Đề nghị đặt tên phố cho người tôn phù Lý Công Uẩn lên ngôi

19/08/2009 16:27 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Vừa qua, PGS Hà Đình Đức (Hội Sử học Việt Nam) đã có tờ trình gửi BCĐ Quốc gia Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long và UBND TP.Hà Nội về việc cần đặt tên Đào Cam Mộc cho một đường phố Hà Nội với lý do Đào Cam Mộc là người có công hàng đầu tôn phù Lý Công Uẩn lên ngôi vua.

1. Trong tờ trình, PGS Hà Đình Đức nêu rõ: Sau khi vua Lê Đại Hành mất, các vua nối ngôi ăn chơi trụy lạc, chém giết lẫn nhau. Vua Tống nhanh chóng lợi dụng cơ hội này đem quân sang đánh chiếm nước ta.

Đến khi Ngọa Triều băng, vua nối ngôi còn bé. Đào Cam Mộc là đại thần dưới triều Tiền Lê giữ chức Chi hậu, biết Công Uẩn có ý muốn nhận việc truyền ngôi, nhân lúc vắng mới nói khích rằng: “Gần đây chúa thượng ngu tối bạo ngược, làm nhiều việc bất nghĩa, trời chán ghét nên không cho hết thọ, con nối thơ ấu, không kham nổi nhiều khó khăn. Mọi việc phiền nhiễu thần linh không ưa, dân chúng nháo nhác, mong tìm chân chúa. Sao Thân vệ không nhân lúc này nghĩ ra mưu cao, quyết đoán sáng suốt, xa xem dấu cũ của Thang Vũ, gần xem việc làm của Đinh Lê, trên thuận lòng trời, dưới theo ý dân, mà cứ khư khư giữ tiểu tiết làm gì !”.


Nhà Võ Chỉ ở Đền Đô, nơi thờ Đào Cam Mộc,
Lê Phụng Hiểu và Lý Thường Kiệt

Công Uẩn trong lòng thích lời nói đó nhưng còn ngờ Cam Mộc có mưu khác, mới giả cách mắng rằng: “Sao ông lại nói như thế, tôi phải bắt ông nộp quan”! Cam Mộc thong thả bảo Công Uẩn rằng: “Tôi thấy thiên thời nhân sự như thế, cho nên mới dám phát ngôn. Nay ông lại muốn cáo giác tôi thì tôi không phải là người sợ chết”. Công Uẩn nói: “Tôi đâu nỡ cáo giác ông, chỉ sợ lời nói tiết lộ thì chết ráo, nên răn ông đó thôi”.

Cam Mộc nói: “Thân vệ là người khoan thứ, nhân từ, lòng người chịu theo. Hiện nay trăm họ mỏi mệt kiệt quệ, dân không chịu nổi, Thân vệ nên lấy ân đức mà vỗ về, thì người ta tất xô nhau kéo về như nước chảy chỗ thấp, có ai ngăn được”!

Cam Mộc biết việc cần kíp, sợ sinh biến, mới nói chuyện với khanh sĩ và các quan, ai cũng vui theo. Ngay ngày hôm ấy, đều họp cả ở trong triều bàn rằng: “Hiện nay dân chúng ức triệu khác lòng, trên dưới lìa bỏ, mọi người chán ghét tiên đế hà khắc bạo ngược, không muốn theo về vua nối mà đều có lòng suy tôn quan Thân vệ, bọn ta không nhân lúc này cùng nhau sách lập Thân vệ làm thiên tử, lỡ bối rối có xảy ra tai biến gì, liệu chúng ta có giữ được cái đầu hay không ?”

Thế rồi cùng nhau dìu Công Uẩn lên chính điện, lập làm Thiên tử, lên ngôi Hoàng đế. Trăm quan đều lạy rạp dưới sân, trong ngoài đều hô “vạn tuế” vang dậy cả trong triều. Đại xá cho thiên hạ, lấy năm sau làm niên hiệu Thuận Thiên năm đầu (Theo Đại Việt Sử ký toàn thư NXB KHXH 1998, Tập I, tr. 238-239).

2. Đào Cam Mộc không chỉ có công lớn tôn phù Lý Công Uẩn lên ngôi vua mà ông còn có nhiều công lao xây dựng triều chính. Lý Công Uẩn phong Đào Cam Mộc làm Nghĩa Tín hầu và gả con gái trưởng là công chúa An Quốc. Ông mất năm 1015 và được truy phong là Thái sư Á vương.

Nhà Võ Chỉ ở bên trái đền thờ Lý Bát Đế (Đền Đô) ở Đình Bảng, Bắc Ninh có bức đại tự “Nghĩa Liệt Anh Hùng” nơi thờ ba vị Võ quan đã có công lớn giúp nhà Lý dựng nghiệp và giữ nước. Đó là Đào Cam Mộc, Lê Phụng Hiểu và Lý Thường Kiệt.

Tại quê hương ông nay là huyện Yên Định, Thanh Hóa có đền thờ Đào Cam Mộc. Ngày 4/8/2009 UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt dự án công trình khu di tích lịch sử Thái sư Á vương Đào Cam Mộc tại xã Yên Trung huyện Yên Định với tổng số vốn đầu tư 46,5 tỷ đồng.

Ở TP. HCM hiện đã có con đường mang tên Đào Cam Mộc. Với công lao to lớn của Đào Cam Mộc dưới triều Lý, ông xứng đáng được đặt tên cho một đường phố thủ đô Hà Nội trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

3. Không chỉ đưa ra các chứng cứ lịch sử về công lao của Đào Cam Mộc, PGS Hà Đình Đức còn đi “khảo sát” các đường phố Hà Nội làm cơ sở để đưa ra đề nghị Hội đồng Khoa học đặt, đổi tên đường phố và các công trình công cộng TP.Hà Nội xem xét đặt tên Đào Cam Mộc từ 34A phố Trần Phú (đối diện với phố Tôn Thất Thiệp) thông ra 30 phố Lý Nam Đế. Đây phố tương đối rộng, gần khu vực Hoàng Thành và xứng tầm với công lao của Đào Cam Mộc.

Thiết nghĩ, đề xuất của PGS Hà Đình Đức là rất xác đáng. Hy vọng TP.Hà Nội sẽ sớm xem xét để Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, thủ đô sẽ có một đường phố mang tên người có công hàng đầu trong việc tôn phù Lý Công Uẩn lên ngôi vua.
Đông Kinh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm