Thơ nữ trẻ đương đại: "Làm nghệ thuật là để khám phá chính mình!"

20/10/2008 11:00 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Đó là suy nghĩ của nhà thơ - họa sỹ Ly Hoàng Ly, một cây bút trẻ khá tiêu biểu cho thế hệ thơ nữ ngày nay. Làm thơ - tuy chỉ là một "nghề", một "nghiệp" của một thiểu số những chị em trong giới nữ chúng ta, nhưng đó lại là công việc biểu hiện được rất rõ nhiều cung bậc tình cảm trong tâm hồn của những người phụ nữ nói chung. Nhân ngày 20/10, chúng tôi xin điểm lại một số gương mặt thơ nữ…

Thơ nữ và thơ nữ đương đại…

Trước đây, văn học Việt nam đã có một đội ngũ thơ chống Pháp, chống Mỹ. Với đội ngũ thơ sau 1975, những cây bút kháng chiến quay trở về với cuộc sống mới vẫn tiếp tục sáng tác, thơ của họ mang hơi thở của đời sống hòa bình, những vui buồn thường trực của con người; họ là những cây bút thơ vẫn giữ được trong lòng độc giả những ấn tượng khó phai mờ với tư duy của những tâm hồn đã được tôi luyện qua chiến tranh, như: Ý Nhi, Phan Thị Thanh Nhàn, Lâm Thị Mỹ Dạ, Đoàn Thị Lam Luyến, Nguyễn Thị Hồng Ngát, Lê Thị Mây...
 
Nhà thơ trẻ Dạ Thảo Phương (phải) làm việc với đạo diễn Mike Kirchner
cho các buổi trình diễn thơ tại Anh (Ảnh: NICK D)

Sau hơn một chút là lực lượng sinh viên vừa tốt nghiệp trong những trường đại học, sau khi hòa bình lập lại đi công tác khắp mọi miền đất nước và họ cũng là những người sinh ra trong chiến tranh, ít nhiều biết mùi đạn bom, thuốc súng: Tuyết Nga, Thảo Phương, Đỗ Bạch Mai, Phạm Hồ Thu, Nguyễn Thị Mai, Giáng Vân, Trần Kim Hoa, Trần Thị Huyền Trang, Thu Nguyệt, Đoàn Ngọc Thu, Đặng Thị Thanh Hương, Phan Thị Vàng Anh...

Những cây bút thơ nữ trẻ đương đại xuất hiện trên thi đàn với sự tươi mới của nguồn sống dào dạt và ngọn lửa sáng tạo ngùn ngụt. Họ một phần ảnh hưởng thơ truyền thống trước đó, một phần chịu sự tác động của thời cuộc. Họ được đón nhận nhiều luồng văn hóa của thế giới, nên tác phẩm mang vẻ đẹp hiện đại, cách nói hiện đại, suy nghĩ hiện đại. Lực lượng thơ nữ trẻ xuất hiện với hai chiều hướng thơ: Một là, những cây bút nữ tiếp nối từ truyền thống. Hai là, những cây bút cách tân thử nghiệm, sắp đặt, hướng tới những cái mới và cố gắng làm mới thơ. Cả hai chiều hướng đều có những cây bút nổi trội và bước đầu thành công. Tuy nhiên, xét trên bình diện chung, chiều hướng thứ hai đang thịnh hành trong số những cây bút thơ trẻ đương đại. Họ ưa lối nói mạnh bạo, hướng đến những đề tài “nóng” về tình yêu, họ rung lên những âm thanh nhục cảm, họ khát khao đến với thi ca:“Tôi ứa máu những câu thơ cầu siêu / Rách cằm ngã đêm đơn độc... / Nở tận cùng đến chết” (Vi Thùy Linh).

Nhiều gương mặt mới đã được bạn đọc quan tâm, như Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Ly Hoàng Ly, Lê Thị Mỹ Ý, Dạ Thảo Phương, Vũ Thị Huyền, Trần Lê Sơn Ý, Nguyễn Thúy Hằng, Bình Nguyên Trang, Phạm Vân Anh, Nguyễn Thanh Vân, Chu Thị Minh Huệ, Ngô Thị Hạnh, Lê Ngân Hằng, Trang Thanh, Trương Quế Chi... Những tác giả này, nói như một nhà nhà phê bình, dù ít hay nhiều họ đã tự tạo cho mình một lối đi riêng. Tinh tế hay bộc trực. Nhẹ nhàng hay mạnh mẽ. Gai góc, dữ dội hoặc dịu êm. Thách thức hoặc khiêm nhường. Thách thức hoặc làm xiếc câu chữ. Tất cả đã tạo cho thơ một dòng chảy liên tục không ngắt quãng

Các nhà thơ nữ giãi bày…

Một số quan niệm về thơ của các cây bút thơ nữ đầy mạnh mẽ, đầy quyết đoán trong việc đi tìm cái mới, đi tìm một nguồn thơ dào dạt chảy về từ sự nổi loạn trong tâm hồn đòi hỏi được giải tỏa, được dấn thân, được nói, được tung hoành cùng với lối viết bạo dạn, tự do phóng khoáng.

Vi Thùy Linh là một tác giả trẻ sinh năm năm 1980 với 3 tập thơ. Chị luôn khát khao biểu hiện cái tôi trước cuộc đời, cái tôi bản thể mang tính khác biệt, chị phát biểu rằng, chị luôn muốn tạo sự độc đáo riêng biệt trong lối tư duy, diễn đạt và hình ảnh. Chị muốn làm những điều chưa ai làm, hoặc không ai làm được, khó “nhái” được, dù cho vì sự tiên phong mạnh mẽ, cho dù chị đã chịu nhiều thiệt thòi, cô lập, thậm chí là sự “tấn công” của những người bảo thủ, tư duy cũ. Chính những đòi hỏi ấy ở bản thân khiến chị trở nên vất vả mỗi khi sáng tạo, vì chị luôn buộc mình không được lặp lại, không giống người khác trong nghệ thuậtTôi yêu thơ bằng tình yêu say đắm, tận trung của một người si tình, chung tình, không tiếc gì cho tình yêu ấy”.
 
Trương Quế Chi (trái) và Vi Thùy Linh trong
một cuộc trình diễn thơ

Phan Huyền Thư quan niệm về nhà thơ như sau: “Nếu như khoảng 10 năm trước đây, nhắc đến nhà thơ là nhắc đến một khái niệm đi mây về gió, nghèo kiết xác và hay mơ mộng hão huyền thì giờ đây chúng tôi nổi loạn, cứng đầu, lập dị... Nhà thơ bây giờ đồng nghĩa với cá tính và khác lạ”. Ly Hoàng Ly thì cho rằng: “Với tôi, làm nghệ thuật là công việc đường dài, càng làm càng mê, càng làm càng thấy đuối sức. Như người bắt đầu từ con đường mòn và đi mãi, đi mãi, thấy mình lạc vào mê lộ. Rồi sau những lúc đuối, mệt, kiệt lực, lại là những phút giây sung sướng khi phát hiện ra một điều mới, dù là nhỏ nhoi. Tôi làm nghệ thuật là để khám phá thế giới quanh mình và khám phá chính mình”.

Trẻ hơn so với các đàn chị cùng thời, sinh năm 1987, Trương Quế Chi, một cây bút đang có nhiều nội lực trong thi ca trẻ thế hệ 8X hiện nay, quan niệm “Sống/ Vì ngôn ngữ của chính mình/ Sống/ Vì không còn muốn độc thoại/ Sống vì đã thấy những ngôn ngữ thanh âm gần gũi/ Những ngôn ngữ tạo nên thế giới” (Đồng giao Chi mười tám). Những cây bút cách tân này, quan niệm sáng tác luôn hướng tới cái tôi bản thể tận hiến. Dám sống thật với chính mình, trung thành với thực tại, đương đầu với những thử nghiệm mới, cho dù dư luận có nhiều đánh giá khen chê khác nhau.
 
Trần Hoàng Thiên Kim

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm