Họa sĩ Phạm Cung: Tiễn Kiều về nhà mới

04/07/2014 07:51 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Tại TP.HCM, “lão họa sĩ” Phạm Cung vừa bàn giao bộ tranh vẽ Kiều cho nhà sưu tập Võ Trường Sinh. Ông xúc động chia sẻ: “Hôm nay, nàng Kiều của tôi chính thức về nhà mới”.

Tranh Kiều của Phạm Cung gồm hai bộ vẽ Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du và “Hậu Kiều” Đoạn Trường Vô Thanh của thi sĩ Phạm Thiên Thư. Truyện Kiều của Nguyễn Du thì người Việt nào cũng biết, nên xin nói thêm về “Hậu Kiều” Đoạn Trường Vô Thanh của Phạm Thiên Thư.

“Hậu Kiều” lấy cảm hứng từ Truyện Kiều của Nguyễn Du. Năm 1973, “Hậu Kiều” được chính quyền Sài Gòn cũ tặng giải thưởng Văn học Quốc gia. Giải thưởng này do nhiều văn sĩ, trí thức làm giám khảo, trong đó có nhà văn Sơn Nam. Đến nay, giới học thuật vẫn đánh giá “Hậu Kiều” là một sáng tạo lớn của thi sĩ Phạm Thiên Thư – vốn nổi tiếng với nhiều bài thơ được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc, như: Ngày xưa Hoàng Thị, Đưa em tìm động hoa vàng…


Họa sĩ Phạm Cung “tiễn Kiều về nhà mới” cho nhà sưu tập Võ Trường Sinh (bìa trái)

Họa sĩ Phạm Cung bàn giao hai bộ tranh lần này (mỗi bộ gồm 6 bức) cho nhà sưu tập Võ Trường Sinh vì lý do hết sức đơn giản, theo họa sĩ: “Anh Sinh trẻ nhưng thích bộ tranh này của tôi, hơn hết anh thích Kiều. Và tôi năm nay 82 tuổi rồi, không biết còn sống bao lâu để giữ bộ tranh này. Vậy nên có người thích thì tôi… bàn giao”.

Được biết, hai bộ tranh vẽ Kiều được họa sĩ Phạm Cung hoàn thành hơn 15 năm trước. Hẳn bạn đọc sẽ thắc mắc, hai bộ thơ Kiều dài vậy sao chỉ có 12 bức tranh? Họa sĩ cho biết: “Tôi vẽ Kiều của cụ Nguyễn Du và Kiều của anh Phạm Thiên Thư bằng cách lẩy ra từng ý. Ví dụ, Kiều Nguyễn Du tôi vẽ cảnh nàng Kiều đi viếng mộ Đạm Tiên “sẵn đây ta thắp một vài nén nhang” hoặc “chàng Vương quen mặt ra chào”.

Những nhân vật trong Truyện Kiều khác các nhân vật trong “Hậu Kiều” ở trang phục và hình thái. Họa sĩ Phạm Cung vẽ Kiều của cụ Nguyễn Du ăn mặc giống như cụ Tiên Điền miêu tả trong các câu mở đầu: “Rằng năm Gia Tĩnh triều Minh/ Bốn phương phẳng lặng hai kinh vững vàng”. Họa sĩ đã nghiên cứu thời đó người ta ăn mặc ra sao để đường nét, màu sắc tả được thần thái của thơ. Với “Hậu Kiều”, họa sĩ vẽ không khí thời đại khác, ở đó Từ Hải có thể phanh ngực trần lẫm liệt hiên ngang: “Thành cao ném một ngọn thương sang bằng”.

Nhà sưu tập Võ Trường Sinh cho hay: “Tôi rất vui khi được họa sĩ Phạm Cung chuyển giao hai bộ tranh Kiều để bảo quản. Tôi hứa với họa sĩ sẽ giữ hai bộ tranh này, vì vừa là kỷ niệm, vừa là vật gia truyền của tôi để lại cho con cháu mình sau này”.

Tất nhiên, nhà sưu tập sẽ gửi cho họa sĩ một số tiền nhưng cả hai xin được giữ bí mật. Một số người thích tranh Phạm Cung cho rằng, hai bộ tranh này có giá hàng trăm triệu đồng. Họa sĩ Phạm Cung nói vui: “Tranh tôi vẽ Kiều không rẻ như thế nhưng cũng không cần nhiều tiền như vậy mới sở hữu được”.

Thanh Kiều
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm