Để cổng làng là nét đẹp văn hóa dân tộc

17/03/2016 08:28 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Thay vì trùng tu, tôn tạo những cổng làng xưa cũ vốn có thì các địa phương trong tỉnh Nghệ An lại xây mới. Việc làm này không những gây tốn kém, lãng phí tiền của nhân dân đóng góp mà còn làm mất đi vẻ đẹp của làng quê Việt.

Đến xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên, ai cũng ngỡ ngàng trước sự đồ sộ của cổng làng Cần. Đây là cổng đi chung cho người dân hai xóm 3 và 4 của xã Hưng Tân. Theo người dân địa phương, cổng làng mới xây năm 2013, được thiết kế 2 tầng với mái trên cao cong cong như đình chùa, họa tiết hoa văn được tô vẽ rất bắt mắt. Hai bên cổng làng còn khắc hai câu đối nói về tình làng nghĩa xóm.

Xã Hưng Tân có 9 xóm thì 6 xóm cổng làng được xây mới. Cổng hoành tráng và đồ sộ nhất là cổng làng Cần. So với cơ sở hạ tầng, đường sá, nhà cửa và đời sống của người dân nơi đây thì cổng làng dường như không tương đồng. Đưa ra quan điểm về xây dựng cổng làng hiện nay, ông Nguyễn Xuân Thủy, Trưởng phòng Văn hóa huyện Hưng Nguyên chia sẻ: Chưa thống kê đầy đủ nhưng khoảng gần 40% xóm, làng của huyện Hưng Nguyên có cổng làng mới. Đây là công trình của cộng đồng dân cư, tất cả các cổng đều được xây dựng từ nguồn đóng góp của người dân địa phương, con em ở xa, doanh nghiệp trên địa bàn ủng hộ…Do đó huyện không quản lý được nhu cầu của các làng, mỗi làng có một kiểu dáng và quy mô khác nhau. Dù chưa phải chạy theo “phong trào” nhưng vì làng nào cũng muốn khẳng định sự bề thế, sung túc nên không tránh khỏi việc đua nhau xây mới cổng làng.

Khi đời sống ngày càng phát triển, người dân của các làng, nhất là những người con xa quê muốn đóng góp để xây dựng cổng làng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Họ xem đây là hình thức để nói lên tiếng nói của quê hương mình. Ở xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, cổng làng được xây dựng hơn 3 tỷ đồng từ sự đóng góp của những người con xa quê thành đạt. Với họ, mỗi lần đi xa về, nhìn thấy cổng làng nghĩa là đã nhìn thấy làng Quỳnh. “Quá trình xây dựng, chính quyền xã và những người xa quê ủng hộ xây dựng cổng làng đã nhiều lần tổ chức họp, lấy ý kiến và cổng làng hiện nay là kết hợp giữa quá khứ và hiện tại”, ông Hồ Quang Tuấn - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Đôi cho biết.

Một cổng làng xưa ở xã Xá Lượng, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An

Cùng với cây đa, bến nước, sân đình, cổng làng cũng là hình ảnh thân quen đối với người dân Việt Nam. Cổng làng là biểu tượng cốt cách, văn hóa người dân trong làng. Phía sau chiếc cổng làng là cộng đồng, gia tộc, là tình làng nghĩa xóm bền chặt. Theo các nhà quản lý văn hóa, cổng làng không nằm trong quy định về thiết chế văn hóa, tiêu chí để xây dựng làng, bản, khối xóm văn hóa ở khu dân cư nhưng rất nhiều địa phương đã xây dựng cổng làng. Hiện chưa có một quy định chung nào về cổng làng hiện nay và cũng khó có thể biết thế nào là đúng, thế nào là đủ. Thế nên cũng không tránh khỏi việc xây dựng cổng làng ngày nay ở nhiều địa phương trong tỉnh Nghệ An đang theo kiểu mạnh ai nấy làm và to nhỏ tùy thuộc vào năng lực tài chính của mỗi địa phương.

Ông Phan Hữu Thịnh, người viết sử làng Quỳnh trăn trở: Cổng làng có ý nghĩa rất quan trọng. Xây dựng cổng làng nghĩa là phải làm cho chiếc cổng làng trở thành hình ảnh thân thương. Cổng làng phải nói được tâm hồn, tình cảm của người dân trong làng. Còn xây dựng cổng làng rồi biến làng thành phố... nghĩ ra rất buồn !

Cổng làng không nhất thiết phải phô trương, to cao mà mang dáng dấp, hồn cốt của làng, như vậy vừa mang tính giáo dục cao vừa thể hiện được nét văn hóa. Điều cần cân nhắc hiện nay, đó là trước khi xây dựng cổng làng phải đem cổng làng đúng về giá trị của nó, cổng làng phải gắn liền với sự hình thành và phát triển của làng và là tiếng nói, cốt cách, văn hóa của làng. Các ban ngành chức năng cần có hướng dẫn, quy định cụ thể để công trình này mang đậm bản sắc văn hóa và hạn chế lãng phí, tốn kém tiền của nhân dân.

Bích Huệ (TTXVN)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm