Trịnh Công Sơn - Trở về như mùa Xuân...

01/04/2021 07:44 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Cứ như mới hôm qua, vậy mà đã qua 20 mùa của ngày “Cá tháng Tư” - ngày Trịnh Công Sơn rời cõi tạm về nơi an nghỉ đời đời. Có những người cũng nối tiếng nhưng sau khi họ rời cõi tạm, tên tuổi họ nhạt phai dần cùng năm tháng. Nhưng Trịnh Công Sơn thì ngược lại. Thời gian càng trôi đi, ông càng trở về tha thiết cùng nhân gian. Trở về như mùa Xuân. Ra đi như mùa Xuân. Rồi lại trở về.

Thanh Lam, Tùng Dương, Hà Lê hát tri ân nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Thanh Lam, Tùng Dương, Hà Lê hát tri ân nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Đêm nhạc Xin mặt trời ngủ yên với sự tham gia của Tùng Dương, Thanh Lam, Hà Lê… sẽ diễn ra lúc 20h ngày 29 và 30/3 tại Nhà hát lớn Hà Nội, nhân kỷ niệm 20 năm ngày mất cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

1. Thực ra khi sinh thời, tuy sinh vào mùa Xuân (28/2/1939, tức mồng 10 tháng Giêng năm Kỷ Mão), song hình như Trịnh Công Sơn không có nhiều ca từ đầy chất thơ dành cho mùa sinh của mình. Thong dong trong giai điệu Trịnh Công Sơn, chợt khi ta nghe ông thì thầm: “Ngày Xuân bước chân người rất nhẹ - mùa Xuân đã qua bao giờ...” (Đêm thấy ta là thác đổ). Cũng vẫn cái “đã qua” rất lẹ làng như vậy, ở Một cõi đi về là: “Vừa tàn mùa Xuân rồi tàn mùa Hạ” hay ở Chiếc lá thu phai: “Mùa Xuân quá vội - mười năm tắm gội...” hoặc ngậm ngùi trong Phôi pha: “Ôi phù du - từng tuổi xuân đã già...”

Chú thích ảnh
Nhạc sĩ Hồng Đăng, diễn viên Phương Thanh, nhà phê bình Ngô Thảo, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, vợ chồng nhạc sĩ Văn Cao, nhà thơ Thu Bồn và nhạc sĩ Nghiêm Bá Hồng. Ảnh: Hà Tường chụp 1983 tại nhà Nguyễn Thụy Kha

Mùa Xuân và tuổi xuân ở Trịnh Công Sơn có gì thoang thoảng như làn hương: “Dịu dàng trao chút hương hoa mùa Xuân” (Vẫn có em bên đời), có gì gần tuyệt vọng: “Rồi mùa Xuân không về” (Gọi tên bốn mùa), rồi lại da diết hy vọng: “Mùa Xuân đã đến - em hãy quay về” (Rừng xưa đã khép) hay: “Mùa Xuân nào - ngẩn ngơ tình mới - để mùa Xuân sau - mua riêng tình sâu” (Tôi ru em ngủ). Rất hiếm hoi khi anh thốt lên: “Mùa Xuân yêu em đồi núi thênh thang - Hồ nước long lanh ngàn cánh vàng - Ngày ta yêu em màu lá thanh xuân..." (Người về bỗng nhớ).

Trong gần ngàn ca khúc của mình, chỉ thấy ông dành trọn cho mùa Xuân vài ca khúc như Góp lá mùa Xuân, Ru em từng ngón Xuân nồng, Hoa Xuân ca, Thành phố mùa Xuân. Có lẽ cái chất mùa Xuân đã thấm vào mọi giai điệu của Trịnh Công Sơn. Nó vừa mang lại sự hiện diện của ông như mùa Xuân giữa thời gian và cũng làm "thanh xuân" cho tất cả những ca sĩ luôn luôn tôn thờ những giai điệu của ông như báu vật của đời mình. Nó đã làm cho Khánh Ly "hồi xuân" ở độ tuổi đã "nhân sinh thất thập".

2. Vài năm qua, nhờ sự hiện diện trở lại của "Nữ hoàng chân đất" Khánh Ly trên sân khấu Việt Nam với những nhạc phẩm Trịnh Công Sơn, hình như niềm thương nhớ Trịnh Công Sơn trong lòng người mến mộ bớt nguôi ngoai hơn những năm tháng đầu khi ông đi vào cõi thiên thu. Không chỉ hát giai điệu Trịnh Công Sơn trước 1975 đã làm ám ảnh cả một thời đại, Khánh Ly còn hát những giai điệu Trịnh Công Sơn sau 1975 cũng ám ảnh không kém. Bà vẫn coi như những giai điệu này Trịnh Công Sơn viết dành cho chính bà.

Khánh Ly đã từng hát Diễm xưa Ca dao mẹ bằng tiếng Nhật để thu đĩa ở Tokyo. Và những bản dịch tiếng Anh nữa.

Trịnh Công Sơn, Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Trịnh Công Sơn Trở về như mùa Xuân, 20 năm ngày mất Trịnh Công Sơn
"Này em có nhớ" - CD nhạc Trịnh Công Sơn của Đồng Lan

Nhưng để ra một CD riêng nhạc phẩm Trịnh Công Sơn bằng tiếng Pháp thì mãi đến năm 2019, bằng niềm đam mê "nhạc Trịnh" không cùng, ca sĩ Đồng Lan mới thực hiện được vào năm 2019. 9 ca khúc được Đồng Lan chọn để chuyển ngữ sang tiếng Pháp là những ca khúc: Này em có nhớ, Ngẫu nhiên, Hạ trắng, Thành phố mùa xuân, Vết lăn trầm,Ở trọ, Cát bụi, Hãy yêu nhau đi, Để gió cuốn đi. Người chuyển ngữ là Francois Brunetta.

Ngoài bìa đĩa chụp hình Đồng Lan đứng trước tháp Eiffel, bên trong là những dòng tâm sự của Đồng Lan được cô tự viết bằng chữ của mình như lý do vì sao cô cảm xúc làm CD này:

"Không ai biết đoán được những ngẫu nhiên nhưng ta biết ta đã tới nơi này, tới dạo chơi qua những mùa Hạ, những mùa Xuân, những lăn trầm. Kiếp này chỉ là kiếp ở trọ, cát bụi rồi về lại cát bụi. Ta ơi sao lại không tin yêu từng giây phút hiện hữu, thương lấy từng mặt người?Nhất là người đã không buông bỏ ta, liệu sẽ buông bỏ được bao nhiêu buồn vui đời này? Không dễ có câu trả lời cho tới một ngày gió cuốn đi hết".

Cô cho biết: "Tôi đã làm album này với rất nhiều tình yêu, bốn năm mới xong chuyển dịch phần lời, một tháng làm nhạc, thu âm ở Paris, hơn một năm để album thành hình hài trên tay người yêu nhạc Trịnh. Hôm nay, nhờ gió cuốn lòng yêu gieo luôn nơi được không? Trước mọi sân si, danh, tiền,... tôi vẫn tin chỉ tình yêu mới cứu rỗi thế giới này, âm nhạc luôn có nhiều tình yêu".

"Khi ta cùng yêu một bản nhạc và như thế ta đã yêu nhau" - cô viết câu kết.

Với giọng hát như lúc nào cũng muốn ngả vào lòng người nghe, Đồng Lan đã mang tới cho ta một khác lạ đặc biệt khi nghe CD jazz Đồng Lan hát nhạc Trịnh Công Sơn. Cái chất jazz phảng phất trong nhạc Trịnh đã được Đồng Lan khai thác đến tối đa để tạo nên một đường Trịnh Công Sơn bằng âm thanh như đường Trịnh Công Sơn hiện hữu ở Hà Nội, như bức tượng Trịnh Công Sơn bằng âm thanh như tượng Trịnh Công Sơn bên biển Ghềnh Ráng, Quy Nhơn.

Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm