Đạo diễn Xuân Phước: Mê kiếm hiệp nên mới làm Sóng đời

08/10/2008 23:35 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Sóng đời có lẽ là một trong số ít những bộ phim võ thuật dài tập (43 tập, kịch bản: nhóm Hoàng Duẩn, đạo diễn: Xuân Phước) đã được Hãng Lasta và HTV phối hợp thực hiện (dự kiến sẽ ra mắt vào 21h30 ngày 1/11 tới trên HTV7).

TT&VH trao đổi với đạo diễn Xuân Phước về việc thực hiện phim này.

Đạo diễn Xuân Phước
* Nhìn lại một lượt các phim truyền hình đã làm, anh có lẽ là một trong những đạo diễn chịu tả xung hữu đột, nghĩa là chẳng cố định vào một “gu” nào cả, lúc thế này lúc thế khác. Làm như vậy, anh không sợ bị đánh giá là Xuân Phước không có phong cách rõ nét, hay được chăng hay chớ?

Tôi còn trẻ mà, năng động và lăn lộn cũng là chuyện bình thường thôi. Đó là chưa nói trong công việc và làm phim, tôi rất sợ phải làm hoài một thứ, lúc đề tài tình cảm, lúc võ thuật hành động, lúc hài hước… thì mới thỏa được cái máu nghề nghiệp của mình.

* Phim Sóng đời có phải là kết quả của những lăn lộn đó không, hay cũng là chuyện đặt hàng từ phía Lasta?

Phải nói là cả hai, vì nếu người ta không đồng ý sản xuất thì mình đâu thể bỏ tiền ra tự làm mấy chục tập được. Sóng đời là kết quả của hơn 10 năm tôi đeo đuổi những video clip có những pha kiếm hiệp, những quảng cáo, những phim có hành động và võ thuật… Tôi mê kiếm hiệp nên mới làm Sóng đời.

* Trong phim này có bao nhiêu pha mạo hiểm và bao nhiêu trận đánh nhau?

Tôi mất gần 2 tháng để quay hơn 40 trận đánh nhau và rất nhiều pha mạo hiểm, trung bình mỗi tập là một trận. Tôi cũng có dịp làm việc chung với nhóm chỉ đạo võ thuật trong phim Bao Thanh Thiên nên đã học được khá nhiều kỹ thuật bay nhảy, nhào lộn.

* Một ví dụ về đỉnh điểm của các pha hành động trong phim này, anh có thể tiết lộ?

Pha nguy hiểm nhất xảy đến với Võ Thành Tâm, khi diễn viên này quyết tâm thực hiện trực tiếp pha chạy mô tô tông vào xe tải, bay người qua thùng xe và rơi xuống vực sâu 20m. Người chỉ huy là chuyên gia Bùi Văn Hải, cũng là kỷ lục gia Việt Nam về nhảy từ độ cao xuống. Chúng tôi quay 4 góc máy ở trường bắn Thủ Đức, người chỉ đạo võ thuật nhảy trước, sau đó là Tâm làm theo. Tất cả chỉ diễn ra trong một đúp quay, và khán giả sẽ được nhìn thấy toàn bộ phim trường trên ti vi, vì đây là cảnh đóng thế của phim trong phim, như hình ảnh quay nháp ở cuối phim của Thành Long vậy.

* Xem hình chụp phim trường cũng thấy cảnh Võ Thành Tâm chạy xe máy bắt cướp ngoài phố, tốc độ chạy của những pha quay này là bao nhiêu?

Chúng tôi nhờ CSGT hỗ trợ dọn đường và quay thật ngay trên phố, người đi đường khá bất ngờ, các anh cảnh sát cũng hứng thú nên thường chạy với tốc độ khoảng 80km/giờ. Với kỹ xảo hỗ trợ, chúng tôi không cần tới tốc độ này, nhưng khi ra thực tế, mọi chuyện đã lý tưởng hơn, thật là hạnh phúc.

* Phim võ thuật vốn tốn kém, mỗi ngày bọn anh tiêu của nhà sản xuất hết bao nhiêu tiền?

Thực ra, nếu nói đúng về giá trị công việc thì chúng ta chưa đủ tiền làm phim võ thuật đâu. Trong phim này, có rất nhiều kỹ thuật và kỹ xảo mà nhiều cá nhân gần như tự nguyện góp vào, chẳng thể tính thành tiền được. Một phút trên phim có khi chúng tôi phải quay mất 2-3 tiếng, 6-7 người đánh đấm, mười mấy người làm bảo hiểm… Tuy nhiên, nếu so với mặt bằng giá cả phim ảnh hiện nay ở Việt Nam thì nhà sản xuất cũng rất chịu chi, mỗi trận đánh nhau chúng tôi tiêu hết của đoàn khoảng 20 triệu đồng.

* Trở lại ý ban đầu, anh có nghĩ một ngày nào đó sẽ làm phim kiếm hiệp hay không?

Đó là ước mơ lớn, nhưng chưa biết bao giờ mới thực hiện được, phim hành động võ thuật tốn kém 1-2, phim kiếm hiệp cổ trang thì phải 5-10.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm