Nguyên mẫu tượng Nữ thần tự do là một phụ nữ nông dân Hồi giáo?

04/12/2015 06:15 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Giới nghiên cứu vừa có nhận định gây sốc, khi cho rằng nhà điêu khắc người Pháp Frederic Auguste Bartholdi đã tạo bức tượng Nữ thần tự do nổi tiếng dựa trên chân dung của “một người phụ nữ nông dân Hồi giáo không che mặt”.     

Tượng Nữ thần tự do lâu nay được xem là biểu tượng của tinh thần dân chủ và tự do, đã đón chào không biết bao nhiêu người nhập cư tới Mỹ. Tuy nhiên người ta vẫn không khỏi bị sốc trước nhận định nhà điêu khắc Bartholdi đã tạo ra bức tượng dựa trên cảm hứng từ một bức tượng khác, mang chân dung một phụ nữ Arab đứng canh giữ Kênh đào Suez.

Bức tượng kỷ niệm 100 năm ngày Mỹ giành độc lập

Theo Cơ quan công viên quốc gia Mỹ, nơi quản lý tượng Nữ thần tự do ở New York, Bartholdi đã tới Ai Cập trong giai đoạn 1855-1856. Ở đây, ông đã hình thành niềm đam mê được tạo ra các công trình công cộng và tác phẩm điêu khắc với kích cỡ khổng lồ.  

Năm 1869, chính phủ Ai Cập đưa ra đề xuất xây dựng một ngọn hải đăng cho Kênh đào Suez. Bartholdi đã gửi tới bản thiết kế bức tượng lớn, mang hình ảnh một người phụ nữ mặc áo choàng, tay cầm đuốc và đặt tên “Ai Cập mang ánh sáng tới châu Á” (Egypt Brings Light to Asia).

Nhà điêu khắc Frederic Auguste Bartholdi

“Ban đầu, bức tượng mang chân dung một phụ nữ nông dân không che mặt” - Barry Moreno, người từng viết bài nghiên cứu về bức tượng, giải thích. Edward Berenson, người có thời gian nghiên cứu về bức tượng, cũng có chung nhận định: “Bartholdi đã tung ra một loạt bản vẽ, với hình ảnh ban đầu là một phụ nữ nông dân Arab, trước khi biến đổi bức tượng thành một nữ thần."

Cần biết rằng vào thời điểm đó, hầu hết người Ai Cập theo đạo Hồi. Tín đồ Hồi giáo chiếm 86% dân số ở các thành phố Cairo và Alexandria, lên tới 91% ở nhiều khu vực khác. Vì thế, không loại trừ khả năng người phụ nữ mà Bartholdi muốn tạc tượng cũng là tín đồ Hồi giáo.  

Trong suốt hai năm sau đó, Bartholdi đã chỉnh sửa lại bản thảo thiết kế nhiều lần và cố gắng thuyết phục Isma'il Pasha, người về sau trở thành Phó Vương Ai Cập, tài trợ cho dự án. Tuy nhiên, Isma'il Pasha không còn đủ tiềm lực tài chính. Bởi thế, công trình bức tượng nữ nông dân Ai Cập của Bartholdi vĩnh viễn không được xây dựng.

Năm 1865, sử gia kiêm chính trị gia người Pháp Edouard Rene de Laboulaye tuyên bố Pháp nên tặng cho Mỹ một bức tượng để kỷ niệm 100 năm giành được độc lập. Câu nói của vị này đã truyền cảm hứng để Bartholdi thiết kế tượng Nữ thần tự do, dựa vào bản thiết kế trước đó dành cho Ai Cập.

Sản phẩm cuối cùng, mang chân dung nữ thần tự do La Mã Libertas, đã được khánh thành trên đảo Tự do ở Vịnh New York vào năm 1886, đúng dịp kỷ niệm 100 năm nước Mỹ giành độc lập.


Tượng Nữ thần tự do ở New York, Mỹ

Một bức tượng, nhiều tranh cãi

Mặc dù Bartholdi quả có lấy cảm hứng thiết kế tượng Nữ thần tự do từ mẫu thiết kế dành cho Ai Cập, giới nghiên cứu vẫn khẳng định hai bức tượng chứa đựng các ý nghĩa khác nhau.

Berenson nói với Fox News rằng công chúng đã sai khi nhận định rằng "Nữ thần tự do là một người Hồi giáo”. “Đúng là có mối quan hệ giữa tượng Nữ thần tự do với bức tượng Ai Cập mà Bartholdi thai nghén từ cuối những năm 1860. Tuy nhiên hình ảnh bức tượng đã thay đổi khi nó được đưa tới Mỹ. Phiên bản gốc của bức tượng có ý nghĩa đối với xã hội Ai Cập, song nó không có bất cứ ý nghĩa nào đối với nước Mỹ” - Berenson quả quyết.

Còn Moreno thì tuyên bố: “Bản vẽ của Bartholdi dành cho bức tượng ở Ai Cập chẳng liên quan gì đến tượng Nữ thần tự do. Tuy cả 2 đều mang chân dung phụ nữ song đó không phải là một nhân vật”.

Ngoài ra, lâu nay cũng có thông tin cho rằng Bartholdi đã lấy cảm hứng từ mẹ đẻ, bà Charlotte Beysser Bartholdi, để tạo nên chân dung Nữ thần tự do. Nếu điều này là thực, nó càng cho thấy rằng tượng Nữ thần tự do không mang chân dung của một phụ nữ Ai Cập.

Trước đó, một số học giả cũng tin rằng tượng Nữ thần tự do từng không dựa theo mẫu của một phụ nữ da trắng. Trong một cuộc phỏng vấn của tờ New York Times hồi năm 2000, tiến sĩ Leonard Jeffries Jr, giáo sư ở trường Đại học City, nói rằng các khuôn mẫu trước đó của bức tượng “là người da màu”, tuy nhiên do sức ép của người Mỹ da trắng nên thiết kế đã phải thay đổi và sản phẩm cuối có hình dáng mà chúng ta đã biết trong ngày hôm nay.

Tượng Nữ thần tự do đã xuất hiện trong nhiều phim Hollywood

Tượng Nữ thần tự do cao 46m, nhưng nếu tính từ bệ tượng tới đỉnh đuốc thì chiều cao lên tới 93m.

Năm 1938, chính quyền Mỹ từng phải đóng cửa bức tượng để tu sửa lớn. Vào đầu thập niên 1980, vì hư hại xuất hiện trở lại, tượng lại trải qua một đợt trùng tu mới.

Tượng Nữ thần tự do đã xuất hiện trong nhiều bộ phim Hollywood, gồm Ngày độc lập (Independence Day), Thảm họa diệt vong (Cloverfield), Ngày kinh hoàng (The Day After Tomorrow) Hành tinh khỉ (Planet Of The Apes).

Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm