50.000 cây số không ánh mặt trời

28/10/2017 14:14 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Năm 1960, Triton - chiếc tàu ngầm chạy bằng năng lượng nguyên tử của hải quân Mỹ - dự định lặp lại hải trình của thuyền trưởng Magellan vĩ đại để đi vòng quanh thế giới mà không cần ngoi lên mặt nước. Chiến dịch Sandblast bí mật đến nỗi chính thủy thủ cũng chỉ biết mục đích khi đã lên tàu. Sau 2 tháng Triton cán đích nhưng vẫn thất bại.    

Đã mấy tháng trôi qua mà chàng ngư dân Rufino Baring 19 tuổi vẫn thất thần khi phải kể lại điều tận mục sở thị.

Trải nghiệm hy hữu

Khi nhóm phóng viên của tờ National Geographic tìm ra người đánh cá ấy ở quần đảo Philippines, họ phải đợi khá lâu để anh ta định thần và kể lại những gì đã chứng kiến hôm 1/4/1960.

Hôm đó anh đang chèo chiếc thuyền độc mộc trong vịnh Magellan thì bên cạnh thuyền nhô lên một cái ống quái lạ chưa từng thấy. Thoạt tiên Baring cho rằng mặt trời giữa trưa khiến mắt anh quáng, nhưng rồi cái bóng đen thấp thoáng lừng lững dưới mặt biển vài thước to khủng khiếp đến nỗi không thể là ảo giác. Và Baring cuống cuồng chèo như ma đuổi.

Chú thích ảnh
Tàu ngầm nguyên tử Triton tiến hành đi vòng quanh trái đất dưới mặt nước. Cho đến ngày 25/4/1960 nó vượt qua 49.500 km

Các sĩ quan trên tàu Triton không nhịn được cười. Họ xúm xít quanh kính viễn vọng, ai cũng muốn xem chàng ngư phủ đội mũ lá đang hết sức bình sinh khoát tay chèo trên con thuyền như vỏ đỗ mỏng manh. Vài người nhanh tay gí sát máy ảnh để chụp cảnh đó qua ống nhòm. Cho đến khi thuyền trưởng Edward L. Beach cũng thấy sốt ruột. “Nghịch ngợm với anh ta thế là đủ rồi”, ông khoát tay chấm dứt trò đùa và ra lệnh rút ống kính viễn vọng xuống.

Con cá voi Triton nặng nề tăng tốc, và thuyền trưởng ghi vào sổ hải trình: “11h46: Khi đẩy ống viễn vọng khỏi mặt nước, tôi nhìn thẳng vào mắt một người đánh cá chèo thuyền độc mộc”.

Cuộc chạm trán giữa chiếc thuyền gỗ tí hon với chiếc tàu ngầm lớn nhất và tối tân nhất của hải quân Mỹ mua vui cho cả nước Mỹ hồi cuối năm 1960. Và hơn thế nữa, nó làm người Mỹ kiêu hãnh. Vì sự kiện ấy liên quan đến một trong những thành tích vang dội nhất của hải quân Mỹ trong Chiến tranh Lạnh: Chuyến đi vòng quanh quả đất đầu tiên dưới mặt biển. Chính xác là tàu ngầm Triton cần đúng 60 ngày 21 giờ để vượt chu vi 49.500 cây số và cán đường xích đạo đúng 4 lần.

Chú thích ảnh
Thuyền trưởng Edward L. Beach và thủy thủ đoàn trải qua chuyến marathon dài 60 ngày 21 giờ trong đêm đen

Sứ mệnh lịch sử

Chuyến đi vào sử sách này cũng nhằm khoa trương quyền lực trên biển của chính quyền Eisenhower trong cuộc chạy đua vũ trang của các cường quốc. Trước đó 2 năm, tàu Nautilus đã luồn dưới lớp băng Bắc Cực và chứng tỏ Hoa Kỳ hoàn toàn có khả năng đặt vũ khí hạt nhân vào sát cửa Liên Xô, và bây giờ thông điệp của Triton là tàu ngầm Mỹ hoàn toàn đủ sức bất ngờ vào trận ở mọi nơi trên biển.

Ý tưởng làm cho tàu ngầm trụ được vô hạn dưới nước chỉ có thể thực hiện được khi dùng năng lượng nguyên tử, và nó đã làm quân đội Mỹ bận bịu từ giữa thập kỷ 1950. Với cái tên “Dự án Magellan” người ta đã thảo vài kế hoạch đi vòng quanh địa cầu, song phải bỏ để tập trung vào vụ Nautius.

Đầu 1960, để nắm thế thượng phong khi bước vào cuộc họp thượng đỉnh của các nước đồng minh thắng trận ở Paris, Eisenhower tái phát động chiến dịch Triton để tỏ ra sự áp đảo về kỹ thuật của phương Tây đối với Liên Xô, đồng thời xoa dịu phần nào cú choáng trước đó ba năm mang tên Sputnik.

Edward L. Beach hoàn toàn không biết gì khi được gọi đến Washington hôm 4/2/1960. Ông được lệnh đưa chiếc Triton từ cảng New London ở Connecticut ra Đại Tây Dương chạy thử. Chuyện vặt đối với một thuyền trưởng từng tham gia Thế chiến II. Nhưng sau đó tiếp đến một câu hỏi bất ngờ, liệu chiếc Triton có thể lặn một mạch quanh trái đất không. “Căn phòng như chao đảo dưới chân tôi” - Beach nhớ lại trong hồi ký - Around The World Submerged. Nhưng ông trả lời ngắn gọn: “Yes, Sir!”.

Chú thích ảnh
Ngày 1/4/1960 Triton đẩy kính viễn vọng lên khỏi mặt nước ở vịnh Magellan, tình cờ sát thuyền của Rufino Baring, khiến chàng trai phải đi bệnh viện điều trị sốc mấy tháng liền

35 tấn lương thực cho thần biển Triton

Mật danh của dự án này là “Chiến dịch Sandblast”, bám chủ yếu theo hành trình vòng quanh thế giới của Ferdinand Magellan hồi thế kỷ 16, nhưng không kéo dài ba năm như hải trình của người Bồ Đào Nha.

Trong các bài thử đầu tiên, con tàu 110 triệu USD đáp ứng mọi đòi hỏi khe khắt. Ở thời điểm hạ thủy, Triton là tàu ngầm Mỹ duy nhất chứa hai lò phản ứng, và dưới mặt nước cũng đạt tốc độ 50 km/h, một con số khó tin.

Để chiến dịch này được giữ bí mật đến phút chót, thuyền trưởng Beach kể với đội thủy thủ 183 người là tàu phải chạy thử ở vùng biển Caribe, do đó họ không thể viết thư và nhận thư nhà trong mấy tuần tới. Tuy nhiên, khi tàu rời bến hôm 16/2 thì chẳng ai tin ông, vì tất cả đều phải chung tay chuyển lên tàu 35 tấn thịt đông lạnh, rau củ đóng hộp, khoai tây, cà phê v.v… đủ cho hành trình 120 ngày.

Ngày 24/2 thì tất cả cũng được biết mục đích thực sự. Triton vừa vòng qua đảo St. Peter, chừng 1.000 km phía Đông Bắc Brazil, thì Beach nói vào micro: “Bây giờ tôi được phép thông báo là chúng ta sẽ đi một hành trình mà thủy thủ tàu ngầm nào cũng mơ ước”. Ông kêu gọi mọi người vững tâm trong hai tháng tới trong đêm đen tuyệt đối và phải chỉnh đồng hồ 23 lần lùi một tiếng. Cả tàu im phăng phắc mấy phút đằng đẵng khi ông bỏ micro khỏi tay.   

Sandblast có nguy cơ thất bại ngay sau đó mấy hôm: Trên đường đến Cape Horn máy đo độ sâu và một lò phản ứng ngừng chạy! Các kỹ sư vừa chữa xong thì nhân viên điện đài ngã bệnh vì sỏi thận. Để khỏi phải ngoi lên mặt biển, Beach cho tàu ẩn dưới nước, chỉ nhô lên phần đỉnh tháp để đội cứu hộ từ tuần dương hạm Macon ở gần đó đón đi. Sau đó Triton đi tiếp về hướng đảo Phục Sinh.

Chú thích ảnh
Ngày 11/5/1960 Triton về đến cảng New London, bang Connecticut. Cả đoàn được diện quân phục trắng và tề tựu trên boong khi cập bến

Đêm đen dằng dặc

Thức ăn ngon, phim hay, các trò chơi giúp thủy thủ đỡ buồn chán trong chuyến marathon trong lòng các đại dương. Ngoài ra, Beach cho phép dừng để cả đội nhòm qua kính viễn vọng ở các điểm đáng nhớ như đảo Guam, Cape Horn hay Borneo và thế là chàng trai đánh cá Rufino Baring lọt vào kính máy ảnh. Vấn đề lớn nhất có lẽ là các thành viên bị cấm hút thuốc lá dọa nổi loạn! Đây cũng là một trong các nghiên cứu trong chuyến đi dưới biển dài ngày.

Nhìn chung, Triton không gặp sự cố gì lớn cho đến đầu tháng 4. Họ đã xuyên qua Ấn Độ Dương, vòng qua mũi Hảo Vọng để trở về Đại Tây Dương. Ngày 25/4 rốt cục kính viễn vọng cho thấy đường viền lờ mờ của quần đảo Sao Pedro e Sao Paulo. Beach ghi vào sổ: “15h: Hoàn thành một vòng trái đất lần đầu tiên bằng tàu ngầm”.

Tổng thống Eisenhower tuy vậy không đạt được gì với chiến công hiển hách của Triton: Cuộc họp thượng đỉnh ở Paris bị Khrushchev gạt bỏ, sau khi Liên Xô bắn rơi một chiếc máy bay do thám của Mỹ trên không phận của mình hôm 1/5/1960 và khởi đầu cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất sau Thế chiến II.

Chiến dịch Sandblast là một thắng lợi kỹ thuật, song không có tiếng vang chính trị như mong đợi. Bản thân Triton cũng chẳng chạy thêm được mét nào sau sự kiện thế kỷ. 1969 nó bị thanh lý và xẻ làm sắt vụn, chỉ để lại cái tháp làm kỷ niệm.

Hải quân Mỹ khoe súng điện từ phóng tên lửa nhanh gấp 6 lần vận tốc âm thanh

Hải quân Mỹ khoe súng điện từ phóng tên lửa nhanh gấp 6 lần vận tốc âm thanh

Quân đội Mỹ mới đây đã thử nghiệm loại súng điện từ mới có khả năng nhả tên lửa nhanh gấp 6 lần vận tốc âm thanh và xuyên thủng bê tông ở khoảng cách hơn 160km.

Lê Quang 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm