Var và 'gam màu xám' của bóng đá Việt

06/03/2024 05:59 GMT+7 | Bóng đá Việt

VAR cũng có đường cong mềm mại ở trận đấu giữa SLNA và Nam Định, trước tình huống vung chân đẹp mắt thành bàn của Tô Văn Vũ ở phút đấu bù cuối cùng, đểđem lại chiến thắng cách biệt tối thiểu 1-0 cho đội bóng thành Nam.

Ngay thời điểm đó, cầu thủ SLNA và kể cả các khán giả trên sân, cũng không biết một cái bóng áo trắng đã rơi vào thế việt vị trong pha nhảy lên tranh chấp trước khi bóng đến chân Tô Văn Vũ. Nhưng đây là trận đấu có sử dụng công nghệ hỗ trợ trọng tài, gọi tắt là VAR.

Sau trận đấu kết thúc, rất nhiều ý kiến cho rằng, hãy trao luôn chức vô địch cho đội bóng thành Nam, bởi cũng lượt trận này, các đối thủ bám đuổi như B.BD, CAHN và Bình Định đều mất điểm, thậm chí 1 trong số này còn trắng tay.

Xuôi về giải hạng Nhất quốc gia, mới đây, VFF cũng đã ban hành quyết định đình chỉ thi đấu vô thời hạn (cho đến khi có thông báo mới) với nhóm 5 cầu thủ của BR-VT tham gia cá độ trong trận đấu với SHB Đà Nẵng. Bài học chưa ráo mực, với bao thế hệ cầu thủ đàn anh đi trước, tại sao những người trẻ lại giẫm lên vết xe đổ, thậm chí "chết tại vũng trâu đằm". Vì cái nghèo hay vì lòng tham?

Hệ thống các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam vắt qua tuổi 25 chưa bao giờ hết sạn. Khi vấn nạn bạo lực đã được khoanh vùng, thì những sai số khác lại xuất hiện. Song cái gì cũng có nguyên nhân sâu xa của nó.

Sự việc - Ý kiến: Gam màu xám bóng đá Việt - Ảnh 1.

Trận SLNA - Nam Định dù có sự hỗ trợ của VAR nhưng vẫn xảy ra tranh cãi và khiếu kiện xung quanh công tác trọng tài. Ảnh: Song Ngọc

Gốc rễ của bóng đá chuyên nghiệp chính là bóng đá phong trào, bóng đá học đường. Tại vòng loại giải Sinh viên toàn quốc, ban huấn luyện và cầu thủ Đại học Huế đuổi đánh trọng tài, ngay sau tiếng còi mãn cuộc vang lên, ở trận đấu với Đại học TDTT Đà Nẵng, trở thành một nỗi xấu hổ với bóng đá học đường, ở đây là sân chơi của các sinh viên, tạm gọi là giới trí thức. Đừng tìm kiếm hay luận bànnguyên nhân đểđổ bởi tại, mà hành vi xách động bạo lực sân cỏ đã không thể chấp nhận rồi.

Trong vài năm qua, rất nhiều sinh viên đại học có cơ hội phát triển nghề đá bóng, bằng việc đi đá phủi, với hệ thống các giải đấu trải khắp Việt Nam. Đây là sân chơi lý tưởng để kiếm thêm và để cầu thủ trẻ phát triển, song cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Với một số giải đấu thiếu kiểm soát, bạo lực xảy ra như cơm bữa và thói hư tật xấu lây lan nhanh hơn cả bệnh truyền nhiễm. Ai dám đảm bảo các sinh-viên-cầu-thủ không học hay bị tiêm nhiễm cái xấu này từ sới phủi, để rồi đem trở lại sân bóng học đường?

Chúng ta, những người làm bóng đá ở nhiều cấp độ, đang cố làm mọi thứ tốt lên, thì vài con sâu lại làm rầu nồi canh. Tháng 3 hoa gạo nở, hy vọng, ĐTQG của HLV Philippe Troussier sẽ chữa lành bằng những gam màu sáng hơn, qua 2 trận đấu với Indonesia.

Nhưng, ngay cả điều tưởng đơn giản trước đây, giờ cũng khó đấy, bằng chứng là lần gặp nhau mới nhất tại VCK Asian Cup 2023, chúng ta đã thua đầy thất vọng.


CCKM

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm