Halloween đã được 'thuần hóa' thế nào?

30/10/2017 10:05 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Vào giữa những năm 1800, Halloween dần bén rễ ở Hoa Kỳ bởi những người nhập cư đến từ Scotland. Thế nhưng đó hoàn toàn không phải ngày hội Halloween như chúng ta đang thấy hôm nay.

Tối 31/10/1879, một đoàn tàu men theo đường ray ngang qua địa phận Newport, Kentucky bỗng phanh lại đột ngột bởi phát hiện vật thể trông như một người đang nằm vắt ngang đường ray phía trước. Cẩn trọng tiến lại gần vật thể ấy, người lái tàu sững sờ khi phát hiện đó chỉ là một hình nộm, cố ý ngụy tạo giống như con người. Chỉ chờ có vậy, đám nhóc nấp sau bụi rậm ùa ra với những tiếng hò reo phấn khích.

Đó là cách chúng ăn mừng ngày lễ Halloween, bằng một trong những trò chơi khăm thường thấy vào những năm đó. Người Scotland đã mang Halloween đến với xứ sở cờ hoa, nhưng không phải với kẹo hay tục lệ hóa trang, mà chính là những trò chơi khăm.

Từng có một Halloween không phải để xin kẹo

Lisa Morton, tác giả cuốn sách Trick Or Treat: Lịch sử của Halloween từng viết: “Ở Ai-len có một trò chơi rất đáng sợ: họ đốt cuống củ cải, nhét vào lỗ khóa bất kỳ khi chủ vắng nhà và khiến cho ngôi nhà ấy tràn ngập mùi khói độc hại”.

Chú thích ảnh
Lá bài cổ cho thấy hình ảnh 2 đứa trẻ ăn trộm cánh cổng trong ngày Halloween, năm 1911

Dọc khắp nước Mỹ những năm 1800, các trò đùa Halloween phổ biến có thể kể đến như đưa xe kéo hoặc vật nuôi lên nóc kho chứa, nhổ rau trong vườn và lật ngược những cái chuồng phụ. Ở một số khu vực, trò đánh cắp những cánh cổng chuồng nuôi, để sổng vật nuôi ra ngoài còn phổ biến đến mức ngày 31/10 được gọi là Gate Night (Đêm của cánh cổng).

Về sau, sự “hiện đại hóa” càng tạo điều kiện cho những trò đùa ác ý phát triển: kéo nắp hố ga khỏi mặt đường, xì lốp xe hay dựng những biển báo giả mạo. Các chàng trai thích thú với việc rắc bột hoặc tro lên người đi đường, bôi sáp lên con dốc và gây ra tai nạn liên hoàn.

“Ban đầu, những trò chơi khăm dừng lại mức an toàn và giới hạn ở vùng nông thôn. Nhưng khi mà sự đô thị hóa lan rộng, văn hóa chơi khăm lan đến thành phố và ngày càng gia tăng mức độ phá hoại như gây cháy, làm vỡ kính...” - theo tác giả Lisa Morton.

Những nỗ lực để “thuần hóa” Halloween

Cái gì quá cũng không tốt, và tất nhiên người dân Mỹ sẽ không để yên cho việc chơi khăm cứ hoành hành như vậy. Năm 1907, phát ngôn viên hạt Cook, thuộc bang Illinois thay mặt người dân bày tỏ sự bức xúc trên mặt báo: “Trò đùa sẽ chỉ vui khi nó dừng lại ở mức độ nào đó. Nhưng khi tài sản bị hư hại thì đó là lúc nên dừng trò chơi khăm lại. Chúng tôi khuyên người dân nên trang bị vũ khí đề phòng kẻ qua đường xâm phạm đến tài sản, dạy cho chúng một bài học nhớ đời, để chúng không dám tái phạm nữa”.

Kể từ đó, người Mỹ bắt đầu đáp trả lại những trò chơi khăm bằng các biện pháp cứng rắn. Ví dụ nổi tiếng nhất là vào năm 1907, một kẻ trong nhóm chơi khăm đã bị bắn bởi một nạn nhân, khi nhóm này cố tình ngáng dây qua đường và khiến hàng loạt người bị ngã.

Và đến năm 1933, chính quyền một vài nơi đã chính thức “vào cuộc” với những lệnh cấm lễ Halloween, khi sự phá hoại từ những trò chơi khăm trở nên tồi tệ đến mức không chấp nhận nổi trong bối cảnh cuộc đại suy thoái kinh tế, gây ra nạn đói ở Mỹ từ 1932 - 1933.

Khôn ngoan hơn, chính quyền còn áp dụng biện pháp “mềm dẻo” với những đứa trẻ khó bảo bằng cách kêu gọi các tổ chức tôn giáo, cộng đồng và các gia đình tổ chức những chương trình lành mạnh nhưng cũng không kém phần thú vị cho ngày Halloween.

Và chính từ đó, những phong tục chúng ta thấy ngày hôm nay được hình thành. “Các gia đình cùng đóng góp với nhau, người góp những tấm vải trắng hay nhọ mặt giả làm ma, người góp những món kẹo ngọt hoặc trang trí tầng hầm thành một “nơi trú ẩn” - theo ghi chép của tác giả Lisa Morton. Những động thái này dần tác động đến thói quen của lũ trẻ, hình thành tục lệ hóa trang và trò “trick or treat” như hiện tại chúng ta vẫn thấy.

Dù vậy, những kẻ chơi khăm vẫn không thôi ấp ủ âm mưu của mình. Chúng vừa muốn chơi khăm, vừa muốn được tham gia vào bữa tiệc Halloween, vì vậy nên các trò chơi khăm được chuyển sang ngày 30/10, tuy nhiên cũng chỉ có ở Trung Mỹ và Đông Mỹ. Vùng Đông Bắc vẫn lưu giữ đâu đó trò ghẹo với bắp cải truyền thống của người Scotland, còn những đám cháy thường xảy ra vào đêm Halloween ở những vùng như Detroit thuộc tiểu bang Michigan, mà người ta hay gọi là Devil’s night (Đêm của quỷ) dần được loại bỏ, biến Halloween ở đây thành Angel’s Night (Đêm của thiên thần).

Halloween - ngày lễ của các linh hồn

Halloween là lễ hội truyền thống có niên đại từ khoảng năm 1745, được tổ chức vào ngày 31/10 hàng năm, buổi tối trước Lễ Các Thánh theo Kito giáo Latin. Đây là khoảng thời gian dành để tưởng nhớ những người đã khuất.

Trọng tâm của Halloween là sử dụng sự hài hước để chế giễu và đối đầu với cái chết. Đó cũng chính là nguyên nhân hình thành nên các trò chơi khăm theo truyền thống.

Đồ chơi Halloween: Mũ phù thuỷ độc nhất vô nhị

Đồ chơi Halloween: Mũ phù thuỷ độc nhất vô nhị

Với chiếc mũ phù thủy này trên đầu, màn hoá trang của bạn sẽ thêm hoàn hảo…

Nhớ Halloween ở New York 20 năm trước

Nhớ Halloween ở New York 20 năm trước

Nhà báo Trần Mai Hưởng gửi tới báo Thể thao & Văn hóa bài viết về lần đầu tham dự lễ hội Halloween ở New York cách nay 20 năm. Xin trân trọng gửi tới quý độc giả.

Hà My

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm