Vụ Boeing777-200 mất tích: Sử dụng hộ chiếu đánh cắp chưa bao giờ dễ dàng như vậy

11/03/2014 15:24 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Việc hai hành khách sử dụng hộ chiếu bị đánh cắp trên chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines đặt dấu hỏi về quy trình kiểm tra hộ chiếu tại các sân bay quốc tế.

"Sử dụng hộ chiếu bị đánh cắp chưa bao giờ lại dễ dàng như vậy", Interpol tuyên bố. Thông thường hộ chiếu của hành khách cần được kiểm tra ít nhất 4 lần trước khi lên máy bay. Tuy nhiên, nhiều quốc gia trên thế giới không hề đối chiếu dữ liệu với hệ thống của Interpol. Điều này tạo cơ hội để những kẻ giả mạo có thể dễ dàng vượt qua hệ thống an ninh.

Người đàn ông mang quốc tịch Italy với tấm hộ chiếu giống như hộ chiếu trên chuyến bay MH370

Hai hành khách sử dụng hộ chiếu bị đánh cắp trên chuyến bay MH370 đã dấy lên những mối lo ngại mà Interpol từng cảnh báo trong nhiều năm. Máy bay Boeing 777-200 đã biến mất một thời gian ngắn sau khi cất cánh tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur.

"Interpol khuyến nghị các quốc gia trên thế giới cần liên tục cập nhật cơ sở dữ liệu đối chiếu với Interpol nhằm hạn chế tối đa khả năng người trộm hộ chiếu có thể lên những chuyến bay quốc tế", Tổng thư ký Interpol, Ronald K. Noble phát biểu trong một tuyên bố.

Trước chuyến bay MH370, không có nhiều quốc gia cập nhật cơ sở dữ liệu với Interpol kể từ khi Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế cập nhật thông tin hộ chiếu bị mất cắp kể từ năm 2002.

Năm 2013, 3,1 tỷ hành khách đã thực hiện các chuyến bay trên khắp thế giới mà hộ chiếu không hề bị kiểm tra đối chiếu với cơ sở dữ liệu từ Interpol, theo Hiệp hội vận tải quốc tế thống kê.

Chỉ có một số ít quốc gia cập nhật dữ liệu từ Interpol

Interpol không hề thu phí khi truy cập vào cơ sở dữ liệu của tổ chức nhưng đa số các quốc gia thành viên dường như không có đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng để liên tục cập nhật đối chiếu dữ liệu, theo Tom Fuentes, cựu nhân viên FBI cho biết.

Singapore tham gia vào công tác tìm kiếm cứu hộ máy bay Boeing 777-200

Những thông tin cá nhân, tài liệu bị đánh cắp được Interpol cập nhật từ năm 2002, sau vụ tấn công khủng bố 11/9 đẫm máu tại Mỹ nhằm giúp 190 quốc gia thành viên đảm bảo an ninh biên giới tốt hơn.

Nước Mỹ là quốc gia truy cập vào cơ sở dữ liệu của Interpol nhiều nhất với hơn 250 triệu lần hàng năm. Vương quốc Anh sử dụng cơ sở dữ liệu này 120 triệu lần/năm và UAE sử dụng cơ sở dữ liệu hơn 50 triệu lần/năm. Chỉ riêng tại Mỹ, thống kê cho thấy có hơn 300.000 hộ chiếu bị mất cắp mỗi năm.

Interpol hy vọng các quốc gia trên thế giới cần nâng cao công tác kiểm tra an ninh nhằm tránh những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra. Đối với trường hợp của Malaysia Airlines, hiện chưa có bằng chứng cho thấy việc sử dụng hộ chiếu bị đánh cắp có liên quan trực tiếp đến việc máy bay mất tích.

Thái Lan - thiên đường nạn mua bán hộ chiếu trái phép

Cả hai tấm hộ chiếu mang quốc tịch Áo và Italy đều bị đánh cắp trong khi những người chủ sở hữu đến du lịch tại Thái Lan vào năm 2012 và 2013. Quá trình điều tra cho thấy Thái Lan là thiên đường của nạn trộm cắp hộ chiếu.

Paul Quaglia, người đã có hàng chục năm làm công tác an ninh tại Thái Lan nói rằng tình hình tại quốc gia Đông Nam đã cải thiện hơn trong vòng 5 năm qua nhưng vẫn chưa đáp ứng tiêu chuẩn của quốc tế.

Sinh viên Trung Quốc cầu nguyện cho các nạn nhân mất tích

"Thật không may mắn rằng Thái Lan vẫn là địa điểm bùng nổ xảy ra nạn trộm cắp và mua bán hộ chiếu mất cắp". Ông Quaglia cũng nói rằng không phải tất cả hộ chiếu đều bị đánh cắp. Nhiều trường hợp chỉ đơn giản là bị thất lạc và vô tình rơi vào vòng xoáy của nạn mua bán hộ chiếu trái phép.

Thậm chí nhiều người nước ngoài đến Thái Lan đã bán lại hộ chiếu và họ chỉ cần liên hệ với Đại sứ quán sở tại để làm thủ tục cấp hộ chiếu mới.

Xác định danh tính những người sử dụng hộ chiếu giả

Hiện Interpol đang ráo riết liên hệ với cơ quan an ninh của các quốc gia liên quan nhằm xác định dnh tính của hai người đã sử dụng hộ chiếu giả đến Bắc Kinh. Cơ quan an ninh Malaysia cũng đang cố gắng xác định liệu có lỗ hổng an ninh tại sân bay tạo điều kiện cho những hành khách giả mạo lên máy bay thành công hay không.

Thông tin ban đầu cho thấy hai vé máy bay được đặt mua bởi một người mang quốc tịch Iran ở Thái Lan. Hai vé máy bay được đặt mua vào ngày 1/3 với hình thức trả tiền mặt. Người đàn ông có tên Ali được công ty đặt vé máy bayở Thái Lan mô tả hay đến đặt vé và trả bằng tiền mặt.

Đăng Nguyễn
Theo CNN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm