Vì sao giẫm đạp khủng khiếp ở Saudi Arabia?

26/09/2015 06:11 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Một ngày sau vụ giẫm đạp làm tới 717 người thiệt mạng trong lễ hành hương hajj ở Saudi Arabia, một câu hỏi quan trọng vẫn còn đọng lại trong tâm trí của rất nhiều người: Vì đâu mà thảm họa kinh hoàng này xảy ra?

Các nguyên nhân đã được nêu ra tới  nay gồm có: Người hành hương vội vã hoàn tất các nghi lễ; cái nóng nung người; đám đông người hành hương ép vào nhau từ nhiều hướng; sự rối loạn hình thành từ việc nhiều người hành hương lần đầu tới Mecca và Mina.

Quá nhiều người, quá ít thời gian

Có tổng cộng hơn 2 triệu người Hồi giáo trên khắp thế giới đang ở Saudi Arabia để thực hiện lễ  hajj – cuộc hành hương mà mọi người Hồi giáo có điều kiện tài chính và sức khỏe phải thực hiện ít nhất một lần trong đời.

Hàng triệu con người đó phải thực hiện hàng loạt nghi lễ trong vòng 5 ngày, gồm lễ ném đá vào quỷ dữ ở Mina, nơi nằm cách thánh địa Mecca chừng hơn 3 km. Đây chính là nơi xảy ra vụ giẫm đạp trong ngày 24/9 làm 717 người thiệt mạng và khiến 900 người khác bị thương.


Lực lượng cứu hộ đưa người bị thương ra khỏi khu vực xảy ra vụ giẫm đạp. Ảnh: CNN

Tín đồ Hồi giáo Ethar El-Katatney, người đồng thời còn là phóng viên và blogger nổi tiếng, nói rằng có quá đông người đã chen lấn nhau từ nhiều hướng. Một số cố tiến tới chỗ thực hiện lễ ném đá quỷ dữ. Số khác thì đang trở lại nơi nghỉ ngơi, sau khi đã thực hiện xong nghi lễ.  

"Khi nhóm chúng tôi bắt đầu trở lại và đi đường 204, một nhóm khác cũng tiến vào từ đường 206, cắt ngang đường chúng tôi” – một tín đồ khác là Ahmed Mohammed Amer chia sẻ với CNN – “Hoạt động chen lấn nhanh chóng diễn ra. Tôi không biết dùng từ gì để mô tả chuyện đã diễn ra. Chính việc chen lấn, chèn ép khủng khiếp như thế đã khiến con số người thương vong tăng cao”.

Sau khi vụ giẫm đạp xảy ra, phải mất nhiều giờ lực lượng cứu hộ mới có thể chăm sóc tất cả những người bị nạn. “Xe cấp cứu và tiếng còi ưu tiên vang lên tràn ngập, kéo dài suốt nhiều giờ” - El-Katatney nói, cho biết cảnh tượng ở hiện trường thật khủng khiếp.

"Về cơ bản, thảm họa xảy ra do có nhiều khối người ép chặt lấy nhau, xô đẩy nhau. Họ hoảng loạn, la hét” – El-Katatney kể - “Trong không khí nóng nực, có người ngã xuống và lập tức bị kẻ khác đạp lên cơ thể”.

Cô cũng tin rằng áp lực thời gian có thể khiến thảm họa lớn  hơn. "Chẳng còn nhiều thời gian để thực hiện các nghi thức tôn giáo. Ai cũng đều hết sức vội vã” – cô cho biết.

Phóng viên Khaled Al-Maeena thì nói rằng việc các tín đồ Hồi giáo muốn mau tới điểm thực hiện nghi lễ là lý do chính để vụ giẫm đạp xảy ra. "Ai cũng mong được là người đầu tiên thực hiện lễ ném đá vào quỷ dữ trong buổi sáng sớm” – ông nói với CNN từ Jeddah, Saudi Arabia.


Xác nạn nhân nằm la liệt tại hiện trường. Ảnh: CNN
Nắng nóng và mệt mỏi

El-Katatney cho rằng điều kiện nhiệt độ cao tới 43 độ C cũng là yếu tố cần lưu tâm. Dưới trời nắng như thế, người ta dễ dàng kiệt sức và đây không phải là điều tốt đẹp gì nếu anh đang đứng giữa một đám đông lên tới hàng trăm ngàn người.

"Tôi ra ngoài trời để chụp ảnh, ghi hình. Nhưng hai giờ đứng dưới cái nắng nung người sẽ khiến bạn cảm thấy chóng mặt và gần như muốn ngất xỉu” – cô chia sẻ từ Mina – “Bất chấp điều này, các tín đồ vẫn tiếp tục thực hiện nghi lễ. Đó là khi vụ giẫm đạp xảy ra.

El-Katatney cho biết cô đã trò chuyện với một số người trực tiếp chứng kiến vụ giẫm đạp. “Họ nói với tôi rằng nếu ngã xuống trong đám đông, hoặc nếu bạn không đủ khỏe để chống đỡ sự xô đẩy của kẻ khác và gục xuống, bạn sẽ không bao giờ có thể đứng lên được nữa” - cô nói.

Việc nhiều người lần đầu thực hiện lễ hajj và không chuẩn bị để đối phó với sự hỗn loạn cũng khiến vụ giẫm đạp trở nên chết chóc hơn. “Nếu bất kỳ sai lầm nào xảy ra, như một nhóm rẽ nhầm lối, thảm họa sẽ xuất hiện” - Jamal Khashoggi thuộc kênh truyền hình El Arab TV cho CNN biết - “Và đó chính xác là chuyện đã xảy ra trong ngày 24/9”.

Phát ngôn viên Bộ Nội vụ Saudi, Tướng Mansour Al-Turki, nói rằng vấn đề có thể hình thành từ việc một số người hành hương không tuân theo chỉ dẫn của nhà chức trách. Đây cũng là quan điểm của Khashoggi, khi cho rằng người hành hương non kinh nghiệm thường có xu hướng làm theo ý mình.

Chết vì giẫm đạp không còn là chuyện lạ trong mỗi mùa lễ hajj ở Saudi. Tuy nhiên thảm họa mới nhất cũng là tai nạn chết chóc nhiều nhất tại Mina kể từ năm 1990, khi 1.426 người bị giẫm đạp tới chết.

Sau một trận giẫm đạp khác diễn ra trong năm 2006 làm 363 người chết, chính quyền Saudi đã xây dựng 3 cột đá lớn (để người hành hương ném đá) và 1 hệ thống cầu cao 5 tầng, nằm gần điểm thực hiện lễ ném đá vào quỷ dữ.

Nhưng sau thảm họa mới, nhiều người đang băn khoăn không biết Saudi sẽ làm gì tiếp để ngăn các vụ giẫm đạp chết chóc tái diễn.

Tường Linh (Theo CNN)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm