Đối thoại doanh nghiệp của Thành ủy, UBND thành phố Đà Nẵng: Nhiều hi vọng gửi gắm

22/09/2021 19:31 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 24/9, Thành ủy và UBND thành phố tổ chức Hội nghị “Đối thoại doanh nghiệp”, đối thoại giữa lãnh đạo thành phố và Hội, Hiệp hội doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Đà Nẵng với nhiều điểm sáng trong thu hút đầu tư thời điểm dịch bệnh

Đà Nẵng với nhiều điểm sáng trong thu hút đầu tư thời điểm dịch bệnh

Cùng với đẩy mạnh thu hút đầu tư linh hoạt, kể cả trong những thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, hoạt động thu hút đầu tư của thành phố vẫn tiếp tục có những điểm sáng. Trong đó, những dự án nổi bật đã bắt đầu phát huy hiệu quả.

Nhằm lắng nghe những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19; tiếp nhận các ý kiến kiến nghị, đề xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phục hồi, góp phần phát triển kinh tế - xã hội thành phố trong thời gian đến, ngày 24-9, Thành ủy và UBND thành phố tổ chức Hội nghị “Đối thoại doanh nghiệp”, đối thoại giữa lãnh đạo thành phố và Hội, Hiệp hội doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh đồng chủ trì Hội nghị.

Hội nghị có sự tham gia của gần 150 khách mời trực tiếp mỗi phiên và trực tuyến qua hệ thống hội nghị trực tuyến Zoom.

Chú thích ảnh
Hội nghị “Đối thoại doanh nghiệp” nhằm kịp thời lắng nghe những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19... Ảnh: Minh Trí

Hội nghị “Đối thoại doanh nghiệp” nhằm kịp thời lắng nghe những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Đồng thời, tiếp nhận các ý kiến kiến nghị, đề xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phục hồi, góp phần phát triển kinh tế - xã hội thành phố trong thời gian đến.

Bên cạnh đó, kịp thời sửa đổi, ban hành các chính sách hỗ trợ theo thẩm quyền hoặc kiến nghị, đề xuất các cơ quan Trung ương xem xét, hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khắc phục khó khăn cho doanh nghiệp. Tại Hội nghị, UBND thành phố sẽ khen thưởng các doanh nghiệp tiêu biểu trong việc vượt qua khó khăn, sản xuất kinh doanh tốt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 và có đóng góp lớn trong công tác phòng, chống dịch bệnh của thành phố.

Công tác tổ chức, phục vụ Hội nghị đảm bảo thiết thực, hiệu quả, an toàn và có giải pháp phòng ngừa dịch bệnh COVID-19, phù hợp với các quy định hiện hành của pháp luật.

Nhiều hy vọng gửi gắm của doanh nghiệp

Trong tháng 9/2021, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tiếp nhận kiến nghị của 27 doanh nghiệp, tập trung vào 6 nhóm vấn đề: liên quan đến hỗ trợ tiêm vắc-xin cho người lao động; hỗ trợ tài chính; hỗ trợ người lao động; kiến nghị liên quan đến chuỗi cung ứng, vận tải; hỗ trợ phục hồi phục sản xuất và thủ tục nhập cảnh cho người lao động, chuyên gia nước ngoài.

Ngoài ra, có một số vấn đề khác như: hỗ trợ về thông tin, tập huấn; hướng dẫn những quy định, chính sách mới của thành phố bằng cách thiết lập kênh thông tin trực tuyến riêng cho các doanh nghiệp và hội, hiệp hội doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và tìm kiếm sự hỗ trợ; hỗ trợ chi phí xét nghiệm Covid-19 định kỳ cho nhân viên làm việc “3 tại chỗ” tại đơn vị…

Đơn cử, Hội Doanh nhân trẻ thành phố đề xuất hỗ trợ giảm lãi suất cho vay tối thiểu 2%, khoanh các khoản nợ ngắn hạn hiện có 3-6 tháng, các khoản nợ trung dài hạn 6-12 tháng để không bị đưa vào nhóm nợ xấu. Đồng thời triển khai các gói tín dụng ưu đãi dành cho doanh nghiệp, hạ lãi suất và đơn giản các thủ tục cho vay giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn dễ dàng; gia hạn nộp thuế từ 12 đến 18 tháng; miễn, giảm các khoản thuế, phí thuê đất, sử dụng hạ tầng khu công nghiệp.

Hội Doanh nhân trẻ mong muốn thành phố có chính sách tạm dừng, giảm mức đóng bảo hiểm xã hội năm 2021 cho đến đầu năm 2022; tạo điều kiện để cán bộ công nhân viên các doanh nghiệp được tiêm vắc-xin trong tháng 9-2021 cũng như nới lỏng các biện pháp, hỗ trợ doanh nghiệp trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian sớm nhất.

Chú thích ảnh

Trong khi đó, Hiệp hội Vận tải đường bộ Đà Nẵng đề nghị hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số như phí đào tạo nguồn nhân lực, các gói vay lãi suất ưu đãi đầu tư phần mềm quản trị doanh nghiệp và phần mềm quản lý phương tiện; hỗ trợ các doanh nghiệp xanh hóa theo hướng vận tải xanh theo chuẩn quốc gia và chương trình Tiểu vùng Mê-kông mở rộng (GMS); giảm phí bảo trì đường bộ… Một nội dung khác được hiệp hội đề cập là cần nghiên cứu và thống nhất các chính sách hỗ trợ liên quan đến các khoản vay của các doanh nghiệp vận tải chịu tác động của Covid-19.

Đà Nẵng khẩn trương xây dựng các giải pháp xử lý kiến nghị

Theo ông Phạm Trường Sơn, Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp (KCNC&CKCN), trong các nhóm kiến nghị đưa ra, về vấn đề tiêm vắc-xin, hiện thành phố đã tiến hành tổ chức tiêm cho người lao động các doanh nghiệp. Trong đó phần lớn là các doanh nghiệp thuộc các KCN do Ban Quản lý KCNC&CKCN quản lý. Thời gian qua, thành phố đã thiết lập điểm tiêm tại KCN để triển khai riêng cho công nhân lao động (thiết lập điểm tiêm tại KCN Hòa Khánh (quận Liên Chiểu), KCN Đà Nẵng (quận Sơn Trà). Mặt khác đã thiết lập các điểm tiêm bảo đảm diện tích lớn, thuận tiện, tiêu chuẩn, theo quy định của Bộ Y tế để đáp ứng công suất tiêm đạt mức tối đa và hoàn thành trong thời gian sớm nhất.

“Về chuẩn bị cho hội nghị “Đối thoại doanh nghiệp”, Ban Quản lý KCNC&CKCN đã gửi danh sách doanh nghiệp dự kiến tham dự và có đề xuất các chính sách phù hợp theo kiến nghị của doanh nghiệp, trình UBND thành phố xem xét”, ông Sơn thông tin.

Qua tìm hiểu, các kiến nghị của doanh nghiệp đa phần liên quan đến chính sách hỗ trợ tài chính. Ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - chi nhánh Đà Nẵng cho biết, đơn vị đang tiếp tục đôn đốc các ngân hàng thương mại trên địa bàn thực hiện Thông tư số 14/2021/TT-NHNN sửa đổi Thông tư số 01/2020/TT-NHNN, có hiệu lực từ ngày 7-9-2021. Trong đó, quy định thời gian cơ cấu nợ được kéo dài thêm 6 tháng đến ngày 30-6-2022, thay vì đến ngày 31-12-2021 như trước đây. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - chi nhánh Đà Nẵng đang yêu cầu các ngân hàng thương mại phải báo cáo hằng tháng, thành lập các Tổ giám sát Covid-19 tại mỗi ngân hàng thương mại để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ngành ngân hàng thành phố dự kiến phối hợp với các sở, ban, ngành triển khai thực hiện cho vay vốn lưu động đối với các doanh nghiệp thuộc ngành nghề ưu tiên phục hồi sau dịch theo chủ trương của UBND thành phố.

Trong khi đó, Cục Thuế Đà Nẵng đang tiếp tục tham mưu cho UBND thành phố để đề nghị Trung ương có những hỗ trợ phù hợp sau khi Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19-4-2021 của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021 hết hiệu lực. Được biết, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang tổng hợp lại các nhóm ý kiến của doanh nghiệp và giải pháp từ các đơn vị xử lý kiến nghị như Sở Giao thông vận tải, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý KCNC&CKCN, cùng các cơ quan tài chính như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - chi nhánh Đà Nẵng, Cục Thuế thành phố, Quỹ Đầu tư Phát triển thành phố… để trình trong thời gian đến.

Thảo Nhi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm