Những sát-na(*) của Bùi Giáng

05/08/2011 14:14 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Trong giới văn nghệ, có những nghệ sĩ dường như sinh ra để “thành mẫu” bất đắc dĩ cho nhiều họa sĩ, nhiếp ảnh gia, vì khuôn mặt đầy chất tạo hình. Thi sĩ Bùi Giáng (17/12/1926 - 7/10/1998) là một trường hợp như vậy.

Cũng trong tinh thần đó, ngày 6/8 tại khách sạn Hoàng Gia (Đà Lạt) và 14/8 tại phòng tranh Tự Do (TP.HCM), trong một triển lãm chung, Đinh Cường trưng bày 15 tác phẩm vẽ Bùi Giáng qua các thời kỳ.

Bùi Giáng không chỉ là nhà thơ mà ông còn là họa sĩ. Tuy nhiên, ông không chỉ “tạt ngang” vào tranh vẽ, mà từ trẻ, thi - họa đã theo gót chân phiêu bồng. Ông Bùi Vịnh, một người em của Bùi Giáng từng cho biết: “Năm 1950, Bùi Giáng đỗ tú tài 2 ban văn chương. Năm 1952 vào Sài Gòn dạy học, viết sách và vẽ tranh”.

“Sát-na” Bùi Giáng

Trong bài Bùi Giáng - Đi về với gió du côn (năm 2009), họa sĩ Đinh Cường cũng viết: “...Anh đã ở qua rất nhiều nơi, những năm 1960, đường Phan Thanh Giản, nhà cháy, về đường Trương Tấn Bửu, có lúc ở trong Đại học Vạn Hạnh. Thời kỳ này anh vẽ nhiều tranh bột màu trên giấy, có khi là bút chì sáp, nhiều nhất là bút bi. Đã triển lãm tranh bột màu lần duy nhất tại nhà sách Albert Portail (về sau là nhà sách Xuân Thu, đường Đồng Khởi, TP.HCM)”.

Họa sĩ Đinh Cường (trái) và Bùi Giáng năm 1967

Những nghệ sĩ quen biết hoặc chơi với Bùi Giáng đều biết ông xem mọi thứ như bỡn cợt, ít can dự, nhưng khi đã “nhảy vào” thì thường tài hoa và xuất thần.

Những ai từng vẽ, tạc chân dung Bùi Giáng (ví dụ như Đinh Cường, Trịnh Công Sơn, Trương Đình Quế, Phạm Cung...) đều biết khả năng “đáp trả” của thi sĩ này, thích hoặc không thích trước cách thể hiện của bạn mình, ông chỉ cần cầm cọ hoặc bút bi quậy vài đường là thành “Bùi Giáng tự họa”.

Xét về bố cục theo cái nhìn cứng nhắc và sơ đẳng kiểu trường lớp, có thể chê Bùi Giáng này nọ, nhưng nhìn trong tinh thần phiêu bồng và cuồng họa (giống như Jackson Pollock, Cy Twombly...), ông hoàn toàn thong dong, nắm bắt được cái hồn và thể hiện được cái thần.

Từ thập niên 1970, Đinh Cường đã vẽ Bùi Giáng, thường là chớp lấy những khoảnh khắc thoáng qua, như một “sát-na” (chữ của họa sĩ này, mượn từ của nhà Phật) để làm nên tác phẩm. Trong vựng tập có tên Đinh Cường vẽ Bùi Giáng, người xem có thể chiêm ngưỡng gần 30 sát-na của “trung niên thi sĩ”, mà dường như chỉ có những thân hữu mới “chộp bắt” được như vậy.

Riêng nhà thư pháp Hồ Công Khanh, người có bộ sưu tập khá đầy đủ và độc đáo về Bùi Giáng thì tâm sự rằng: “Vẽ kiểu gì, Bùi Giáng vẫn là Bùi Giáng. Ông vui đùa và tĩnh tại, ánh mắt luôn rực cháy, nên khi đối diện với họa sĩ, họ như được soi vào gương, vẽ như phản chiếu”.

Tác phẩm Bùi Giáng, sơn dầu trên các-ton, khoảng 50x30cm, 1990.
Đinh Cường vẽ Bùi Giáng tại Tân Định

Thơ và người cùng đi vào tranh

Năm 1972, trong một tác phẩm, Đinh Cường vẽ người thiếu nữ bay bổng, như nhớ về quê cũ, sau khi xem thì Bùi Giáng đã “phổ lên tranh” này hai câu: “Lớp phiêu bồng mọc trăng ngàn/Thành xưa phố cũ muôn vàn phía sau”. Quá hợp ý, nên Đinh Cường đã đưa tên Bùi Giáng vào chú thích, như tác phẩm của hai người.

Thường chỉ vẽ chân dung, nhưng nhiều họa sĩ đã lấy cảm hứng từ thơ Bùi Giáng để mà thể hiện, như một kiểu “phổ thơ” bằng màu sắc. Một chân dung Bùi Giáng (thuộc sưu tập của phòng tranh Tự Do), vẽ năm 1987, Đinh Cường đã “phổ” từ hai câu: “Niềm vui tao ngộ xa dần/Còn riêng ở lại một lần này thôi”.

Tranh Bùi Giáng đạt giá chục ngàn USD

Họa sĩ Đinh Cường kể rằng ở hải ngoại có nhiều người thích sưu tập tranh của, hoặc về Bùi Giáng. Cách đây hơn 10 năm, nhà thư pháp Hồ Công Khanh từng bỏ ra 1.500 USD để sở hữu bức Chân dung tự họa của Bùi Giáng. Năm 2010, phòng tranh Tự Do (TP.HCM) đã bán một tác phẩm của Bùi Giáng với giá 10.000 USD. Chính vì vậy, những tác phẩm mà Hồ Công Khanh, Nguyễn Thiên Chương, Phạm Cung (hơn 20 bức), Nguyễn Thanh Hoài, Ngô Văn Tao… đang giữ trở thành sức hút với giới sưu tập gần xa.

Nhà thơ Ngô Văn Tao kể vào tháng 5/1988, khi được Trịnh Công Sơn giới thiệu để làm quen với Bùi Giáng, tại cuộc rượu này, đã có những ký họa “phổ thơ” ra đời. Ngô Văn Tao còn giữ ký họa mà Trịnh Công Sơn vẽ Bùi Giáng, với mấy câu ngập ngừng, kiểu chơi chữ của thi sĩ họ Bùi: “Chịu chơi hộ Trịnh Công Sờn/Cửa trời rộng mở rập rờn hoàng hoa/Chào nhau giữa những vốc-ka...”.

Đã có biết bao nhiêu tranh, tượng, thư pháp... được “phổ” hoặc lấy một vài ý thơ của Bùi Giáng để đặt tên, thật không thống kê được. Nội mấy cụm từ “mưa nguồn”, “cố quận”, “mắt buồn”, “nguyên xuân”... mà Bùi Giáng thích dùng, cũng trở thành chủ đề của quá nhiều tranh thư pháp.

Chính Bùi Giáng cũng thích “phổ thơ” của mình bằng tranh. Tác phẩm Quê chàng là Ithaque (sơn dầu, 150x100cm, 1963 - thuộc sưu tập của Ngô Văn Tao) là một minh chứng, vì đây là những chữ trong thơ Bùi Giáng. Bức tranh này cũng được nhiều người cho là cách giải thích hai câu thơ khó hiểu của Bùi Giáng: “Lạc loài đã rớt đi đâu/Chiếc chìa khóa mộng rực màu so le”.

(*) Sát-na là thuật ngữ nhà Phật hay sử dụng, chỉ đơn vị ngắn nhất của thời gian; hay nói cách khác, sát-na chỉ thời gian chớp nhoáng của mỗi biến đổi. Một ngày 24 giờ được tính bằng sáu ngàn bốn trăm tỷ, chín vạn, chín ngàn, chín trăm tám mươi sát-na.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm