Hà Nội phồn hoa

16/01/2010 09:22 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Sau một hồi nghe tôi than thở, bạn tôi đã dười hê hê: Ai bắt ham hố bon chen hội hoa để rồi về lại ta thán. Ở Việt Nam mình, nó thế! Tôi không kịp thanh minh, tôi chỉ muốn “tỏ vẻ”, giữ chút lãng mạn nửa mùa cuối năm.

Mỗi dịp về các vùng quê, tôi thường xao xác nghĩ về sự cằn cỗi. Những cánh đồng mở ra, nhưng lúa quê hình như mỗi ngày mỗi xơ xác dần, đường trải nhựa bụi mù trời bởi xe tải, công nông, xe máy…, và chẳng bao giờ có những ngả đường hoa. Chợ quê, dù là chợ Tết, hoa cũng ít ỏi. Giữa sự nghèo nàn, hoa là loài kiêu sa, chơi hoa là thú xa xỉ. Đất kinh kỳ là nơi "phồn hoa", với nghĩa đủ đầy của từ này, là nơi được ưu ái về cái đẹp, người kinh kỳ cũng sẵn thiên hướng thưởng cái đẹp, sẵn bản tính ham thích cái đẹp, điều khó thấy ở các vùng quê, càng khó thấy ở những vùng quê nghèo.

Ngày bé đọc sách giáo khoa, có đoạn một bé gái thấy bông hồng trong công viên đẹp quá, muốn ngắt, sau đó, được dạy là: "Em nhớ lời cô dặn không hái, bông hoa này là của chung". Tôi cũng từng muốn ngắt một bông hồng. Trước cái đẹp, lòng người vốn tham lam, nhỏ nhen, thật cũng dễ sinh tâm lý chiếm đoạt, giành giật, thèm khát sở hữu. Cái hành vi "lén" lấy một bông hoa, một cánh hoa về ép trong nhật kí cũng đã có truyền thống từ huyền thuyết: cô gái lén vin cành bẻ hoa thành mối kì duyên để Lưu Nguyễn lạc thiên thai.

Nhưng đó là "lén" lấy "của trời" vì lòng mê.

Bỏ ra 17 tỉ đồng để được cảnh hoa cỏ tang thương, người người chen nhau cướp hoa, tranh hoa trong buổi "tháo khoán" hội hoa! A, đằng nào nó cũng đến lúc tàn! Số phận của hoa/cái đẹp thì phải chịu! Chúng tôi "cướp hoa" vì yêu cái đẹp! Kể ra, nếu số người yêu cái đẹp cũng ngang cơ số người sẵn lòng giày xéo theo đúng câu "yêu cho roi cho vọt", thì có lẽ nên mừng chăng?


Bên cạnh đường hoa là... bảo vệ
Tôi không hình dung được nếu nông thôn có một lễ hội hoa hoành tráng tưng bừng như ở Hà Nội, thì những người quanh năm thiếu thốn hương sắc của hoa sẽ đối xử với "ngày tàn" như thế nào? Lòng tham vốn sinh ra từ thiếu thốn. Thiếu cái đẹp, thiếu hoa, thì so với nông thôn, Hà Nội chẳng thể suy bì. Nhìn cảnh giành giật mà các nhà báo chụp lại, dễ thấy, nhiều người là người lao động bình thường. Họ tiếc của, muốn giành lấy một bình, bán lại cho ai đó? Họ xót 17 tỉ đồng? Nghĩ thế, thấy thảm hơn là giận dữ, bất bình. Cái thảm của một xứ sở, mà ngay cả vùng thanh lịch hào hoa, con người cũng dễ dàng nhếch nhác.

Nhưng nếu nghĩ như một nhà giáo dục thẩm mĩ đầy lãng mạn, người ta sẽ gạt đi ám ảnh về cái đói, cái nghèo, không đành quy tội người Việt xưa nay vốn thực tế, khó dành trọn vẹn tâm hồn mà yêu cái đẹp, nhưng hình như người Việt chỉ quen yêu, quen thưởng cái đẹp đang độ, cái đẹp phơi bày, cái đẹp lúc khai mở… mà không có thói quen yêu hay khả năng nhìn ra cái đẹp lúc tàn. Cho nên Kiều bẽ bàng sau 15 năm lưu lạc nói với Kim Trọng: "Hay gì vầy cánh hoa tàn mà chơi". Mới thấy anh chàng "Giữa đường thấy cánh hoa rơi/Hai tay nâng lấy cũ người, mới ta" thật đáng trọng, dù câu ca dao không chỉ nói chuyện hoa. Thời gian gần đây, tôi thấy có nhiều cửa hàng hoa khô với công nghệ từ Nhật Bản - con người cố gắng cứu vãn, "vĩnh cửu hóa" cái đẹp, không chỉ bằng thơ ca, nhạc họa. Có lẽ, tôi vẽ ra một lý tưởng: một tình yêu trọn vẹn phải đi đến cùng, phải say đắm từ e ấp xuân thì đến mãn khai mới tàn lụi. Cứ hình dung, nếu người nhân danh yêu cái đẹp mà cướp hoa để có thể thấy cái đẹp của lụi tàn, thì sẽ tiếc từng cánh hoa phai, sẽ muốn đi lặng lặng giữa phố mà ngắm những sắc cuối cùng.

Sẽ có người đang bĩu môi. Tại Vệt Nam mình nó thế. Không biết thưởng thức cái đẹp. Rút lại, là lỗi của những… nhà giáo dục. Những người không biết tổ chức cho mọi người thưởng cái đẹp. Hội hoa chỉ còn là chốn bon chen của những kẻ hiếu kì. Những người đã đi một năm, năm sau muốn… kiêng. Trừ những người làm nhiệm vụ quay phim chụp hình quảng bá may ra được ngắm trọn vẹn (trong ống kính), tôi cam đoan (cũng như tôi), đi hội cốt để thấy đông người. Đừng mơ mộng thêm được chạm nhẹ vào một cánh hoa, được kề sát mà ngửi hương hoa. Thấy tồi tội cả đoàn khăn đóng áo dài diễn cảnh đám cưới hà thành cứng đơ giữa những luống hoa mà lẽ ra, dựng manequin cũng không khác mấy. Người Sài gòn nói vọng ra Hà nội: đường hoa Nguyễn Huệ bao năm qua đâu đến nỗi bi thương vậy!

Hoa chỉ phô hết vẻ đẹp bởi có không gian. Thì không thể tự nhiên nới rộng các con đường. Nhưng tại sao hội hè nào cũng nhét tất cả vào Bờ hồ và vây quanh cụ Lý (thái tổ)? Năm ngoái không cấm đường, người người tiếc thời gian chỉ lượn xe “ngắm tranh thủ”. Năm nay cấm đường, người xô người, người chen người, chen chúc nhau giành chỗ thưởng cái đẹp. Cái đẹp chen chúc nhau giành chỗ thể hiện. Cầu Long Biên thế mà “bay” mất cái lề dành cho người đi bộ. Sông Hồng nước đỏ phù sa, lau cao phơ phất, nhưng hoa bày dầy hai bên, người nước ngoài chưa đến sông hồng với những xóm chài ven sông sẽ được phen ảo tưởng! Tôi ú ớ nhận ra sông Hồng khi nhìn mấy thuyền gốm lơ lửng cuối dòng.

Chúng ta không được thiên nhiên ban phát những mùa anh đào để thong dong đi dưới những mùa hoa. Nhưng sắp đặt hoa là một nghệ thuật. Tôi cứ nghĩ, nếu cứ nhất thiết phải ở Hồ Gươm, nếu không có đường rộng, thì có thể làm một “hội hoa nghệ thuật” nhỏ nhỏ, chẳng hạn một cái tháp hoa nổi giữa lòng hồ, xung quanh là những thuyền hoa thả nổi, và người đi hội thanh thản dạo một vòng hồ, hương hoa bay trong không gian mát lành, không cần cấm đường, không làm tội cảnh sát và thanh niên tình nguyện. Rồi khi hoa tàn, hội tan, chắc không ai chen lấn đẩy nhau xuống hồ mà giành được vài bông hoa.


Nét đẹp Hà Nội
Tôi “thuận tự nhiên”, ưa nhất là ngắm hoa trong chợ hoa đêm Quảng Bá. Những loài hoa ngan ngát trong hơi sương, trong trạng thái thuần của đêm tối. Người đi ngắm hoa ngồi lặng nhấp một chén trà nóng, nghe những chuyện bình thường của người lao động mà đêm tối và hoa tươi dường như làm họ khẽ khàng hơn giọng nói. chợ hoa đêm Hà Nội không có vẻ xô bồ của cảnh chợ búa. Dù cũng chỉ đến 4, 5 giờ sáng, chợ vãn, người tàn, hoa lại trôi dạt về các tiệm, các phố. Giá lúc nào, nhà nước mở hội hoa ngay giữa chợ đêm, và những người trồng hoa được ngồi ngắm hoa, giới thiệu hoa tự tay mình trồng, tự tay mình cắt, bán mua rộn ràng hơn hàng ngày một chút, giá cao hơn một chút cho những người khách tham quan. Tôi cũng thích cảm giác đi trên đường Bà Triệu từ phía bờ hồ, chậm chậm một lát nữa, đến đoạn ngoặt vào nguyễn Du, là gặp những xe hoa hồng khoe sắc rỡ ràng. Nhưng có nhiều lần đi qua hụt hẫng vì vắng hoe, nhìn quanh mới thấy lấp ló những ôm hoa trong ngõ nhỏ, người bán hoa dạo thấp thỏm “chạy công an”. Tôi nản hẳn. Nếu thiếu những xe hoa bên lề phố, đường Bà Triệu tẻ nhạt biết chừng nào. Tôi thường ao ước mình có một gùi hoa, đi thong dong tặng người ngẫu hứng.

Vừa nói ra những điều này, bạn tôi đã cười hê hê: Ai bắt ham hố bon chen hội hoa, để rồi về lại ta thán bất bình lắm thế? Đài báo quảng cáo lễ hội ầm ầm ngày khai mạc, rồi lại tốn công tốn giấy bàn luận ầm ĩ lúc tàn cuộc. Năm nào chả thế, viết làm gì? Ở Việt Nam mình, nó thế! Bạn tôi tuôn ra một tràng ngoa ngoắt, tôi không kịp thanh minh rằng, tôi chỉ muốn “tỏ vẻ”, giữ chút lãng mạn nửa mùa cuối năm, muốn viết về một Hà Nội “phồn hoa” khác, một đường hoa, một chợ hoa khác… nhưng giờ tôi cũng đỏ mặt. Trong hội hoa năm ngoái, tôi cũng đã háo hức thèm bứt trộm một bông.

Yên San

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm