Những 'em bé Điện Biên' kiên cường mùa dịch

19/08/2021 19:35 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Bức tượng “Em bé Điện Biên” của họa sĩ Lê Huy (38 tuổi, Giảng viên ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội) ấn tượng, bởi nó “chạm” vào trái tim của nhiều người, đại diện cho những yêu thương và nghị lực của mỗi con người trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.

Sóc Trăng: Nhiều người hiếu kỳ đến chiêm bái bức tượng bằng đá

Sóc Trăng: Nhiều người hiếu kỳ đến chiêm bái bức tượng bằng đá

Ngày 12/7, hàng trăm người hiếu kỳ đã đến chùa Preah Buone Preah Phek ở xã Phú Tân (huyện Châu, Sóc Trăng) để chiêm bái bức tượng phù điêu mới vừa được người dân phát hiện.

Trong những ngày bệnh dịch diễn ra vừa qua, bức tượng ấy đã xuất hiện khá nhiều trên các trang mạng xã hội. Đồng thời, những phiên bản của nó cũng bắt đầu được bán để gây quỹ trong cộng đồng.

Cảm xúc dâng trào tạo thành tác phẩm

Như lời Huy, vốn là người yêu mến trẻ con, hình ảnh những em bé phải đi cách ly trong mùa dịch luôn mang lại cho anh nhiều cảm xúc nhất. Trên Facebook cá nhân, Huy viết: “Mình làm bức tượng này vào một ngày cuối tháng 5, khi bắt gặp hình ảnh những em bé với bộ đồ bảo hộ thùng thình trong khu cách ly tại Điện Biên. Dưới cái nắng hè đổ lửa, những hình ảnh đó thật sự rất cảm động, vừa yêu, vừa thương. Mình nghĩ đến những đứa con của mình và tạo hình em bé cầm gấu bông trong tay như muốn gửi gắm một người bạn, mong các em thấy như lúc nào cũng có gia đình ở bên, để ôm, để ngủ, và cả để khóc...”.

Chú thích ảnh
Họa sĩ Lê Huy

Từ ý tưởng ấy, Huy và các đồng nghiệp trong nhóm Lamphong đã tạo nên bức tượng nhỏ Em bé Điện Biên như một cách nhớ về những ngày tháng đặc biệt này. Ban đầu, tượng được tạo hình bằng đất. Sau đó Lê Huy sử dụng chất liệu đá ép, có màu trắng gợi liên tượng tới màu áo của những y bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch.

Cũng theo lời Huy, điều khó nhất khi làm Em bé Điện Biên là việc đảm bảo yêu cầu “nhân bản” được nhiều mà vẫn giữ được chi tiết, độ sắc nét như ban đầu. Anh cầu toàn đến độ từng bỏ đi hơn 150 bức tượng ban đầu vì không đạt, cũng như mất khá nhiều thời gian tìm tòi về chất liệu để có được kết quả như hiện tại.

Vốn là dân thiết kế đồ họa, bao bì tác phẩm được Lê Huy thiết kế khá ấn tượng với các tone trắng, đỏ nổi bật. "Hình sao vàng 5 cánh như một “ngôi sao của niềm tin, hy vọng”, anh nói.

Chú thích ảnh

Một tấm lòng gặp nhiều tấm lòng

Bây giờ, trò chuyện với người viết, anh Huy không giấu nổi cảm giác hạnh phúc khi nhiều người đồng cảm và chia sẻ với tác phẩm của mình.

Là một trong những người theo dõi hành trình của Em bé Điện Biên từ những ngày đầu là bản đất, nhạc sĩ Quốc Trung viết trên trang cá nhân: “Món quà nhỏ ý nghĩa làm tôi nhớ đến hồi đi sơ tán tại Tam Nông - Phú Thọ. Mẹ tôi cũng thường lấy áo bluson của mẹ khoác cho tôi khi trời lạnh. Những em bé Việt Nam - Thời nào cũng luôn đáng yêu như vậy. Vì các em mà Việt Nam vẫn luôn chiến thắng! Các bạn ủng hộ cho dự án này nhé"!

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Em bé Điện Biên” được bán để gây quỹ

Chị Vũ Minh Châu, một nhà truyền thông thương hiệu tại Hà Nội cũng cảm xúc: “Nghệ thuật là gì, nếu không là tình yêu cuộc sống? Nhìn Em bé Điện Biên thì thực sự là muốn sở hữu ngay. Một em bé bằng bột đá nằm gọn trong lòng bàn tay, nhỏ xíu vậy thôi mà làm tim nghẹn lại, vì còn biết bao em bé ngoài kia bao đêm rồi không được ôm mẹ ngủ…”

Hơn 130 bức tượng đầu tiên được Lê Huy ủng hộ 100% giá trị (680 nghìn đồng/bức) vào một số quỹ để mua máy thở và thiết bị y tế cho các tỉnh miền Nam chống dịch. Anh kể, có nhiều chuyện “dễ thương” khác nhau trong quá trình bán tác phẩm. Chẳng hạn, có bà mẹ và ba em bé tại Hà Nội “đập lợn” để ủng hộ quỹ, và nhắn tin mong ngóng từng ngày để mỗi bạn được “sở hữu” một “em bé Điện Biên”. Rồi, nhiều người đã chuyển vào quỹ nhiều hơn số tiền yêu cầu. Hoặc, một nhóm thiện nguyện tại TP.HCM đặt hẳn 20 bức tượng.

Chú thích ảnh
2 bức ảnh gợi ý tưởng sáng tác của Lê Huy

“Những chuyện đó là động lực để chúng tôi làm tiếp, với mong muốn đóng góp một phần sáng tạo nhỏ bé của mình để giúp cộng đồng vượt qua giai đoạn khó khăn này” – anh kể.

Đáng nhớ nhất, trong quá trình làm tượng, Lê Huy bất chợt thấy NTK Vũ Thảo, nhà sáng lập của thương hiệu thời trang Kilomet109 đăng bức tượng của anh kèm ảnh mấy em bé ở Điện Biên trên FB cá nhân. Qua Thảo và một nhà báo tại Điện Biên, Lê Huy đã kết nối được với người chụp trực tiếp bức ảnh những em bé Điện Biên trong trang phục bảo hộ lan truyền trên mạng, để rồi tìm được ba nguyên mẫu ở các bức ảnh. Lê Huy dự định, khi tình hình dịch bệnh ổn định, anh sẽ lên Điện Biên để tặng bức tượng cho các nguyên mẫu của mình.

Như chia sẻ của Huy, trong thời gian sắp tới, anh và nhóm Lamphong sẽ ủng hộ 50% số tiền bán tượng vào các quỹ. Và Huy mơ ước, anh có thể làm đủ 2021 bức tượng Em bé Điện Biên, con số gắn với một năm đặc biệt của dịch bệnh và của sự đoàn kết trong cộng đồng.

Hãy gọi đó là “Em bé Việt Nam”

“Khi dịch lan nhanh tới nhiều địa phương trên cả nước, những em bé Hà Nội, em bé Sài Gòn hay ở bất cứ đâu đều phải nhập cuộc chống dịch, trong đó có những em sinh ra ngay trong bệnh viện cùng mẹ. Chúng tôi gọi bức tượng là “Em bé Điện Biên” vì muốn cộng đồng nhớ tới sự đoàn kết để đi tới chiến thắng từ địa danh này. Nhưng, rất nhiều người thân mến gọi đây là bức tượng Em bé Việt Nam, và đó cũng là một cái tên hoàn toàn phù hợp” – Lê Huy cho biết.

Ngân Lượng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm