Cán bộ công chức Hà Nội phải hạn chế dùng phương ngữ: Đặt vào thế khó

03/10/2017 21:03 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Cán bộ, công chức Hà Nội phải hạn chế nói ngọng, nói lắp, sử dụng ngôn ngữ địa phương, tuyệt đối không nói trống không, cộc lốc.

Đó là một trong những nội dung của Dự thảo Quy định về chuẩn mực văn hóa phát ngôn của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội vừa được 
Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội trình UBND TP Hà Nội.

Theo dự thảo, việc phát ngôn được thực hiện trong giờ hành chính và ngoài giờ hành chính (trong trường hợp cần thiết, cấp thiết hoặc do lãnh đạo phân công). Cán bộ, công chức khi phát ngôn không phát ngôn tùy tiện, bày tỏ quan điểm phiến diện trên mạng xã hội, trang cá nhân.

Ngoài ra, những người khi phát ngôn phải có tác phong tự tin, cử chỉ đúng mực, tôn trọng các giá trị văn hóa và sự khác biệt trong quá trình phát ngôn, không ngắt lời người khác khi chưa thực sự cần thiết.

Về ngôn ngữ sử dụng trong phát ngôn cần đảm bảo dễ nghe, dễ hiểu, dễ nhớ. Hạn chế nói ngọng, nói lắp, sử dụng ngôn ngữ địa phương; tuyệt đối không nói trống không, cộc lốc, nói quá to hoặc quá nhỏ…

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đang hoàn thiện Quy định phát ngôn của công chức
Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đang hoàn thiện Quy định phát ngôn của công chức

Xung quanh quy định công chức, cán bộ Hà Nội không được dùng tiếng địa phương, PGS TS Phạm Văn Tình - Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam cho rằng: "Điều quan trọng là nên có sự thống nhất trong văn bản, cách viết như nhau".

Theo PGS TS Phạm Văn Tình, tiếng địa phương ở đây là phương ngữ cụ thể. Bản thân Hà Nội là một phương ngữ. Hà Nội mở rộng đang tồn tại nhiều tiểu vùng phương ngữ khác nhau. Trước đây, khi Hà Nội chưa sáp nhập với Hà Tây, người 4 quận nội thành nói khác, người ngoại thành nói khác. Bây giờ lại có một "ngoại thành" mở rộng là Hà Tây với giọng xứ Đoài hay giọng các huyện Hà Tây cũ, xa trung tâm Hà Nội.

"Cái khác biệt dễ nhận thấy nhất về mặt phương ngữ là ngữ âm. Còn từ ngữ, có thể có nhưng không đáng kể. Vậy bắt cán bộ không được nói tiếng địa phương vô hình trung đặt họ vào thế khó. Bởi ngữ âm là đặc trưng ngôn ngữ ăn sâu vào tiềm thức, mang tính bản năng, rất khó điều chỉnh, nhất là trong giao tiếp tự nhiên (Có người xa Tổ quốc vài chục năm về vẫn giữ nguyên chất giọng ngày trước).

Người nói phải ý thức được sự khác biệt mới có thể điều chỉnh, mà muốn điều chỉnh cũng không dễ (Ví dụ bắt một người Hà Tĩnh, hay người Quảng Ngãi mới ra Hà Nội phải nói theo âm Thủ đô. Họ sẽ chịu, trừ phi họ đã sống ở Hà Nội nhiều năm để thích nghi). Người Thạch Thất sẽ vẫn nói "buổi chiêu" thay cho "buổi chiều", "con bo vang" thay cho "con bò vàng". Người khác nghe có thể nhận ra nhưng chính họ không nhận ra" - PGS TS Phạm Văn Tình chia sẻ.

PGS TS Phạm Văn Tình - Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam cho rằng: "Điều quan trọng là nên có sự thống nhất trong văn bản"
PGS TS Phạm Văn Tình - Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam cho rằng: "Điều quan trọng là nên có sự thống nhất trong văn bản"

"Điều quan trọng là nên có sự thống nhất trong văn bản. Nếu trong văn bản mà cán bộ vùng quê lại viết mô phỏng theo thổ ngữ vùng mình thì không được. Việt Nam có bao nhiêu vùng phương ngữ. Mỗi nơi phát âm một cách (Người miền Nam nói "Việt Nam" thành "Giệc Nam", "lan man" thành "lang mang", "quê hương" thành "guê hương", người Quảng Nam sẽ nói "Quảng Nam Đà Nẵng" thành "Quảng Nôm Đuờ Niễng", "đi làm" thành "đi lờm"... Nhưng cách viết thì 3 miền Nam Trung Bắc thống nhất như nhau)" - ông Tình cho hay.

Cũng theo PGS TS Phạm Văn Tình, nếu có quy định thì nên yêu cầu cán bộ không mắc tật ngọng l/n hoặc nói lắp, vừa khó nghe vừa phản cảm. Trong ngôn ngữ giao tiếp nói chung (kể cả trong truyền thông và trong giao tiếp công vụ hành chính), nên tôn trọng nguyên tắc thống nhất trong đa dạng.

Dự thảo Quy định về chuẩn mực văn hóa phát ngôn của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội cũng nêu rõ khi người cùng giao tiếp nóng giận, bức xúc thì cán bộ, công chức Hà Nội phải bình tĩnh, nhẹ nhàng giải thích, động viên, chia sẻ; Tuyệt đối không nóng giận, xúc phạm hay dùng vũ lực đối với người khác, trừ trường hợp được pháp luật cho phép.

Đối với người vi phạm chuẩn mực văn hóa phát ngôn tùy mức độ sẽ bị nhắc nhở, phê bình, kiểm điểm trách nhiệm, xử lý kỷ luật theo quy định.

Đối tượng áp dụng gồm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang làm việc trong các cơ quan Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc TP Hà Nội.

Hoài An

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm