Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: Sẽ bình ổn giá thịt lợn như trước khi có dịch tả lợn châu Phi

05/05/2020 21:47 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Chiều 5/5, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, nhiều câu hỏi về vấn đề bình ổn giá, nguồn cung mặt hàng thịt lợn, việc nhập khẩu thịt lợn trong bối cảnh tái đàn lợn còn khó khăn đã được báo chí nêu lên.

Vì sao giá thịt lợn vẫn cao?

Vì sao giá thịt lợn vẫn cao?

Theo Bộ NN&PTNT, từ đầu tháng 4, các doanh nghiệp lớn đã giảm giá lợn hơi xuống còn 70.000 đồng/kg, tuy nhiên, trên thị trường, giá thịt lợn vẫn ở mức cao và thương lái vẫn phải tìm mua lợn trong các hộ chăn nuôi với giá dao động từ 77.000 - 80.000 đồng/kg.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Hiện nay, việc quản lý giá trong đó có mặt hàng thịt lợn theo cơ chế thị trường và cơ chế cung - cầu. Thời gian qua, báo chí đã phản ánh nhiều  nơi giá thịt lợn lên cao. Trước hết, ở tầm vĩ mô, điều này ảnh hưởng đến CPI, thậm chí ảnh hưởng đến cân đối nền kinh tế, khiến đời sống người dân gặp khó khăn, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh. Việc sử dụng thịt lợn là thói quen tiêu dùng của người dân; vừa qua mặc dù giá gia cầm rất rẻ nhưng do thói quen tiêu dùng nên thịt lợn tăng dẫn đến nguồn cung thiếu. Về lý do khách quan, dịch tả lợn châu Phi ảnh hưởng lớn đến tổng đàn trên toàn quốc.

Cũng theo ông Hải, nhiều gia đình cũng gặp khó khăn trong tái đàn trong khi nguồn vốn cho con giống còn đắt. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đàn lợn năm 2019 giảm 21% so với năm 2018. Tuy nhiên, theo báo cáo của một số địa phương,  đàn lợn có thể giảm tới trên 50%. Hiện nay, một số doanh nghiệp lớn chiếm đến 35% thị phần; 65% thị phần còn lại thuộc về các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, trong khi các hộ này đang gặp rất nhiều khó khăn; chính vì vậy nguồn cung đã thiếu lại càng thiếu.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chỉ ra hai cách để tăng nguồn cung là tái đàn và nhập khẩu thịt lợn. Biện pháp tái đàn đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng nhiều doanh nghiệp lớn thực hiện nhưng không thể khắc phục được ngay trong thời gian ngắn. Theo báo cáo của một số doanh nghiệp và địa phương, phải đến cuối năm 2020 đàn lợn mới quay lại như trước khi có dịch tả lợn châu Phi.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh buổi họp báo. Ảnh: Dương Giang - TTXVN

Về nhập khẩu thịt lợn, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các ngành khác nhập khẩu thịt lợn nhưng theo số liệu của ngành Hải quan, Việt Nam mới nhập 45.000 tấn so với số giao là 100.000 tấn thịt lợn. Thủ tướng cũng chỉ đạo các đơn vị tăng cường nhập khẩu thịt lợn. Theo quy định hiện hành, các doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn chỉ phải đến Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thực hiện các thủ tục liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo chất lượng thịt lợn nhập khẩu.

Sau khi có giấy phép từ đơn vị này, các doanh nghiệp tới cơ quan hải quan làm thủ tục nhập. Các doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn không phải qua bất cứ Bộ nào kể cả Bộ Công Thương để làm thủ tục nhập khẩu thịt lợn. Ông Đỗ Thắng Hải cho rằng, trong thời gian tới, với sự quyết liệt của Chính phủ, các địa phương, doanh nghiệp chăn nuôi, từ nay đến cuối năm, giá cả thịt lợn có thể bình ổn như trước khi có dịch tả lợn châu Phi.  

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải

Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, hiện này có khoảng 20 doanh nghiệp có thị phần lớn trong lĩnh vực chăn nuôi lợn, trong đó Tập đoàn CP (Thái Lan) chiếm 19,1% thị phần thịt lợn trên toàn quốc. Vừa qua có việc, tập đoàn CP khai báo giá thành lợn hơi chỉ khoảng 45-50.000 đồng/kg nhưng khi bán ra thì giá lên đến 80 – 90.000 đồng/kg. Khi có ý kiến của lãnh đạo Chính phủ, doanh nghiệp này cam kết giảm xuống đến 70.000 đồng/kg nhưng thực tế, số lượng các tiểu thương mua được giá này không nhiều.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, người tiêu dùng Việt Nam không có thói quen sử dụng thịt lợn nhập khẩu, do đó doanh nghiệp còn dè dặt nhập về. Vấn đề bình ổn giá cả thịt lợn, ngoài giải pháp về vĩ mô còn có yếu tố thị trường, tuy nhiên, do thói quen sử dụng thịt lợn của người dân nên rất khó điều hành thị trường. "Đây là khó khăn cản trở trực tiếp đến việc nhập khẩu hiện tại", ông Trần Quốc Phương nói.

Thanh Vân-Thu Phương - TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm