Kiếm lãi hay đào mồ chôn văn hóa?

08/07/2014 09:47 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Khi muốn đầu tư cho văn hóa nghệ thuật, nhất là với các khu vực thuộc về truyền thống, cổ điển, bảo tồn bảo tàng, một câu hỏi lớn được đặt ra: Làm sao kiếm được tiền bằng chính nó?

Dưới đây là chuyện của các bảo tàng đã chọn đi “con đường ngược”: xem văn hóa nghệ thuật là giải trí để kiếm lãi từ vốn văn hóa.

Vốn văn hóa (cultural capital/le capital culturel) là khái niệm xã hội học được Pierre Bourdieu và Jean-Claude Passeron sử dụng lần đầu năm 1973, trong sách Cultural Reproduction And Social Reproduction (tạm dịch: Tái sản xuất văn hóa và tái sản xuất xã hội). Trong các cuốn sau này - The Forms Of Capital (Các hình thức vốn, 1986), The Field Of Cultural Production (Lĩnh vực sản xuất văn hóa, 1993), The Rules Of Art (Luật của nghệ thuật,1996), và The State Nobility (Sự cao quý của Nhà nước, 1996), Pierre Bourdieu phân tích rõ hơn về loại vốn mà trong tự thân của nó không phải là tiền.

Các tác giả chỉ ra rằng nhiều cá nhân, cộng đồng không ý thức được mình đang có vốn văn hóa. Mà nếu đã không có ý thức tôn tạo, tái sản xuất vốn văn hóa thì nguy cơ mất bản sắc, mất tiếng nói, rồi tụt hậu trong nền kinh tế chung là rất rõ ràng. Nó cũng tương tự như nhạc cổ điển, là bảo tàng, các mô hình nghệ thuật truyền thống, nếu không nhìn nó như một vốn văn hóa sinh động, có thể kiếm lợi nhuận (dù không phải là mục đích chính) thì việc đẩy di sản của mình vào mồ chôn chỉ là chuyện một sớm một chiều. Pierre Bourdieu nói rằng trong thời toàn cầu hóa, điều này diễn ra nhanh và bạo tàn hơn các thời trước.


Hơn 70% du khách quốc tế đã trả lời lý do đầu tiên để họ mua vé vào Bảo tàng Louvre là vì kiệt tác Mona Lisa - đây là vốn văn hóa thuộc diện vô giá

Trong Top 20 bảo tàng có đông người xem nhất của thế giới năm 2012, Louvre của Pháp xếp số 1, với 9.720.000 lượt người mua vé, giá vào xem bộ sưu tập vĩnh viễn ở đây từ khoảng 11,10 euro (tương đương 14,54 USD), mà muốn xem một vòng cho hết thì cần 5-7 ngày, phải mua vé tuần, hoặc mua 5-7 lần vé. Những bộ sưu tập/sự kiện không xếp vào khu vực vĩnh viễn thì phải mua vé khác. Chỉ tính riêng tiền vé, năm 2012 bảo tàng đã thu về khoảng 108 triệu euro, mà gần 70% trong số này là tiền của khách nước ngoài. Kế đến là The Metropolitan Museum Of Art (New York, 6.116.000 vé), Vatican Museums (Vatican, 5.065.000 vé), American Museum Of Natural History (New York, 5.000.000 vé), National Palace Museum (Đài Loan, 4.361.000 vé), Centre Pompidou (Paris, 3.800.000 vé), Musee D’orsay (Paris, 3.579.000 vé)…

Tất nhiên trong Top 20 này vẫn có nhiều bảo tàng không bán vé, ví dụ National Museum Of Natural History (Washington D.C, 7.600.000 người), National Air And Space Museum (Washington D.C, 6.800.000 người), British Museum (London, 5.576.000 người), National Museum Of China (Bắc Kinh, 4.100.000 người), National Museum Of Korea (Seoul, 3.128.000 người), Geological Museum Of China (Bắc Kinh, 3.000.000 người)… Không thu lợi từ vé vào cửa nhưng lợi nhuận khổng lồ lại kiếm được từ các cửa hàng đồ lưu niệm và rộng hơn là tiêu xài của du khách đến với thành phố hoặc quốc gia đó.

Trong Top 20 bảo tàng đông khách nhất của châu Á - Thái Bình Dương năm 2012, National Palace Museum (Đài Loan) xếp số 1, với 4.361.000 vé, giá vé dao động từ 5,40 USD đến 8,40 USD, tùy theo tháng. Cũng nên để ý là dân số của Đài Loan vào khoảng 24 triệu người, nên số người vào bảo tàng (chủ yếu là khách quốc tế) chiếm hơn 1/6 dân số, nhiều kinh khủng. Ngoài chuyện bán vé xem vốn văn hóa sẵn có, Đài Loan sẽ tiếp thị và thu lợi gián tiếp được những gì từ một bảo tàng cung điện có hơn 696.000 hiện vật thuộc văn minh Trung Quốc thời kỳ đồ đá đến cuối triều đại nhà Thanh, chắc không cần phải trả lời. Đó chính là động lực để thu hút du khách biết và đến với Đài Loan.

Đài Loan còn có National Museum Of Natural Science (Đài Trung, với 2.954.000 vé). Nếu so trong Top 20 bảo tàng cùng thể loại tại châu Á - Thái Bình Dương, ví dụ như National Museum Of Natureand Science (Tokyo, 2.014.000 vé), National Science Museum (Bangkok, 1.655.000 vé), Hong Kong Science Museum (Hong Kong, 1.288.000 vé), Science Center Singapore (Singapore, 1.054.000 vé)… mới thấy Đài Loan kiếm lợi nhuận từ vốn văn hóa là siêu giỏi, nền khoa học rất phát triển. Cũng tương tự, Singapore với 5,3 triệu mà trung tâm khoa học bán được hơn 1 triệu vé, 1/5 dân số, siêu giỏi.

Bảo tàng Grand Palais (Paris) mất nhiều năm để chuẩn bị cho triển lãm hồi cố danh họa Claude Monet (kéo dài từ 22/9/2010 đến 24/1/2011), với giá vé 12 euro, sinh viên học sinh (13 đến 25 tuổi) là 8 euro, miễn phí cho trẻ em từ 12 tuổi trở xuống. Kết quả họ đã bán được 913.064 vé. Cũng tương tự, với danh họa ít thu hút hơn là Edward Hopper, đầu năm 2013 vừa qua họ cũng đã bán 784.269 vé. Điều này đem lại siêu lợi tức cho Grand Palais và tăng thể diện cho Chính phủ Pháp, mà bản thân vốn văn hóa chẳng hề suy suyển.

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm