoặc em trai, sự thành công có thể đã không đến. "Hiển nhiên là con một luôn nổi trội, nhất là khi đứa trẻ là nữ giới" - Yang Juhua, một chuyên gia dân số ở Trung tâm Dân số và Phát triển thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc nói - "Bé gái sẽ bị bất lợi nếu có một người anh em trai. Nếu gia đình gặp khó khăn về tài chính, nhiều khả năng chỉ có con trai mới được đi học" .

Họ cũng chỉ ra rằng thành tựu bình đẳng giới và khuyến khích nữ quyền ở Trung Quốc mới chỉ đạt được trong lĩnh vực giáo dục. Phụ nữ vẫn yếu thế trong chính quyền, có tỉ lệ tự sát cao hơn nam giới, thường xuyên phải đối mặt với bạo lực tại gia đình, bị phân biệt đối xử ở nơi làm và phải nghỉ hưu sớm hơn nam giới.

Hiện chưa rõ thế hệ mới có thể thay đổi cán cân về giới bên ngoài trường học hay không. Nhưng chí ít những người như Wang cũng đã mang tới sự thay đổi quan điểm về vai trò của phụ nữ. Trong chuyến đi về quê gần đây để thăm bà, cô đã được giới chức lãnh đạo làng tới thăm. Wang đã trở thành người nổi tiếng vì là hậu duệ đầu tiên của làng bước chân vào Đại học Thanh Hoa danh giá. Điều đó đã tác động rất lớn tới những người có quan niệm thủ cựu như bà nội của cô. "Phụ nữ ngày nay, họ có thể ra ngoài làm mọi điều mình muốn" - bà Gao trầm ngâm - "Và họ cũng có thể làm những điều to tát".

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm