Đọc 'Chiếc bánh rong biển cuối cùng': Đánh thức 'người hùng của đại dương' trong mỗi người

09/06/2022 11:30 GMT+7 | Văn hoá

Việc lên tiếng kêu gọi cộng đồng có ý thức trách nhiệm, chung tay bảo vệ môi trường biển thực sự vô cùng cấp bách. Và bên cạnh những hành động ở thời điểm hiện tại của người lớn, rất cần nuôi dưỡng tình yêu, trách nhiệm về biển cho các thế hệ thiếu nhi qua các hình thức văn học nghệ thuật.

Hội sách thiếu nhi Thành phố Hồ Chí Minh 'Mở trang sách – Sáng tương lai'

Hội sách thiếu nhi Thành phố Hồ Chí Minh 'Mở trang sách – Sáng tương lai'

Ngày 27/9, tại Đường sách Nguyễn Văn Bình (Quận 1), Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc Hội sách thiếu nhi Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2019 với chủ đề “Mở trang sách – Sáng tương lai”.

Bộ truyện tranh song ngữ Anh - Việt Chiếc bánh rong biển cuối cùng do dịch giả Nguyễn Thúy Loan phối hợp với Ha Giang books và NXB Dân trí thực hiện, ra mắt vào đúng dịp kỷ niệm Ngày đại dương thế giới 8/6, đã mang thông điệp bảo vệ môi trường biển, truyền cảm hứng thôi thúc mỗi em nhỏ trở thành người hùng của đại dương.

Tình yêu biển luôn thường trực trong mỗi em thơ

Tôi có một cô cháu gái đang học lớp 4, sống tại Hưng Yên - một vùng quê đồng bằng đơn thuần, không có núi rừng biển hồ. Có lẽ vì vậy mà trong những lần tôi từ Hà Nội về thăm, khi nói về ước mong, cháu thường nhắc đến ước mong một lần được ra biển để đùa nghịch cùng những con sóng, tận mắt thấy sự bao la rộng lớn của biển trời.

Chú thích ảnh
Dịch giả Nguyễn Thúy Loan đang trao đổi, trò chuyện với các em nhỏ về tập sách. Ảnh: Lương Đình Khoa

Những ngày cuối tháng 5 vừa qua, khi một năm học vừa khép lại, tôi có dẫn cháu về thăm một người thân ở Hải Phòng và đưa ra biển chơi. Cô bé hạnh phúc vô cùng. Nhưng sau chuyến đi về, tôi thấy cháu có điều không vui. Hỏi ra, cô bé nói:

- Con thấy biển con đến không đẹp như biển vẫn thấy trên tivi bác ạ. Nó có nhiều rác hơn. Có phải vì rác nhiều quá, người ta đổ trên đất liền không hết nên mang đổ bớt xuống biển vậy
không bác?

Câu hỏi của cô bé khiến tôi bối rối. Khi tôi chưa biết phải trả lời sao cho hợp lý, cô bé đã lên tiếng:

- Nếu vậy con nghĩ để biển nơi nào cũng đẹp thì cách đơn giản nhất là không vứt rác xuống biển thôi bác nhỉ. Bác viết truyện đi, kêu gọi mọi người cùng giữ gìn vẻ đẹp của biển, bác nhé!

Tôi mỉm cười gật đầu:

- Ừ, để bác lựa. Con cũng có thể tự sáng tác truyện tranh, kêu gọi các bạn ở lớp, ở trường được nữa.

Sau hai ngày, cô cháu hăm hở khoe những trang vẽ tự ghim lại thành quyển sách nhỏ xíu như bàn tay, trong đó là những mẩu tranh nhỏ vẽ những bạn cá voi tung tăng hàng ngày gom rác thải trên mặt biển. Và có một bà tiên từ trên trời xuất hiện, hút hết rác thải đó vào trong một chiếc túi thần kỳ, trả lại cho mặt biển sự xanh trong.

Chú thích ảnh
Bìa sách “Chiếc bánh rong biển cuối cùng”

Câu hỏi và những trang sách tự tạo cùng giấc mơ “giữ gìn vẻ đẹp của biển” từ cô cháu nhỏ làm tôi trăn trở, thậm chí có phần hổ thẹn. Bao nhiêu năm cầm bút, viết thật nhiều đề tài nhưng chưa một lần tôi nghĩ đến trách nhiệm của mình với biển, viết một cái gì đó để lan tỏa thông điệp chung tay bảo vệ đại dương xanh.

Tôi cất công tìm kiếm khá nhiều ở các nhà sách cũng các trang mạng xã hội và nhận thấy những tác phẩm mang thông điệp nuôi dưỡng tư duy, đánh thức trách nhiệm bảo vệ môi trường biển dành cho thiếu nhi không nhiều. Có lẽ bởi bản thân việc viết cho thiếu nhi đã khó, lồng ghép những thông điệp bảo vệ môi trường một cách khéo léo, tự nhiên vào trong đó lại càng khó hơn.

Thật may là trong những ngày đầu tháng 6 năm nay, giữa một loạt những ngày kỷ niệm ý nghĩa - ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, ngày Môi trường thế giới 5/6 và ngày Đại dương thế giới 8/6, tôi bắt gặp tập sách The last seaweed pie (Wenda Shurety) được xuất bản tại Việt Nam với tiêu đề Chiếc bánh rong biển cuối cùng.

Người hùng của đại dương

Mượn câu chuyện kể về thói quen sinh hoạt và đời sống trên mặt đất và dưới lòng biển của hai nhân vật Mộc nhân và Hải nhân, Chiếc bánh rong biển cuối cùng mang thông điệp bảo vệ môi trường biển mạnh mẽ, truyền cảm hứng thôi thúc mỗi em nhỏ trở thành người hùng của đại dương.

Hải nhân sống ở dưới biển, công việc hằng ngày của họ là nướng bánh rong biển và ngắm nhìn đại dương tươi đẹp. Mộc nhân sống trên cây với công việc thường ngày là chế tạo và làm đồ gỗ. Rồi một ngày kia, số lượng đồ đạc mà Mộc nhân làm ra quá nhiều, và hễ cứ dùng chán là họ liền vứt đi để làm đồ khác. Vậy là núi rác ngày càng khổng lồ, họ bèn ném chúng xuống biển để cho khỏi chật chỗ.

Nhưng thật không may, vì đống đồ cũ quá nhiều, chúng nổi lềnh bềnh rồi chìm xuống đáy biển, che lấp ánh mặt trời và làm cho đại dương vốn trong xanh trở nên u ám và bẩn thỉu. Hải nhân không còn cách nào khác đành gói ghém chiếc bánh rong biển cuối cùng còn sót lại, rời bỏ quê hương đi tìm chốn dung thân khác. Họ lên bờ và thấy Mộc nhân vẫn miệt mài liệng rác xuống biển và nhất quyết không cho ai sống cùng.

Chú thích ảnh
Thông điệp gửi gắm cuối tập sách về ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường và đại dương dành cho mỗi độc giả

Cả hai tộc đành ngồi lại tìm cách giải quyết. Bỗng một Mộc nhân trẻ tuổi nảy ra sáng kiến tái chế lại đồ cũ: Chiếc chậu cũ có thể làm thành chiếc đĩa đựng bánh rất đẹp, hay chiếc bàn cũ có thể đóng thành những chiếc ghế, rồi có thể đóng giường từ chiếc tủ gỗ.

Vậy là từ đó, núi rác vơi dần trả lại mặt biển xanh trong. Hải nhân vui mừng trở về nhà của mình, và trước khi đi, họ truyền lại cho Mộc nhân công thức làm món bánh rong biển trứ danh của mình.

Cái hay của Chiếc bánh rong biển cuối cùng không chỉ nằm ở nội dung câu chuyện nhẹ nhàng, cuốn hút của tác giả người Anh Wenda Shurety, mà còn nằm ở phần tranh vẽ sinh động của Paddy Donnelly - một hoạ sĩ người Ireland, đoạt giải 2021 Literacy Association of Ireland Biennial Children’s Book Awards - với cuốn Míp. Tranh được in 4 màu khá bắt mắt, dễ dàng lôi cuốn trẻ nhỏ vào mạch truyện, tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên, biển cả theo từng trang sách.

Việc lựa chọn in song ngữ Anh - Việt cũng là cơ hội để bạn đọc nhỏ tuổi tiếp cận, làm phong phú thêm vốn từ tiếng Anh liên quan đến môi trường biển.

ồi sinh: cùng hành động vì đại dương

Tháng 12/ 2018, tại Hội thảo quốc tế tham vấn xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương, đại diện chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc công bố: Với 112 cửa biển, 80% lượng rác thải biển của Việt Nam xuất phát từ các hoạt động trên đất liền. Mỗi năm Việt Nam xả ra đại dương 0,28 đến 0,73 triệu tấn rác thải nhựa (chiếm 6% toàn thế giới), đứng thứ 4 thế giới. Các nước đầu bảng lần lượt là Trung Quốc, Indonesia và Philippines.

Sau khi nhận món quà là tập truyện tranh Chiếc bánh rong biển cuối cùng, cô cháu gái của tôi đọc liền một mạch thích thú, và ngày nào cũng mang ra ngắm nhìn thế giới đại dương qua tranh vẽ. Ít hôm sau, cháu khoe những bức tranh mới, vẽ cháu, vẽ tôi, vẽ cả gia đình đều là những người hùng trên những bãi biển, trong lòng biển, cùng các bạn cá và Hải nhân dọn sạch môi trường. Các vỏ bút, chai nhựa gia đình dùng xong cũng được cô bé giữ lại, hì hụi tạo ra những món đồ chơi mới cho riêng mình.

Chiếc bánh rong biển cuối cùng mang thông điệp kêu gọi mọi người ngừng xả rác, hạn chế sử dụng đồ nhựa, mua sắm một cách khôn ngoan, tiết kiệm nước và tái chế. Thông điệp này khá trùng khớp với chủ đề của ngày Đại dương thế giới năm 2022 mà Liên Hợp Quốc đã lựa chọn: Hồi sinh: cùng hành động vì đại dương.

Từ năm 2009, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã chính thức chọn ngày 8/6 hàng năm là Ngày Đại dương thế giới. Việt Nam là một trong số 9 quốc gia đầu tiên tổ chức các sự kiện chào mừng ngày Đại dương thế giới lần đầu tiên vào ngày 1/6/2009 trong khuôn khổ Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam (từ mùng 1 đến mùng 8-6) và được duy trì, phát triển cho đến nay.

Lương Đình Khoa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm