Qatar - Thế lực mới của thị trường đấu giá tranh

02/08/2013 17:07 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Hơn 70 triệu USD đã được trả cho tác phẩm màu nước White Center của Rothko; hơn 20 triệu USD để mua bằng được tác phẩm của Damien Hirst để biến ông thành nghệ sỹ có giá nhất làng nghệ thuật đương đại; 250 triệu USD để đưa bức tranh Card players của Cézanne trở thành tác phẩm hội họa đắt nhất trong lịch sử...

Quatar đang trở thành một thế lực thực sự của thị trường đấu giá tranh và với những gì đang diễn ra, quốc gia này còn đang muốn đưa mình cao hơn cả một thế lực. Những ông chủ giàu nhất Qatar, một quốc gia nhỏ bé vùng Vịnh Ba Tư, không giấu giếm tham vọng là sẽ mua những tác phẩm nghệ thuật ở mức độ “chưa từng thấy”. “Họ là những người mua quan trọng nhất của thị trường nghệ thuật hiện nay,” Patricia G.Hambrecht, Giám đốc phát triển kinh doanh của nhà đấu giá Phillips cho biết. “Tiền bạc không phải là vấn đề”.



Tác phẩm Card Players trở thành bức tranh đắt nhất trong lịch sử sau khi được bảo tàng Qatar mua với giá 250 triệu USD

Tất cả những việc mua bán ấy đều được thông qua từ Sheika Al Mayassa Bint Hamad Bin Khalifa Al-Thani, Chủ tịch của Viện Bảo tàng Qatar. Ở tuổi 30, nữ chủ tịch này đang trở thành một trong những “tay chơi” có ảnh hưởng nhất trong thế giới nghệ thuật. Vị chủ tịch trẻ tuổi này là con gái của một cựu tiểu vương, cô thay mặt gia đình và hoàng tộc đem về cho quốc gia những tác phẩm nổi tiếng nhất và mỗi năm cô có trong tay 1 tỷ USD để làm điều này. Hiện Bảo tàng Qatar đã có những tác phẩm giá trị nhất của Francis Bacon, Roy Lichtenstein, Andy Warhol hay Jeff Koons.

Người ta cho rằng, ngoài thế lực hùng mạnh về tài chính ở Trung Đông, Qatar đang muốn trở thành một thế lực văn hóa ở tầm thế giới. Và với những nỗ lực này đang tạo ra cơn phấn chấn mạnh mẽ trong các phòng đấu giá. “Khi họ đến đấu giá và ra đi sau đó, họ sẽ luôn để lại một hố bom ngay giữa phòng đấu giá, lúc nào cũng là bom tấn và giá đấu thậm chí gấp 4 so với dự báo ban đầu”, David Nash, một trong những tay buôn tranh sừng sỏ nhận định. “Sẽ còn rất lâu mới có ai đó đủ san lấp được hố bom này”.

Trong những năm gần đây, Bảo tàng Qatar đã xây dựng thêm nhiều bảo tàng cao cấp khác tại Thủ đô Doha với phần kiến trúc thuộc về những kiến trúc sư hàng đầu như Jean Nouvel, IM Pei hay Jean-Francois Bodin. Tất cả chỉ để có “đủ chỗ treo tranh”. Trong khi những ông bạn hàng xóm giàu có ở Cairo hay Ả rập từ lâu đã là những người mua tranh hàng đầu thế giới và luôn bắt tay với các bảo tàng Louvre hay Guggenheim để thiết lập những cầu nối văn hóa thì Qatar chỉ thích đi một mình. “Họ đang xem mình là trung tâm của các nền văn hóa thế giới và đó sẽ là điểm đến cho các cơ hội làm ăn, du lịch… và rõ ràng một khi Qatar đẩy mạnh nhập khẩu văn hóa thì điều đó sẽ rất có lợi cho họ sau này”, Allen L.Keiswetter, một học giả tại Viện Trung Đông ở Washington kết luận.

Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm