Trần Tuấn - Dấn thân vào cõi "Nhân gian"

22/12/2011 13:45 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - LTS: 30 năm trước, họa sĩ Trần Tuấn đã băn khoăn về thế sự với một câu hỏi: Thế giới đi về đâu? Nhân dịp triển lãm Nhân gian của Trần Tuấn sẽ khai mạc ngày mai (23/12) tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, TT&VH trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài viết của họa sĩ Đỗ Đức về “một nghệ sĩ dấn thân”.

1. Năm 20 tuổi (1981), họa sĩ Trần Tuấn đã băn khoăn về thế sự với một câu hỏi lơ lửng có vẻ  quá già so với một chàng trai mới lớn: Thế giới đi về đâu? Thế giới đi về đâu, khi anh nghĩ đến cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, cảnh diệt chủng của Pôn Pốt đối với dân tộc họ. Anh đã vẽ bộ tranh ba bức về câu chuyện này. Rồi Trần Tuấn cũng băn khoăn đến vấn đề quyền sống và số phận của con người, những câu hỏi về giá trị nhân bản … Anh đã đưa vào tranh những suy tư ấy.

Bộ tranh Đi về đâu (1mx3m) ba phần, phần một là tiếng khóc của đứa trẻ mới chào đời, phần 2, Vọng phu, là hình tượng người đàn bà đứng ngập một phần trong nước biển, tay bế đứa con nhỏ mắt ngóng nhìn về phia bầu trời xa xăm ngập trong bóng tối và một vành trăng nhợt nhạt ở cuối chân trời… một quả  thủy lôi đen nằm im lìm dưới chân… Phần thứ ba là hình ảnh một người đàn ông khỏa thân đang bay lên bầu trời như một sự giải thoát và cũng như là ước vọng vươn tới tự do vĩnh hằng…

Đó là một câu hỏi lớn của thời đại về số phận nhân loại thật mong manh khi cái ác còn quẩn quanh cuộc sống, sẵn sàng giáng xuống đầu bất cứ ai. Làm gì để chặn nó lại? Không dễ có câu trả lời ngay.

Nhưng rồi không có cuộc trưng bày nào cho những băn khoăn thế sự đầy hoài nghi của cái tuổi 20 sục sôi đó… Bức tranh anh vẽ cho Triển lãm trẻ trong những ngày cánh cửa ra thế giới chưa được mở, đời sống đầy rẫy khó khăn. Cuộc trưng bày năm 1984 hai bức tranh tâm huyết đó đã không đến được với người xem vì chưa thể vượt qua được rào cản.

Tác phẩm Chúng ta từ đâu tới, tranh ba phần (200 cm x 438 cm) sơn dầu trên vải, 2011

2. Đến triển lãm cá nhân lần thứ nhất (1997 tại 29 Hàng Bài, Hà Nội) thì Trần Tuấn ẩn mình vào “Một chặng đường hội họa”, kết hợp kỹ thuật sơn dầu của Âu châu và lối nhìn không viễn cận thấu thị của Á Đông, với mong muốn tạo nên không gian “hội họa của riêng mình”. Tiếp sau  vẫn là hoàn thiện Không gian trong một cuộc viễn du vào Nam (Gallery Hồng Hạc, TP.HCM) ở triển lãm lần thứ 2. Triển lãm lần thứ 3 vào năm 2000 (Mai gallery, Hà Nội), anh cho ra mắt phòng tranh chân dung về những người trong gia đình và bè bạn, coi đó như chặng tạm dừng chân ở  những góc nhỏ cảm xúc,  để rồi 2006 cho ra đời Chiều đỏ (Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam), với Một thoáng mây trời trong những không gian phong cảnh Bắc Bộ, những góc quê lãng mạn xưa đang ngày một xấu xí đi theo thời gian.

Anh lại muốn đặt ra một dấu hỏi cho chính mình tiếp theo dòng thời cuộc: đi về đâu? Đến 2007, triển lãm cá nhân lần thứ 5 (Viet Art Center, Hà Nội) tiếp theo như ngưng nghỉ với Niềm vui sống được biểu hiện  trên 20 bức tranh trừu tượng và bán trừu tượng (khổ 1m x 1m) và bốn bức lớn (khổ 1,5m x 2m). Tôi nghĩ đây lại là một lần nữa tác giả  tạm ngừng chân để thay đổi về góc nhìn, chỉnh lại thước ngắm cho những bước đi tiếp theo.

Cuộc trưng bày lần thứ 6 này mang tên Nhân gian anh tâm sự rằng không có gì mới, mà chỉ là  quay trở lại với cái băn khoăn của tuổi 20. Một câu hỏi ngàn đời không lời giải đáp: Nhân gian, cuộc sống nhân gian rồi đi về đâu. Đó là câu chuyện của trái đất này.

Đến với 7 bộ tranh Nhân gian của Trần Tuấn trong triển lãm này là đến với không gian triết học và chủ đề về con người với những đau thương và hạnh phúc nơi trần thế. Mà tất cả những điều Trần Tuấn đưa vào tác phẩm là những câu hỏi người ta chỉ có thể thử trả lời dần theo thời gian và khám phá nó trong chính mình.

Hình ảnh trên những bức tranh tĩnh nhưng nội hàm nó sôi réo như dư chấn sâu trong lòng đất khiến người ta không thể ngồi yên. Nhân gian của Tuấn treo vào đầu ta những câu hỏi làm cho tôi chợt nghĩ nó giống như tiếng gà trong ban mai, ẩn chứa ánh sáng của bình minh đánh thức con người đi đến hành động.

Một giáp với 6 lần trưng bày và vẽ gì cũng đều nằm  trong nỗi băn khoăn từ trên 20 năm trước: thế giới đi về đâu. Và Nhân gian kỳ này cũng vẫn là câu hỏi ấy.

Tôi đặc biệt thích tác giả này ở thái độ nghề nghiệp. Anh bảo: “Tranh của em là loại khó bán. Nhưng em vẽ với sự thao thức của mình trước những vấn đề cuộc sống đặt ra quyết không né tránh”.

Không đánh đu với thị trường mà lần mò vào góc riêng của mình để tìm tòi, đó là thái độ nhập thế mà Trần Tuấn là một trong số ít các họa sĩ bền bỉ theo đuổi.

Rất đáng đến với triển lãm để khám phá Trần Tuấn, thêm một lần thấy khí phách rắn rỏi của một nghệ sĩ dấn thân.

Đỗ Đức (Họa sĩ)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm