Việt Nam: Ga xép của các show

12/02/2013 06:58 GMT+7 | Văn hoá


(Thethaovanhoa.vn) - Cách đây chưa lâu, trên một tờ báo lớn, có người viết đã cảm thán rằng: Nhìn thị trường biểu diễn của Singapore mà... thèm! Thèm thật, không chỉ nhìn Singapore, mà nhìn qua Bangkok, Manila, Kuala Lumpur đều thấy sao quốc tế lũ lượt qua làm show. Đăng ký thành viên của Thaiticketmajor hay Sistic (hai mạng bán vé online các show biểu diễn ở Thái Lan và Singapore) tuần nào cũng nhận được thông báo lịch diễn mới, đủ thể loại và đủ sao thuộc nhiều đẳng cấp. Và các sao quốc tế đến “trung tâm giải trí mới Đông Nam Á” thường đi trọn một tour, nên nếu có lỡ không mua được vé coi Sting ở Singapore thì có thể đổi vé sang Bangkok, lỡ không xem được Lady Gaga ở Bangkok, nhiều người Việt đã bay qua Kuala Lumpur… Nhưng “những chuyến tàu tốc hành” (show quốc tế) ấy đã không dừng lại ở Hà Nội hay TP.HCM.

Từng mơ tới Việt Nam

Trên thực tế, 20 năm trước, có một câu chuyện ngược lại: khi Thái Lan, Singapore, Philippines, Malaysia nhìn qua Việt Nam mà thèm khi điểm đặt chân tới Đông Nam Á của nhiều ngôi sao nhạc nhẹ quốc tế là “sân ga” Việt Nam!

Trong lịch sử showbiz Việt và có thể của cả lịch sử showbiz Đông Nam Á, có ít nhất 3 sự kiện gắn với 3 ngôi sao quốc tế khiến sân khấu ca nhạc Việt có thể nở mày nở mặt trong khu vực, đó là chuyến lưu diễn của siêu sao nhạc rock Bryan Adams năm 1994, của Sting năm 1996 và Lady Gaga năm 2008.

Bryan Adams có thể xem là người “mở tung” cánh cửa gần như khép kín trước đó của thị trường nhạc Việt với thế giới bên ngoài. Tại thời điểm đó (tháng 1/1994), ngôi sao này đang ở trên đỉnh cao của sự nghiệp và Việt Nam vẫn chưa bình thường quan hệ với Mỹ (đến 3/2/1994 Tổng thống Bill Clinton mới tuyên bố bãi bỏ hoàn toàn cấm vận Việt Nam và lập cơ quan liên lạc giữa hai quốc gia). Ông bầu của show diễn lịch sử đó, đạo diễn Mai Quốc Việt, nhớ lại, show diễn này gần như là một “cú sốc” cho giới kinh doanh âm nhạc toàn cầu, cho dù siêu sao nhạc rock lúc đó vào Việt Nam với danh nghĩa góp vui cho một giải chạy việt dã quốc tế tổ chức ở TP.HCM.

Năm 1996, giới truyền thông phương Tây một lần nữa lại rúng động bởi thông tin siêu sao Sting đến Việt Nam trong một show diễn chính thức. Lúc này, Sting cũng đang ở đỉnh cao phong độ và tên tuổi (chứ không phải ở bên kia sườn dốc như trong tour châu Á năm qua). Hộ tống Sting trong chuyến lưu diễn ở TP.HCM là các phóng viên những đài truyền hình lớn như NHK (Nhật Bản), BBC (Anh quốc), CNN (Mỹ), MTV…

Còn “Nữ hoàng” Lady Gaga, nói như lời ông trùm giải trí Donald Trump, thì cô phải cảm ơn Việt Nam vì chính từ sân khấu này, tên tuổi cô bắt đầu tỏa sáng. Đó là vào mùa Hè năm 2008, khi “cô gái nổi loạn” chưa được biết đến như bây giờ, được mời biểu diễn tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ tổ chức tại Nha Trang. Một vài phóng viên Việt Nam theo dõi sự kiện này thậm chí còn ngồi cạnh cô trên chuyến bay từ TP.HCM ra Nha Trang (!).

Và không chỉ có Bryan Adams, Sting hay Lady Gaga, nhìn vào danh sách những ngôi sao (ca nhạc) khu vực và quốc tế qua lại sân khấu Việt Nam trong 20 năm qua (tính từ sự kiện Bryan Adams), thấy giấc mơ “sân ga quốc tế” của showbiz Việt như ở trong tầm tay.

Bi Rain đến Việt Nam tháng 3/2007 trong sự chào đón nồng nhiệt của báo chí và fan

Cùng TT&VH điểm lại những dấu mốc khó quên của “sân ga Việt” với các “chuyến tàu quốc tế”:

- Tháng 1/1994: Bryan Adams biểu diễn tại Nhà hát Hòa Bình (TP. HCM). Giá vé chính thức là 35USD nhưng chợ đen bán đến 80USD. Lúc này Bryan Adams đang ở đỉnh cao phong độ. Đêm hôm đó hàng nghìn người cùng nhau hát bài hát nổi tiếng của anh, Everything I Do, I Do It for you.

- Tháng 1/1994: Giọng ca hay nhất nước Pháp lúc bấy giờ, Patricia Kaas đến Hà Nội. Lúc này Kaas đang ở thời kỳ hoàng kim với chuyến lưu diễn vòng quanh châu Á (19 quốc gia) theo lời mời của Bộ Ngoại giao Pháp. Patricia Kaas có 2 đêm diễn: 1 tại Hà Nội, 1 ở TP.HCM.

- Tháng 4/1994: John Denver diễn 2 đêm tại Cung Hữu nghị Hà Nội (Hà Nội) và Nhà hát Hòa Bình (TP.HCM). Ông được Hãng đàn Yamaha mời với thù lao 20.000USD. Cuộc viếng thăm của John Denver tới Việt Nam là một trong những sự kiện văn hóa lớn của năm.

- Tháng 1/1995: Boney M đến TP.HCM và diễn hai đêm (4 và 5/1) tại CLB Phan Đình Phùng. Lúc này Boney M dù chỉ còn duy nhất một thành viên cũ là ca sĩ Liz Mitchell nhưng vẫn nhận được sự nồng nhiệt của gần 5.000 khán giả. Lần thứ hai Boney M quay lại là ngày 28/1/1999 với 2 buổi diễn tại khách sạn New World (ngày 28) và Sân vận động Thống Nhất (ngày 29) nhưng lần này khán giả đã vắng hơn khá nhiều.

Nhóm Air Supply đến Việt Nam lần thứ hai vào năm 2009. Trong lần trở lại này, họ không được chào đón nhiều bằng lần đầu tiên, năm 1997

- Năm 1995: Leo Sayer được mời với cát-sê 25.000USD cho đêm diễn duy nhất tại nhà thi đấu Phan Đình Phùng. Lúc này danh tiếng của Leo Sayer đang xuống, tour Far East (Viễn Đông) để tìm lại khán giả nhưng chưa thành công. Tuy nhiên tại Việt Nam, Leo Sayer vẫn đủ sức làm say đắm 5.000 khán giả tại nhà thi đấu Phan Đình Phùng. Đây là lần đầu tiên, công nghệ âm nhạc và ánh sáng hiện đại từ Singapore được mang đến TP.HCM và làm khán giả Việt Nam phấn khích đến tột đỉnh. Từ chương trình này, một kỷ nguyên công nghệ biễu diễn chính thức được bắt đầu ở Việt Nam.

- Năm 1995: Lê Minh, một trong Tứ Đại Thiên Vương của Hong Kong - trình diễn tại sân Phú Thọ, rất đông người tham dự. Lúc này Lê Minh còn đang ở đỉnh cao.

- Năm 1995: Jean-Jacques Goldman biểu diễn rất thành công tại nhà thi đấu Phan Đình Phùng, TP.HCM. Lúc này Goldman là một trong những nhạc sĩ/ca sĩ tài năng nhất nước Pháp.

Ronan Keating biểu diễn tại cuộc thi Hoa hậu Trái đất vào tháng 12/2010 tại Nha Trang (Việt Nam)

- Tháng 12/1995: Carol Kidd biểu diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội. Carol Kidd là một trong những giọng ca hàng đầu thế giới nhưng bà đến Việt Nam theo một lời mời ngoại giao.

- Năm 1996: Sting và show diễn ở Nhà thi đấu Phan Đình Phùng (TP. HCM) thu hút sự quan tâm của nhiều hãng thông tấn quốc tế. Thù lao cho ngôi sao này là 150.000USD, nhưng giá vé chỉ khoảng 20USD (cho dù phía Sting không chấp nhận được bán vé dưới giá 60 USD). Chương trình thu hút 5.000 khán giả trong một đêm nhạc “chất lượng cao”. Các hãng thông tấn CNN, BBC, NHK… đều đưa tin đậm về sự kiện này. Kênh HTV7 thậm chí còn truyền hình trực tiếp; Đài truyền hình Mỹ, ASB, phát lại 30 phút. Tuy vậy nhà tổ chức lỗ nặng.

- Năm 1997: Air Supply đến Việt Nam trong vụ “hớt tay trên” của một ông bầu khi mà tour diễn của bộ đôi này đang cân nhắc tại Hong Kong. Lúc này Air Supply đang rất nổi, đặc biệt là khi ca khúc Goodbye làm mưa làm gió trên MTV châu Á. Chương trình chỉ diễn 1 đêm tại Trung tâm Triển lãm Giảng Võ (Hà Nội). Vụ này ông bầu người Việt đã phải bỏ ra 85.000USD để mời cho bằng được (chấp nhận hớ hơn 20.000USD) nhưng vẫn thắng lớn. Tháng 10/2009, Air Supply quay lại Việt Nam lần thứ hai. Lúc đó danh tiếng Air Supply đã xuống và buổi diễn cũng không đông như mong đợi. Trong tự truyện của mình, nhóm Air Supply tự hào cho rằng họ là ban nhạc đầu tiên (ban nhạc chứ không phải ca sĩ solo) chơi tại Hà Nội. Nếu như Bryan Adams là nghệ sĩ phương Tây đầu tiên đến Việt Nam và mở cửa thị trường kinh doanh biểu diễn âm nhạc thì Air Supply là nhóm nhạc phương Tây đầu tiên chơi tại Thủ đô Hà Nội và đêm đầu tiên hết sạch vé. Họ rất tự hào về điều này.

Quang cảnh trước giờ biểu diễn của Bob Dylan tại Việt Nam (4/2011), khán giả hơn 2/3 là người nước ngoài

- Năm 1997: Michael Learns To Rock đang còn làm mưa làm gió trên các bảng xếp hạng âm nhạc châu Á, đến Việt Nam trong sự hò reo điên đảo của các fan. Hai đêm diễn tại Nhà thi đấu Phan Đình Phùng (TP.HCM) và Triển lãm Giảng Võ (Hà Nội) đều chật cứng khán giả.

- Năm 1999: 4 anh em trong nhóm The Moffats, khi đó đang “hot” với If Life is So Short, diễn tại Công viên Tao Đàn, TP.HCM. Giá vé quá cao cộng thêm cách thức đổi hộp kem đánh răng lấy vé khá “dị” lúc ấy khiến show diễn không đông khán giả như mong đợi, nhà tổ chức lỗ nặng. Từ lúc này, cơn bão show của các nghệ sĩ quốc tế bắt đầu chững lại. Từ The Moffats, các show quốc tế chủ yếu do các công ty tổ chức sự kiện kết hợp với nhãn hàng nào đó để đem show về. Không có nghệ sĩ quốc tế nào đến đây để “làm ăn” thật sự, nếu chỉ tính trên chuyện kinh doanh vé bán.

- Tháng 7/2001: Ngôi sao Hàn Quốc Ahn Jae Wook (vốn là một ca sĩ, nhạc sĩ sáng tác và diễn viên nhưng lúc đó với khán giả Việt Nam, anh chủ yếu được biết đến và yêu thích nhờ vai diễn trong bộ phim truyền hình Ước mơ vươn tới một ngôi sao) cùng ban nhạc và nhóm vũ công khoảng 30 người với show diễn đầu tư khoảng 7 tỷ đồng dự kiến diễn ra trên Sân vận động Thống Nhất. Một ngày trước giờ diễn, chương trình phải hủy bỏ vì khả năng làm hư hỏng cỏ trên sân.

- Năm 2005: Chương trình Giai điệu bạn bè của Đài truyền hình TP.HCM đưa về một loạt khách mời là những ngôi sao trong khu vực: Lý Minh Thuận, Phạm Văn Phương (Singapore), Trần Hạo Dân, Quách Khả Doanh (Hong Kong), Toro (Đài Loan)… Khách mời chỉ tham gia một vài tiết mục mang tính giao lưu.

Dù bắt đầu xuống dốc trong sự nghiệp nhưng nhóm Il Divo vẫn được fan Việt dành nhiều tình cảm khi tới Việt Nam biểu diễn trong đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt 2010

- Tháng 6/2006: Ngôi sao số 1 K-pop lúc bấy giờ Bi Rain được Hãng điện thoại S-Fone mời tới TP.HCM cho một đêm diễn tại Sân vận động Quân khu 7. Chương trình thành công mỹ mãn với lượng khán giả lên tới gần 1 vạn người (vé mời). Tháng 3/2007 Bi Rain quay trở lại Việt Nam một cách chính thức với 2 đêm trong tour diễn vòng quanh thế giới (Rain World Tour 06 - 07) - tour trình diễn lớn nhất trong lịch sử của một ngôi sao K-pop, kéo dài 6 tháng với 35 show diễn qua các quốc gia, vùng lãnh thổ: Hàn Quốc, Mỹ, Singapore, Nhật, Thái Lan, Việt Nam, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Hong Kong, Philippines và Đài Loan. Tổng chi phí cho 2 đêm diễn này ước tính lên tới 2,8 triệu USD nhưng vé tồn khá nhiều khiến nhà tổ chức lỗ ít nhất khoảng 1 triệu USD. Cú ngã đau này cũng “khai tử” nhà tổ chức biểu diễn ấp ủ nhiều show quốc tế sau Bi Rain như BoA’s Coming, Se7ven’s Coming, Kangta‘s Coming…

- Tháng 1/2008: Nhóm rock Mỹ, My Chemical Romance biểu diễn trong chương trình Unite ‘08 tại Sân vận động Quân khu 7 (TP.HCM). Đây là chương trình rock, vé vào miễn phí và có khoảng hơn 1 vạn người tham dự.

- Tháng 7/2008: Lady Gaga có mặt tại Nha Trang. Sau màn trình diễn ca khúc Just Dance trong đêm Hoa hậu Hoàn vũ được truyền hình trực tiếp tới nhiều quốc gia này, tên tuổi Lady Gaga bắt đầu tỏa sáng.

- Tháng 12/2010: Ronan Keating, cựu thành viên nhóm nhạc Ailen, Boy Zone, sang Việt Nam biểu diễn trong đêm chung kết Hoa hậu Trái đất 2010. Lúc này sự nghiệp của Ronan đã đi xuống.

- Tháng 8/2010: 4 chàng trai Il Divo đến Việt Nam trình diễn tại đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt 2010.

- Tháng 3/2011: Backstreet Boys có 2 đêm tại TP.HCM và Hà Nội. Lúc này nhóm hát 5 chàng trai đã đi qua thời kỳ đỉnh cao của mình. Cả hai show đều không đông khán giả như mong đợi.

- Tháng 4/2011: Bob Dylan đến Việt Nam diễn tại Trường RMIT (TP. HCM). Đêm diễn đông khán giả nhưng đa phần là người nước ngoài.

- Tháng 5/2011: Super Junior đến Việt Nam và biểu diễn tại Sân vận động Gò Đậu, Bình Dương. Khán giả khá đông nhưng không nhiều như mong đợi. Hiệu ứng của K-pop vẫn còn rất cao, khá nhiều fan từ Hà Nội, Hải Phòng, thậm chí từ Hàn Quốc, Nga bay sang tham dự. Trước đó, nhóm này từng gây náo động tại MTV Exist ở Hà Nội vào năm 2010 và làm nhiều fan phải đi cấp cứu vì xỉu.

- Tháng 7/2011: Á quân American Idol 2008, David Archuleta, biểu diễn cùng các ca sĩ nổi tiếng Việt Nam trong 2 đêm tại TP.HCM và Hà Nội.

- Tháng 4/2012: Big Bang đến Việt Nam trong chương trình Siêu nhạc hội - Soundfest với nhiều nghệ sĩ Việt. Chương trình diễn ra tại Sân vận động Phú Thọ (TP.HCM) từ 14h và kéo dài đến hơn 23h. Big Bang chỉ diễn 5 bài, trong thời gian 30 phút và cả một đám đông khổng lồ cổ vũ cuồng nhiệt. Thông tin cho biết, sau 30 phút diễn ấy, nhóm Big Bang nhận được 5 tỷ đồng.

- Tháng 1/2013: Adam Lambert, ngôi sao của American Idol đến Việt Nam biểu diễn trong chương trình HArtistry.

Bài: Cung Tuy - Thủy Phạm; Ảnh: Việt cường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm