Khám phá 'kho báu' di sản phi vật thể Hà Nội (kỳ cuối): Lễ 'Đả Ngư' và múa 'Giảo Long' độc đáo ở Lệ Mật

24/02/2020 19:12 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Làng Lệ Mật (nay thuộc phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội) không chỉ nổi tiếng với… “đặc sản thịt rắn” mà còn có hội làng Lệ Mật rất độc đáo, khác biệt so với các lễ hội khác ở 3 nghi lễ: Nghi thức đón và rước lễ của nhân dân "Thập Tam trại", Lễ Đả Ngư và múa Giảo Long hầu Thánh.

Xem chuyên đề "Mọt sách, mọt sử, mọt phim" tại đây

Khám phá 'kho báu' di sản phi vật thể Hà Nội (kỳ 8): Tự tay người mà thần, Phật hiện ra...

Khám phá 'kho báu' di sản phi vật thể Hà Nội (kỳ 8): Tự tay người mà thần, Phật hiện ra...

Làng Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội là một làng nghề nổi tiếng từ hàng trăm năm nay. Không chỉ có đôi tay khéo léo, am hiểu về Phật giáo, Đạo giáo, các tín ngưỡng dân gian mà chính cái tâm với nghề, cùng những kỹ thuật được lưu truyền bằng truyền miệng...tạo ra những sản phẩm điêu khắc đồ thờ, tượng Phật tinh hoa, độc đáo.

Các nghi lễ này liên quan tới các huyền tích đẹp về Thành hoàng làng Lệ Mật.

3 dị bản về huyền tích Thành hoàng làng

Huyền tích về vị Thành hoàng làng được dân truyền miệng với nhiều bản dị khác nhau. Ông Nguyễn Đức Chung (1956) một vị cao niên làng Lệ Mật kể: Thành hoàng làng Lệ Mật là Hoàng Ngọc Trung, không có cha, mẹ là Hoàng Thị Tâm, làm nghề chài lưới. Một lần, công chúa cưng của vua Lý Nhân Tông (1072 - 1128) khi đang bơi thuyền du ngoạn trên sông Thiên Đức (sông Đuống ngày nay) thì bị đắm thuyền chết đuối không thấy xác. Vua hứa sẽ thưởng cho ai tìm thấy ngọc thể của công chúa, nhưng không ai tìm vớt được vì dưới sông có thủy quái.

Chàng thanh niên họ Hoàng ở Lệ Mật khi đó vừa tròn 16 tuổi đã chiến đấu dũng cảm với thủy quái và cuối cùng đưa được ngọc thể của công chúa lên bờ. Vua ban thưởng cho chàng rất nhiều gấm vóc, vàng bạc, nhưng chàng từ chối tất cả, chỉ xin vua cho đưa dân nghèo Lệ Mật và mấy làng quanh đó sang vùng đất phía Tây kinh thành Thăng Long lập trang trại. Sau khi được vua ưng thuận, dân chúng Lệ Mật đã cùng chàng vượt dòng sông Nhị Hà (sông Hồng ngày nay) sang khai khẩn khu đất phía Tây thành Thăng Long. Vùng đất ấy dần trở nên trù phú, mở rộng thành 13 trại ấp mà sách sử gọi là “Thập Tam trại”.

Khai lập xong khu "Thập Tam trại", chàng trai họ Hoàng quay về củng cố làng cũ trở nên rất trù phú, nên gọi làng là "Trù Mật". Sau khi chàng thanh niên mất, dân làng ở cả 13 trại suy tôn chàng là Thành Hoàng làng.

Chú thích ảnh
Cụ Hoàng Ngọc Dậu trong vai vị tướng nhà Lý trong một màn múa Giảo Long. Ảnh: Lương Hồng Quang

Ông Trương Văn Hoạt (1948), phó Ban quản lý di tích đình làng Lệ Mật kể một huyền thoại có một số chi tiết khác: Tương truyền rằng, vào đời vua Lý Nhân Tông, tại làng Lệ Mật có hai vợ chồng nhà nọ hiếm muộn về đường con cái, một hôm ra chùa thì thấy một bức tượng đá. Hai vợ chồng sờ vào đầu bức tượng và cầu khấn xin một đứa con. Sau khi trở về, người vợ bỗng nhiên mang thai và hạ sinh một đứa con trai.

Đứa bé lớn lên rất khôi ngô tuấn tú, văn võ song toàn. Đến năm 16 tuổi, vì chăm chỉ học hành nên chàng tinh thông võ nghệ, am hiểu văn pháp. Ít lâu sau, triều đình xảy ra chuyện không may, công chúa ngồi thuyền đi ngao du sơn thủy bị thủy quái bắt cóc. Thương con, nhà vua cắt cho rất nhiều người đi lùng sục dưới lòng sông để cứu con gái nhưng đều bất thành. Khi ấy, chàng thanh niên làng Lệ Mật liền xin đi tìm công chúa.

Bằng võ nghệ và mưu trí thông minh, chàng đã lặn xuống sông đánh thủy quái và cứu được công chúa. Vua đã ban cho chàng rất nhiều vàng bạc, châu báu, gấm vóc. Ngoài ra, vua còn phong chức quan nhưng chàng từ chối. Chàng chỉ xin vua cho đưa dân nghèo làng Lệ Mật và mấy làng xung quanh sang khai khẩn vùng đất phía Tây kinh thành Thăng Long làm trang trại. Được vua đồng ý, dân chúng đã cùng chàng vượt sông Nhị Hà sang vùng đất mới, lập "Thập Tam trại". Vùng "Thập Tam trại" này được đánh dấu bằng việc nhà vua cho chàng trai cưỡi một con ngựa bạch đi một vòng ở phía Tây và khoanh vùng mảnh đất mình quản lý. Sau khi lập được 13 trại, chàng trai quay về củng cố làng cũ. Theo gương chàng, dân chúng làng Lệ Mật ngoài công việc nhà nông còn phát triển thêm nghề bắt, nuôi rắn nên đời sống rất giàu có và gọi tên làng là "Trù Mật". Sau khi chàng trai mất, để nhớ ơn, dân làng suy tôn chàng là Thành Hoàng và lập đình thờ. Đến thế kỷ 17, vì kỵ húy chúa Trịnh Chù (Trịnh Cương, 1686 - 1729) nên làng đổi tên thành Lệ Mật.

Chú thích ảnh
Nghệ nhân Hoàng Ngọc Dậu (hơn 80 tuổi) trong vai tướng nhà Lý điều quân binh đi đánh Giảo Long. Ảnh: Internet

Còn một câu chuyện khác được lưu truyền tại xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội. Dân gốc của Đại Yên vốn là người làng Lệ Mật nên cũng thờ Thành hoàng Hoàng Ngọc Trung. Người dân ở đây lưu truyền rằng Thành hoàng làng Lệ Mật là con của vua Lý Thái Tông và bà Hoàng Thị Tâm… Truyền thuyết kể lại rằng nhà vua đi qua vùng đất Lệ Mật, gặp người đẹp là bà Hoàng Thị Tâm. Sau, bà sinh hạ Thành hoàng làng Lệ Mật, nhà vua biết tin cử một tướng đến dạy học cho Ngài. Khi Ngài trưởng thành, đất nước lâm vào cảnh loạn Tam Vương, nhà vua tuyển quân rộng rãi và Ngài tham gia chiến đấu chống giặc. Thành Hoàng làng Lệ Mật theo phò 3 đời vua thời Lý: Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông và Lý Nhân Tông. Theo truyền thuyết tại Chương Mỹ, nhân dân tin rằng bà Hoàng Thị Tâm được vua lập làm thứ phi và họ thờ phụng bà cùng Thành Hoàng làng Lệ Mật.

Ba nghi lễ đặc trưng

Hội làng Lệ Mật diễn ra trong 5 ngày từ 20 - 24/3 (Âm lịch) hằng năm. Chính hội là ngày 23 và mỗi ngày lại có các nghi lễ khác nhau. Nét đặc trưng của hội làng Lệ Mật tạo sự khác biệt so với các lễ hội khác thể hiện ở 3 nghi lễ: Nghi thức đón và rước lễ của nhân dân "Thập Tam trại", Lễ Đả Ngư và múa Giảo Long hầu Thánh.

Trước hết, về Nghi thức đón và rước lễ của nhân dân "Thập Tam trại". Vào mỗi dịp vào hội, làng Lệ Mật chọn 1 cụ cao niên đẹp lão, gia đình toàn vẹn, có uy tín trong làng đóng vai một vị tướng thời Lý để đón tiếp đại diện của 13 trại về dự hội tưởng nhớ Thành hoàng làng. 13 cỗ kiệu cùng với lễ vật là những đặc sản của mỗi trại được dân làng cung kính đưa về dâng cúng Thành Hoàng.

Thứ hai là Lễ Đả Ngư. Nghi thức đánh cá thần dâng Thánh của hội làng Lệ Mật thường được tổ chức vào ngày 22/3 Âm lịch tại giếng đình hay còn gọi là giếng Ngọc. Đây là một màn trình diễn tâm linh mà theo ông Trần Như Chất (1941) cho biết: “Cá chính là lễ vật tri ân của công chúa đối với vị Thành hoàng làng, người đã cứu mình. Công chúa đã gửi cá từ Hồ Tây về giếng Ngọc, con cá này có đặc điểm là dấu chấm đỏ trên đầu hoặc ngả vàng trên lớp vảy. Năm nào có hội thì đêm trước lễ Đả Ngư trời thường vận mưa chuyển cá của Công chúa gửi từ Hồ Tây về giếng Ngọc đế cho dân làng hôm sau đánh cá dâng lễ”.

Chú thích ảnh
Nghi thức đánh cá thờ tại Giếng Ngọc trong lễ Đả Ngư. Ảnh: Lương Hồng Quang

Từ ngày 21/3 Âm lịch, dân làng không được đến gần giếng Ngọc, không được lấy nước ở giếng, để chuẩn bị cho lễ Đả Ngư ngày hôm sau. Ngày 22/3 Âm lịch, 12 trai đinh từ 3 dòng họ lớn: họ Hoàng, họ Trương và họ Nguyễn làm lễ tại đình rồi xuống thuyền bắt đầu nghi thức đánh cá.

Thuyền đi một vòng xung quanh giếng rồi ra đến giữa giếng, các trai đinh nhảy xuống giếng dùng lưới bắt cá. Đây cũng là dịp để "thi ngầm" giữa 3 dòng họ bởi lẽ nhân dân truyền miệng rằng trai của dòng họ nào bắt được cá sẽ đem lại một năm may mắn, thuận lợi cho các thành viên của cả dòng họ. Cá bắt có dấu đỏ trên đầu sẽ mang lại may mắn cho dân làng năm đó, cá không có dấu đỏ thì mùa màng sẽ không tốt bằng, còn nếu không bắt được cá thì năm đó làng sẽ gặp nhiều chuyện không tốt. Tuy nhiên, các cụ cao niên ở làng cho biết, chưa có năm nào không bắt được cá.

Cá sau khi bắt được, đặt luôn lên mâm rước trên ban chính của đình để dâng Thánh. Điều đặc biệt là trong suốt thời gian từ khi cá bắt được đến khi lễ, cá chỉ nằm ngáp mà không quẫy ra khỏi mâm bao giờ. Cá thiêng sau khi trình Thánh được giao cho một người có kinh nghiệm đảm nhận việc chế biến. Trong đó, cá được cắt làm ba khúc: đầu - bung, đuôi - rán, giữa - làm gỏi; còn xương sống băm cùng ruột tạo nên thứ nước hơi đặc sánh. Làm xong món gỏi cá sẽ đến phần tế lễ.

Cuối cùng là Múa Giảo Long hầu Thánh. Nghi lễ được chờ đợi nhất là màn múa Giảo Long (thủy quái) hầu Thánh vào ngày chính hội 23/3 Âm lịch. Nghi lễ này diễn lại cảnh thủy quái mang hình dạng rắn độc bị chàng trai họ Hoàng chém đầu cứu công chúa có lưu trong truyền thuyết vẫn còn lưu truyền cho tới ngày nay.

Chú thích ảnh
Hội làng Lệ Mật. Ảnh: Internet

Các nghệ nhân trong làng tập trung làm hình nộm một con rắn khổng lồ (Giảo Long) tượng trưng cho thủy quái. Giảo Long được đan bằng nan tre, khung làm bằng song, lợp vải và rất nặng. Các trai đinh khỏe mạnh của làng được lựa chọn vào việc múa rắn và đóng vai chàng trai họ Hoàng. Một thiếu nữ xinh đẹp được tuyển chọn đóng vai công chúa, ông Trương Văn Chè kể: "Múa Giảo Long trong hội làng xưa rất đơn giản, số người tham gia mang lốt Giảo Long ít vì con Giảo Long làm nhỏ, các hoạt động diễn xướng chủ yếu là diễn lại cảnh đánh rắn cứu công chúa. Năm 1998, Học viện nghệ thuật Múa Quốc gia trong một lần về Lệ Mật nghiên cứu điệu múa Giảo Long đã xây dựng cho làng một kịch bản mới. Về cơ bản, các điệu múa vẫn giữ như lối cổ, nhưng bài múa được thêm các lớp lang thành một vở kịch múa hoàn chỉnh".

Theo kịch bản mới được dân làng chấp nhận, thực hành trong nhiều năm nay, màn múa Giảo Long có tới 60 người tham gia và thường diễn ra trong khoảng một tiếng. Múa Giảo Long được chia thành 4 trường đoạn. Trường đoạn một miêu tả cảnh công chúa nhà Lý đi du ngoạn trên sông Đuống rồi không may bị Giảo Long bắt. Trường đoạn hai miêu tả cảnh chàng trai họ Hoàng làng Lệ Mật xin phép vua Lý đi đánh Giảo Long cứu công chúa nhưng chưa thành công. Trường đoạn ba miêu tả cảnh chàng trai quyết chiến với Giảo Long lần cuối và chiến thắng, cứu được công chúa. Đây là trường đoạn hấp dẫn và cao trào nhất trong điệu múa, thể hiện sức mạnh và ý chí muốn chinh phục thiên nhiên, bài trừ cái xấu, là cuộc chiến giữa cái thiện và cái ác. Trường đoạn cuối là cảnh ăn mừng chiến thắng. Nhà vua thưởng cho chàng trai họ Hoàng vàng bạc châu báu nhưng chàng từ chối. Thay vào đó, chàng xin nhà vua cấp cho vùng đất mới ở phía Tây kinh thành Thăng Long, lập nên 13 làng, tục gọi là "Thập Tam trại", trong đó có làng Lệ Mật. Con Giảo Long nay vẫn làm bằng nan tre lợp vải bên ngoài, nhưng bộ khung song đã được thanh bằng khung nhôm, nhẹ hơn.

Điệu múa Giảo Long của hội đình Lệ Mật đã được đưa vào là một trong 7 điệu múa cổ của Hà Nội.

3 ý nghĩa của hội làng Lệ Mật

Hội làng Lệ Mật không chỉ ghi nhớ công ơn người anh hùng và diễn lại khúc tráng ca huy hoàng, mà còn là cơ hội để hàng năm con cháu trong làng và con cháu đi xa khai hoang bên kinh thành xưa gặp gỡ, ôn lại trang sử dựng làng đầy khó khăn thuở nào. Ngày hội hàng năm đã thắt chặt thêm mối tình quê hương đoàn kết, gắn bó, yêu thương nhau như anh em một nhà của cộng đồng 13 trại xưa với dân làng Lệ Mật. Ngày hội cũng là ngày để cha ông nhắc nhở con cháu, thế hệ sau phải nhớ ơn tổ tiên, những người đã góp phân mở mang làng xóm, phát triển kinh thành xưa, tạo nên sự rạng rỡ của mảnh đất ngàn năm văn vật.

Theo Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm