Nỗi đau trong các 'nhà máy trẻ em' ở Nigeria

09/09/2013 07:07 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Nigeria đang chật vật chống lại tình trạng nhiều bệnh viện tư ở đây bị biến thành các trung tâm buôn bán trẻ sơ sinh trá hình, do cơn khát con trai tăng cao trong nước.

Chủ sở hữu Bệnh viện Phụ sản Moonlight ở Nigeria không hứng thú khi bàn tới các cáo buộc rằng ông ta chuyên bán trẻ sơ sinh, với giá của bé trai luôn cao hơn các bé gái.

Làm giàu trên trẻ sơ sinh

"Tôi chẳng có gì để nói với các người" - Ben Akpudache, 74 tuổi, ném những lời đó vào mặt phóng viên AFP tại bệnh viện nhỏ nằm kẹp giữa các cửa hàng thương mại ở thành phố Enugu của Nigeria.

"Bác sĩ" Akpudache, người có thành tích y học đang bị đưa vào diện nghi vấn, đã chứng kiến bệnh viện của ông ta bị nhà chức trách tấn công hồi tháng 7 vừa qua. Vụ tấn công là kết quả của một chiến dịch giăng bẫy kéo dài 3 tháng, trong đó cảnh sát Nigeria nhận thấy Bệnh viện Moonlight thực thế là một "nhà máy trẻ em".

"Chúng tôi cho người đóng giả làm các cá nhân muốn mua một đứa trẻ" - Phát ngôn viên Lực lượng Phòng vệ Dân sự Nigeria (NCDC) Denny Iwuckukwu cho AFP biết. Dựa vào những manh mối có được, bắt đầu từ tháng 5 tới tháng 7, cảnh sát đã tổ chức nhiều cuộc tấn công vào bệnh viện và cả nhà riêng của Akpudache. Họ phát hiện rằng những nơi này chứa nhiều bà bầu và con họ thường bị bán ngay sau khi được sinh ra.


Bệnh viện Moonlight vẫn hoạt động dù nơi đây bị phát hiện tổ chức buôn bán trẻ sơ sinh

Bị bán ngay khi chào đời

Được biết Moonlight không phải là nơi duy nhất bán trẻ sơ sinh. Các "nhà máy" như thế này thường là những bệnh viện nhỏ, thuộc sở hữu tư nhân, chứa các bà bầu và con của họ - những “mặt hàng” có thể mang lại lợi nhuận lớn. Trong một số trường hợp, vài cô gái trẻ đã bị giam giữ ngoài ý muốn ở những “nhà máy” này, bị hiếp dâm và con của họ bị bán ra chợ đen.

Nhưng an ninh Nigeria nói rằng phần lớn các trường hợp, gồm cả ở Moonlight, đều là những người phụ nữ không chồng, mang thai ngoài ý muốn. Họ tìm tới các "nhà máy trẻ em" một cách tự nguyện hoặc qua thuyết phục.

Những đứa trẻ do họ sinh ra thường được bán với giá tới hàng ngàn đô la, trong đó bé trai có giá cao hơn nhiều bé gái. Nhưng các bà mẹ chỉ được nhận vỏn vẹn 200 USD.

Theo Liên Hợp Quốc, bất chấp việc có luật chống buôn người từ năm 2003, buôn bán trẻ em vẫn là loại hình tội phạm phổ biến thứ 3 Nigeria, sau lừa đảo và buôn ma túy. Mức phạt tối đa cho việc buôn bán trẻ em là tù chung thân. Tuy nhiên, việc tuyên phạt tùy thuộc vào thẩm phán và những kẻ vi phạm cũng có thể chỉ cần nộp phạt là xong.

Một trường hợp điển hình là Ebere Onwuchekwa, 29 tuổi. Cô đã không giấu được cảm xúc khi người ta hỏi về vụ bán đứa con trai Prosper của cô. Phát biểu tại văn phòng của một tổ chức phi chính phủ bảo vệ quyền trẻ em, cô cho biết người tình đã đòi mình phá thai. Tuy nhiên, cô không đồng ý. Mẹ cô cuối cùng đã đưa về nhà một "bà đỡ", người giúp cô sinh hạ Prosper rồi bán bé lấy 1.500 USD. "Bà ấy mang con tôi đi, khi cháu mới chỉ một ngày tuổi" - Onwuchekwa nói.

Sau khi biết chuyện, các chú của Onwuchekwa lập tức lần theo dấu vết của Prosper và cuối cùng đã đưa bé về nhà. Đứa trẻ giờ 18 tháng tuổi ngồi yên lặng trên đùi Onwuchekwa, khi cô kể chuyện. Cô cho biết người phụ nữ bán con mình yêu cầu cô phải giữ bí mật về chuyện đã xảy ra.

Về phần Akpudache, sau khi hoạt động phạm pháp bị phanh phui, ông ta đã đóng tiền tại ngoại và Bệnh viện Moonlight vẫn tiếp tục hoạt động. Nhà chức trách vẫn chưa thể đóng cửa bệnh viện này vì họ còn chờ lệnh của tòa án.

Đi tìm lời giải

Tình trạng buôn bán trẻ em, đặc biệt là các bé trai, đã tăng mạnh ở phía Đông Nam Nigeria, nơi có đông người thiểu số Igbo. Có nhiều lý do khiến thị trường buôn bán trẻ em hoạt động mạnh ở khu vực này.

Trước tiên là nhu cầu của các cặp vợ chồng hiếm muộn. Còn theo Oby Nwankwo, người có nhiều năm làm thẩm phán ở vùng Đông Nam Nigeria, truyền thống trọng nam khinh nữ của Igbo cũng đóng vai trò nhất định.

Trong truyền thống Igbo, các bà góa và con gái của họ đối mặt với rất nhiều trở ngại khi tìm cách thừa kế của cải của gia đình, trong trường hợp người chồng/cha qua đời. Đã có chuyện người đàn ông không có con trai phải để lại gia sản cho em trai hoặc họ hàng xa, thay vì vợ và con gái.

Tòa án Nigeria đã chống lại hủ tục này của người Igbo, nhưng áp lực đặt lên các cặp vợ chồng ở đây vẫn rất lớn. Trong khi đó nhận nuôi con nuôi là thủ tục đầy phiền toái, khi mà xã hội Nigeria vẫn còn rất nhiều định kiến về việc cho, nhận con nuôi.

Tường Linh (Theo AFP)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm