Nhà văn Doris Lessing qua đời: Vĩnh biệt cây bút đi trước thời đại

19/11/2013 07:11 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Nhắc tới nữ văn sĩ Anh Doris Lessing, chủ nhân giải Nobel Văn học 2007 vừa qua đời, nhiều người đã nghĩ ngay tới The Golden Notebook (1962), cuốn tiểu thuyết đưa bà trở thành một thần tượng của trào lưu đòi bình quyền cho nữ giới.

Báo chí Anh cho biết Doris Lessing mất vào sáng sớm ngày 17/11, tại nhà riêng ở London (Anh), hưởng thọ 94 tuổi. Lessing là nhà văn lớn tuổi nhất đoạt giải Nobel Văn học, khi bà được trao giải năm 88 tuổi.

Jonathan Clowes, người bạn lâu năm đồng thời là người đại diện văn học của bà, nói: “Lessing là một nhà văn tuyệt vời, người có tâm hồn rất độc đáo và đầy lôi cuốn. Tôi vô cùng vinh dự khi được làm việc với bà. Chúng ta sẽ nhớ bà vô cùng”.


Nữ nhà văn Doris Lessing

Tuổi thơ bất hạnh, hôn nhân thất bại

Tên thật là Doris Tayler, Lessing sinh năm 1919 ở Ba Tư (hiện là Iran). Khi còn nhỏ bà đã cùng gia đình chuyển tới Southern Rhodesia (hiện là Zimbabwe). Cha bà, bị cụt chân trong Thế chiến I, từng có một trang trại trồng ngô cằn cỗi. Mẹ bà, một cựu y tá, là người lãnh đạm, lạnh lùng, độc đoán. Bà luôn bắt con gái phải tuân thủ những nguyên tắc nghiêm ngặt.

Sau này, Lessing nói rằng dường như tuổi thơ bất hạnh đã khiến bà muốn cầm bút. “Đương nhiên, khi nhỏ tôi chẳng bao giờ nghĩ mình trở thành một nhà văn, mà lúc nào cũng chỉ nghĩ cách để thoát ra khỏi thế giới ngột ngạt ấy” - bà nói.

Tuy nhiên, chính mẹ Lessing lại là người góp phần tạo nên sự nghiệp văn chương lạ thường của con gái. Bà đã gửi mua rất nhiều sách từ Anh cho con gái mình. “Tôi không được học hành tử tế (Lessing bỏ học năm 13 tuổi). Không có những cuốn sách, chắc tôi sẽ gặp họa” - Lessing chia sẻ.

Quyết định thoát khỏi thế giới mà Lessing mô tả là ngột ngạt, quê kệch, bà bước vào cuộc hôn nhân đầy bi đát với Frank Wisdom, một công chức hơn mình 10 tuổi. Lúc đó, Lessing mới 19 tuổi và Thế chiến II chuẩn bị bùng nổ. Sau này Lessing giải thích đơn giản về chuyện lập gia đình sớm của mình: “Ai cũng phải kết hôn”.

Sau chưa đầy 5 năm sống chung và có với nhau 2 mặt con, hai người ly hôn. Không muốn các con bị mẹ bỏ bê như những gì bản thân từng phải trải qua, Lessing quyết định để các con cho chồng nuôi dưỡng. Năm 1944, bà tái hôn với một tù binh Đức là Gottfried Lessing, và sinh thêm một 1 cậu con trai. Nhưng cuộc hôn nhân này cũng thất bại chỉ sau 5 năm và bà cùng cậu út tới London sống.

Về sau Lessing từng nói: “Tôi tự hào khi thấy mình có gan làm như vậy (ly hôn). Tôi thấy chẳng có gì buồn tẻ hơn khi một người phụ nữ thông minh phải dành hết thời gian chăm sóc con nhỏ. Tôi không phải là người chăm sóc con cái tốt. Tôi luôn nói rằng, nếu không rời khỏi cuộc sống cực kỳ buồn tẻ ấy, có lẽ tôi đã trở thành một kẻ nghiện rượu hoặc mắc bệnh tâm thần”.

Đáng tiếc các con của Lessing không có chung quan điểm, cho rằng bà quá nhẫn tâm khi bỏ con. Sau này, con trai John của bà đã nói: “Con hiểu tại sao mẹ lại bỏ đi, nhưng như thế không có nghĩa con sẽ tha thứ cho mẹ”. 

Biểu tượng của trào lưu giải phóng phụ nữ

Ngược với cuộc sống cá nhân nhiều sóng gió, vấp váp, Lessing lại là một  người khổng lồ trong sự nghiệp văn chương.

Lessing sang Anh cùng với bản thảo cuốn tiểu thuyết đầu tay trong vali là The Grass Is Singing (Cỏ hát, 1950). Cuốn truyện viết về sự phân biệt chủng tộc của những kẻ thực dân da trắng ở Forties Rhodesia, về vợ của một nông dân da trắng và mối quan hệ của bà với người đầy tớ châu Phi, đã trở thành một tác phẩm ăn khách. Nó tạo nên một cách viết mới trong mô tả về mối quan hệ giữa các chủng tộc khác nhau.

Trong số những tác phẩm đầu tiên có chất lượng gây kinh ngạc ấy, đáng nói nhất là cuốn tiểu thuyết gây tranh cãi The Golden Notebook (Nhật ký Vàng-1962). Giải thích về nguồn gốc của câu chuyện này, Lessing cho biết: “Tôi đã nghe nhiều người phụ nữ nói chuyện, về những vấn đề của phụ nữ và về đàn ông. Rồi đột nhiên mọi người lại tỏ ra kinh ngạc, khi tôi viết ra những cuộc trò chuyện mang tính riêng tư đó, cứ như thể phụ nữ không tồn tại cho đến khi tác phẩm của tôi ra đời vậy”.  

Cuốn truyện kể về Anna Wulf, người phụ nữ ghi lại cuộc sống của mình trong những cuốn sổ ghi chép khác nhau. The Golden Notebook đã đề cập đến những chuyện của phụ nữ mà trước đó chưa từng được mô tả trong văn học, như sự cực khoái của phụ nữ, các yếu điểm của đàn ông trong quan hệ tình dục và tình trạng lãnh cảm.

The Golden Notebook đã được những người ủng hộ thuyết bình quyền của nữ giới coi là “cuốn kinh Thánh của trào lưu vì phụ nữ”, mặc dù Lessing không bao giờ coi mình là biểu tượng của trào lưu này. Bà từng nói: “Điều mà tôi không thể chịu đựng được là cuộc cách mạng vì quyền phụ nữ đã sản sinh ra một số người thiển cận nhưng tự mãn nhất thế giới. Họ thật khủng khiếp”.

Trong hơn 60 năm sự nghiệp cầm bút của mình, Lessing đã cho ra đời hơn 60 tác phẩm, gồm tiểu thuyết, thơ, opera, tự truyện và truyện ngắn. Tuy nhiên, không phải tác phẩm nào cũng được đón nhận nồng nhiệt.

Sau khi bà đoạt giải Nobel Văn học, nhà phê bình văn học Mỹ Harold Bloom nói: “Những tác phẩm văn học thời kỳ đầu sự nghiệp của bà Lessing có chất lượng đáng nể phục, tuy nhiên trong 15 năm qua tôi không thấy có cuốn nào của bà đáng đọc”.

Lessing lại đánh giá những tác phẩm văn học của mình theo cách riêng: “Tôi đã viết được một số truyện ngắn đọc được và 1-2 cuốn tiểu thuyết khá hay”.


VIỆT LÂM (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm