Vì sao CLB Hà Nội sa sút?

05/12/2023 12:50 GMT+7 | Bóng đá Việt

Phơi áo trước Bình Định là thất bại thứ 3 sau 4 vòng V-League của CLB Hà Nội. Tính cả sân chơi AFC Champions League, đây là trận thua thứ 7 sau 9 trận của họ từ đầu mùa.

Đó không phải thống kê xứng tầm với đương kim á quân V-League, CLB hay nhất Việt Nam nhiều năm qua. Nhưng nó phản ánh đúng hàng loạt vấn đề mà CLB này đang gặp phải.

Thứ nhất, đội bóng này đang bị vắt kiệt sức bởi mặt trận AFC Champions League. Từ đầu mùa tới giờ, Văn Quyết và đồng đội đá 9 trận thì có tới 5 trận ở sân chơi châu Á. 3 trong số đó diễn ra ở các quốc gia khác nhau với những điều kiện khí hậu khác nhau và đều trước các đối thủ rất mạnh. Lịch đấu ấy không tách riêng mà xen kẽ với V-League, buộc CLB Hà Nội phải di chuyển liên tục. Cường độ vận động ấy đã bào mòn thể lực của nhóm cầu thủ Hà Nội.

Có tình cờ không khi 2 CLB Việt Nam đá giải châu Á mùa này là Hà Nội và Hải Phòng đều đang tụt dốc không phanh ở sân chơi quốc nội? Hà Nội xếp thứ 10 còn Hải Phòng đứng hạng 8.

Vấn đề của 2 CLB này vốn là bài toán quen thuộc với các đại diện Việt Nam mỗi khi ra sân chơi quốc tế. Mùa trước, HAGL từ tư cách đương kim vô địch tụt xuống hạng 6 V-League khi dự AFC Champions League. Mùa trước nữa, CLB Viettel khá hơn chút nhưng vẫn tụt xuống hạng 2. Lịch sử bóng đá nội cũng chứng kiến rất nhiều trường hợp tương tự vậy như Bình Dương, Nam Định, Long An... trong quá khứ.

Chia sẻ với báo giới sau trận thua Bình Định, thủ môn kỳ cựu Bùi Tấn Trường thừa nhận CLB Hà Nội có dấu hiệu mệt mỏi vì lịch thi đấu dày đặc. Từ ngày 24/11 tới 3/12, họ đã chơi 3 trận trên 3 sân khác nhau ở 2 quốc gia. Không mệt mỏi mới là lạ.

Vì sao CLB Hà Nội sa sút? - Ảnh 1.

Chỉ một mình Tuấn Hải thì không đủ xốc dậy cả tập thể như Hà Nội FC. Ảnh: Hoàng Linh

Giữa bối cảnh ấy, đội bóng Thủ đô cũng không còn lực lượng hùng hậu như năm ngoái. Giữa năm ngoái, họ chia tay Quang Hải để số 19 tới Pau. Đến cuối năm, họ mất Đoàn Văn Hậu. Giữa năm nay, họ tạm biệt tiếp Bùi Hoàng Việt Anh, Trần Văn Kiên. Tất cả đều là tuyển thủ quốc gia, đều là những cái tên đá chính, đều đã gắn bó với Hà Nội trong nhiều năm. Các cuộc chia ly dồn dập khiến sức mạnh của CLB Thủ đô giảm đi trông thấy.

Khi các ngôi sao ra đi, nhóm người ở lại cũng không còn giữ được phong độ. Duy Mạnh, Tấn Trường, Thành Chung vẫn đá chính nhưng phong độ đã không còn như xưa. Văn Quyết vốn là "cây trường sinh" nhưng cũng sa sút khi chưa ghi bàn nào sau 9 trận mùa này. Tân binh Phạm Xuân Mạnh tưởng sẽ mang tới luồng gió mới nhưng chính là người chuyền hỏng trong bàn thua hôm 3/12 trước Bình Định.

CLB Hà Nội lẽ ra có thể giải quyết vấn đề giống hồi 2016 khi họ đôn lên một loạt tài năng trẻ. Nhưng cuộc trẻ hóa lần này đã không suôn sẻ như năm xưa. Đội bóng Thủ đô vẫn có những tài năng mới trong đội hình nhưng lứa trẻ này hoặc chưa thể hiện ấn tượng, hoặc chưa được tạo cơ hội.

Nguyễn Văn Tùng là một ví vụ. Anh khép lại kỳ SEA Games rực rỡ với 5 bàn thắng nhưng về CLB, Tùng chỉ được đá chính 3 vòng V-League. 10 trận khác, anh vào sân từ ghế dự bị. Tính trong 3 mùa gần nhất, Tùng mới được đá hơn 500 phút. Một thần đồng khác có số phận tương tự anh là Nguyễn Hai Long cũng chỉ chơi hơn 500 phút mùa trước (5 đá chính, 9 lần vào sân từ ghế dự bị).

So với đối thủ truyền thống Thể Công, CLB Hà Nội đang tụt lại trong cuộc đua cơ hội cho tài năng trẻ. Vài năm trở lại, đội bóng quân đội liên tục trao cơ hội cho Phan Tuấn Tài, Khuất Văn Khang, Nhâm Mạnh Dũng và Trương Tiến Anh. Cả 4 người này hiện đã lên ĐTQG, đóng những vai trò quan trọng hơn hẳn nhóm đồng nghiệp cùng lứa của đội Hà Nội.

Với một CLB từng tự hào vì đào tạo trẻ như Hà Nội, đây thực sự là vấn đề lớn. Nhìn một lượt đội hình Hà Nội, Phạm Tuấn Hải có lẽ là ngôi sao duy nhất đang đạt phong độ cao.

Nhưng một mình Tuấn Hải có lẽ là không đủ. 


Thanh Hà

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm