Thomas Midgley tự tay bơm CFC đầy phổi mình và chuyện sinh nghề tử nghiệp

18/06/2014 10:02 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Bất kể keo xịt tóc, máy lạnh hay xốp cánh nhiệt, từ những năm 1930 trở đi cả thế giới dùng nhiều sản phẩm cần đến khí CFC (chlorofluorocarbon) độc hại mà không biết đang dần dần tự tay hủy diệt cả nhân loại.

Người hùng cứu thế

Các đồng nghiệp của Thomas Midgley như muốn đứng tim: từ từ, rất từ từ, Thomas tự tay bơm loại khí tổng hợp nhân tạo vào đầy phổi mình. Ông nín hơi một lát rồi khẽ thở ra, và làm tắt cây nến cắm trên bàn. Có hai điều Thomas Midgley muốn chứng tỏ cho các đồng nghiệp tại hội thảo của Hội American Chemical Society vào tháng 4/1930 ấy: loại khí do ông phát kiến đó không hại sức khỏe, và không bắt lửa.

Lần đầu tiên thế giới biết đến Chlorofluorocarbon, gọi tắt là CFC. Nó hứa hẹn một cuộc cách mạng trong cuộc sống thường nhật của hàng tỷ người, bởi vì vào đầu thế kỷ 20 có một trang bị thuộc loại xa xỉ mà chỉ người giàu mới sở hữu: tủ lạnh.  


Thomas Midgley (1889-1944), vĩ nhân hay tội đồ?

Vào hôm đó, chưa ai linh cảm được mối nguy cơ chết người mà phát minh của Midgley sẽ đem lại: CFC sẽ gây lỗ thủng ozon trong khí quyển, làm thiệt hại mùa màng trầm trọng, gia tăng ung thư da... Ngược lại, Thomas Midgley lúc đó được tung hô như một vị thánh đem lại hồng phúc cho cả nhân loại.

Thời đó, gas làm lạnh thường được chế từ các khí độc hoặc dễ cháy như Chloromethane, Ammoniac hay Sulfur Dioxide. Chỉ cần đường ống bị rò rỉ một lỗ nhỏ là tai nạn thảm khốc không tránh khỏi. Báo ngày nào cũng đăng ảnh cả gia đình ngộ độc khí trong khi ngủ hoặc nhà cửa bị nổ tan hoang như trúng bom. Một số địa phương ở Mỹ thậm chí cấm dùng tủ lạnh, còn được gọi là “tủ đá giết người”.

Phát minh của Midgley chấm dứt nỗi lo đó, và ngành công nghiệp phấn khởi lao vào khai thác. Đến năm 1937 đã có 50% các gia đình Mỹ sở hữu tủ lạnh. Vấn đề không chỉ là bảo quản thực phẩm và làm cuộc sống dễ chịu, mà, ví dụ như việc giữ lạnh liên tục thuốc tiêm chủng đã cứu sống hàng triệu mạng người. Không chỉ thế, CFC còn chạy điều hòa không khí, làm áp khí trong bình cứu hỏa hay lọ nước thơm, được dùng trong công nghiệp làm xốp, công nghiệp điện tử…

Lợi nhuận trên hết

Thomas Midgley là một nhà khoa học từ đam mê và tự mày mò, vì ông chỉ học chế tạo máy. Sinh thời ông đăng ký hơn 100 sáng chế, ngay từ trên ghế nhà trường. Sau Thế chiến 1 ông xin vào làm cho General Motors và phát hiện chì ở dạng Tetraethyllead (TEL) làm giảm tiếng gõ trong động cơ đốt trong cũng như tăng tốc xe hơi và máy bay. Cũng phải nói thêm là ngày đó người ta đã biết chì cực kỳ độc hại đối với hệ thần kinh, hàng chục người đã chết ngay ở phòng thí nghiệm của General Motors, song lợi nhuận lớn khiến các ông chủ sẵn sàng chấp nhận hậu quả. Từ năm 1923 xăng pha chì đã có mặt trên thị trường.    

Khi các tai nạn dồn dập xảy ra, Thomas Midgley đáp lại bằng một chiến dịch tiếp thị quái đản: trước mặt đông đảo phóng viên, ông nhúng tay vào một chậu TEL, sau đó ghé mũi vào hít 60 giây liền. “Người ta có thể tiếp xúc hàng ngày với TEL, chẳng sao cả”, ông nói dối trơn tru. Dĩ nhiên ông giấu chuyện trước đó một năm bị ngộ độc chì, phải điều trị 6 tuần.


Đống rác của lịch sử: hàng triệu sản phẩm làm lạnh phải tái chế một cách tốn kém để tránh thoát khí CFC ra môi trường

Trong thời gian ngắn, TEL chiếm lĩnh thị trường. Riêng nửa đầu năm 1925 các cây xăng Mỹ đã bán ra 1,1 tỷ lít xăng pha chì. Nhờ TEL và CFC, Thomas Midgley được tôn vinh thành anh hùng dân tộc của Mỹ.

Khỏi phải nhắc đến việc giới hàn lâm dìm nhà khoa học nghiệp dư vĩ đại nọ trong biển huân chương, bằng tiến sĩ danh dự, chức vị... Năm 1944 ông còn trở thành Chủ tịch Hội Các nhà hóa học Hoa Kỳ. “Thomas Midgley đã đóng góp tuyệt vời để tạo ra một cuộc sống dễ chịu hơn”, Giáo sư William Lloyd Evans khen ngợi, “hậu thế sẽ ghi nhớ muôn đời các thành tựu nghiên cứu của ông”.

Aids trên trời rơi xuống

Quả thực, hậu thế nhớ mãi Midgley - tuy khác với mong đợi của Giáo sư Evans.

Năm 1974 hai nhà khoa học Mỹ là Mario Molina và Frank Rowland lần đầu nói đến thảm họa toàn cầu do CFC phá hỏng tầng ozon vốn là tấm khiên che chở mọi sự sống trên quả đất. Vị thánh Midgley bị giải thiêng, phát minh của ông nay bị coi là sự đe dọa đối với hành tinh xanh. Ở Australia, nơi quá ít người da trắng sống đủ lâu ở môi trường nhiều nắng, ung thư da đột nhiên thành thứ bệnh phổ biến, và chính ở đó sinh ra khái niệm “Aids trên trời rơi xuống”. Nhờ phát hiện động trời này, Mario Molina và Frank Rowland cùng nhà khoa học Hà Lan Paul Josef Crutzen được nhận giải Nobel Hóa học 1995.

Với Nghị định thư Montreal năm 1987 về bảo vệ tầng ozon, giới chính trị kịp phản ứng trước khi quá muộn. Cả phát minh lớn thứ 2 Midgley, xăng pha chì, cũng chết theo vào thập niên 1990, khi cả thế giới nhất loạt chỉ bán xăng không chì. “May” cho nhà phát minh là ông không còn phải tận mắt chứng kiến những tác hại do trí óc sáng láng của minh gây ra. Ở tuổi 51, ông bị chứng bại liệt trẻ em quật ngã và không thể tự ra khỏi giường, từ năm 1940 trở đi.

Từ giường bệnh, ông dùng điện thoại để phát đi lời kêu gọi đến các đồng nghiệp trong làng nghiên cứu: “Con người chúng ta là sinh vật duy nhất có khả năng thống trị thiên nhiên. Vấn đề chỉ là phải tăng cường kiểm soát”, Midgley nhấn mạnh. Nhưng chính ông đã từ lâu không còn kiểm soát được cuộc sống riêng của mình.

Vốn là kỹ sư chế tạo máy, ông mày mò nghĩ ra một cấu trúc phức tạp từ khuỷu nối, dây thép và ròng rọc, dùng nó để tự trèo xuống giường và đi lại trong nhà. Nhưng sáng 2/11/1944 ông không ra bếp dùng điểm tâm. Khi Carrie Midgley vào phòng, bà thấy chồng mình đã qua đời. Trớ trêu thay, chính phát minh cuối cùng của Thomas Midgley lại là một hành vi định mệnh: ông bị chính các dây thép siết đứt khí quản .

Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm