Không xóa thương hiệu 2 nhà hát để nhập 1

05/07/2009 09:38 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Ngày 1/7 vừa qua, NSND Lê Hùng đã chính thức trở thành Giám đốc Nhà hát kịch VN. Cùng với việc đang đảm nhiệm chức vụ Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, ông hiện đã trở thành đồng giám đốc 2 nhà hát kịch lớn nhất trực thuộc Bộ VH-TT&DL- điều chưa có trong tiền lệ. Cộng thêm thông tin về việc 2 nhà hát nói trên sẽ cùng sáp nhập để trở thành Trung tâm kịch nghệ Quốc gia VN vào năm 2010 - điều đã được nhắc đến một cách không chính thức từ vài năm nay, TT&VH có cuộc trao đổi với đạo diễn Lê Hùng.


NSND Lê Hùng. Ảnh VNP

Vẫn giữ nguyên tên nếu lập Trung tâm Kịch nghệ

Ông cho biết:

- Trước mắt, tôi khẳng định là chưa có chuyện xóa tên 2 nhà hát là Nhà hát Kịch VN và Nhà hát Tuổi trẻ để nhập lại thành một. Đó là 2 thương hiệu lớn trong làng sân khấu phía Bắc với những phong cách riêng. Nhà hát Kịch VN cho đến nay đã tồn tại được 57 năm, còn Nhà hát Tuổi trẻ thì cũng vừa tròn 30 tuổi. Nếu trong tương lai, 2 đơn vị sân khấu này có đứng tên thì sẽ vẫn giữ nguyên “tên cúng cơm” của mình.

* Ông có thể nói cụ thể hơn?

- Nếu Trung tâm kịch nghệ Quốc gia VN được thành lập, 2 Nhà hát kịch VN và Nhà hát Tuổi trẻ vẫn giữ nguyên tên và trở thành 2 thành viên nòng cốt của trung tâm ấy. Ngoài ra, từ 2 nhà hát này, Trung tâm kịch nghệ Quốc gia có thể sẽ “phình” ra thêm một số nhà hát “con” khác, chẳng hạn như Nhà hát Thiếu nhi, Nhà hát kịch thử nghiệm, Nhà hát kịch hình thể… Dù nằm trong một trung tâm lớn, các nhà hát đều tồn tại độc lập và có những chương trình riêng. Trước mắt, tôi chỉ có thể nói vậy.

Vận động “đòi lại” Nhà hát Lớn

* Nhưng hiện tại, dưới sự quản lý của ông, 2 Nhà hát này sẽ liên kết với nhau theo cách nào?

- Cái trước mắt mà Nhà hát Tuổi trẻ có thể chia sẻ là rạp diễn. Trong tháng tới, Nhà hát Tuổi trẻ sẽ “nhường” cho Nhà hát Kịch Việt Nam sử dụng sàn diễn tại 11 - Ngô Thì Nhậm với tần suất 2 lần/tuần. Ngược lại, diễn viên của Nhà hát Tuổi trẻ cũng cần chuẩn bị tâm lý để sang biểu diễn định kì tại rạp của Nhà hát Kịch VN. Còn trong tương lai, tôi sẽ kiến nghị Bộ VH-TT&DL cấp cho Nhà hát Kịch VN một khu đất tại Mỹ Đình để xây mới trụ sở Nhà hát.
Ngoài ra, tôi cũng sẽ bắt tay vào việc vận động để “đòi” lại quyền quản lý Nhà hát Lớn về cho Nhà hát Kịch VN. Như các bạn biết, trước đây, NH Kịch VN chính là đơn vị từng được phân cho quản lý nhà hát này. Hiện, rạp diễn của Nhà hát Kịch VN có sức chứa nhỏ, nằm khuất sau lưng Nhà hát Lớn và tiền thân chính là phòng tập của các nghệ sĩ trong đoàn.


Đời cười - chương trình đã có thương hiệu của Nhà hát Tuổi trẻ

* Còn sự liên kết về chuyên môn thì sao?

- Tất nhiên, tôi cũng sẽ tính đến việc phối hợp biểu diễn giữa diễn viên của hai nhà hát. Nói công bằng, Nhà hát kịch VN cũng có rất nhiều tài năng, mà vì lí do này khác chưa có điều kiện thể hiện mình trong những năm qua.

* Liệu sự liên kết đó có dẫn tới việc hạn chế cơ hội và thậm chí là đào thải bớt đối với những diễn viên chưa thể hiện được mình?

- Nói công bằng, dù có sáp nhập 2 Nhà hát hay không thì trong nghệ thuật đã có sự đào thải rồi. Như Nhà hát Tuổi trẻ, nếu không biết làm mới và nắm bắt được nhu cầu từ khán giả, chúng tôi cũng sẽ tới lúc gặp sự thờ ơ từ phía họ, kể cả với những diễn viên quan trọng nhất.

* Vậy phần kịch mục sắp tới cho 2 nhà hát sẽ được “lo liệu” thế nào?

Phân bổ thời gian để quản lý 2 Nhà hát

“Trong thời gian tới, tôi sẽ phân bổ thời gian của mình một cách hợp lý để điều phối công việc. Chẳng hạn, tuần này tôi dành toàn bộ các buổi sáng cho kịch Tuổi trẻ, các buổi chiều cho kịch Việt Nam và sang tuần sau thì ngược lại. Tôi nghĩ, chuyện một giám đốc quản lý đồng thời 2 Nhà hát cũng là điều bình thường”

(NSND Lê Hùng)
- Về phần Nhà hát Kịch VN, tôi sẽ rà lại những kịch mục cũ. Những tiết mục nào xứng tầm với cái tên Nhà hát Kịch VN và có đủ sức hấp dẫn với công chúng thì tôi sẽ cho triển khai diễn. Những tiết mục còn lại sẽ chỉnh sửa và làm mới nếu có thể, còn nếu không thì đành cất vào kho. Còn với Nhà hát Tuổi trẻ, việc tìm kịch bản hay vẫn là điều được chúng tôi tiến hành thường xuyên.

Thời gian tới, cả hai nhà hát đều có kịch bản để dựng vở tham gia hội diễn sân khấu toàn quốc. Tôi sẽ cố gắng tìm cho cả hai những kịch bản có ý tưởng và chất lượng cao. Tất nhiên, không thể hi vọng quá nhiều vào việc tìm được một kịch bản hoàn hảo trong điều kiện sân khấu hiện nay. Trong trường hợp không được như ý, chúng tôi sẽ tìm kiếm các chuyện ngắn hoặc tiểu thuyết phù hợp, rồi từ đó “đặt hàng” đội ngũ biên kịch để chuyển thể sang kịch bản sân khấu.

* Câu hỏi cuối cùng: bận rộn với 2 nhà hát như vậy, anh có còn thời gian dựng vở cho những đoàn khác trong thời gian sắp tới không?

- Có chứ, cụ thể là tôi còn nợ 4 đoàn kịch để dựng vở tham dự Hội diễn sắp tới. Tôi đã nói điều này nhiều lần rồi, càng dựng vở thì tôi càng có điều kiện để làm nghề. Mà với người nghệ sĩ, không làm quản lý thì chẳng sao, chứ làm nghệ thuật mới là ý nghĩa để tồn tại.

Hoàng Nguyên (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm