Họa sĩ Bùi Mai Hiên: Tự trồng cây sơn để làm tranh sơn mài

07/12/2010 14:13 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Mãnh liệt và không ngừng cách tân trên chất liệu truyền thống - đó là Bùi Mai Hiên - họa sĩ tiêu biểu về sơn mài của mỹ thuật Việt Nam đương đại. Gần đây, người ta còn kháo nhau chị tự trồng cây sơn, pha chế sơn để lấy làm sơn mài, nhằm đảm bảo chất lượng cho những bức tranh của mình.

Bùi Mai Hiên là một trong rất ít họa sĩ (HS) được tôn vinh trong cuốn Almannach - Người mẹ của phái đẹp bởi những sáng tác trừu tượng trên chất liệu sơn mài bằng cách tạo hình mới của một tư duy luôn đòi hỏi hiện đại, kỹ thuật mà truyền cảm. Từ những tác phẩm đầy góc cạnh, rắn rỏi tháng 5/2006 đến nay, Mai Hiên đã làm điều kỳ diệu: thay đổi lối biểu hiện trên tác phẩm và tạo ra dấu ấn riêng biệt chưa từng thấy ở sơn mài. Cuốn sách như “bữa tiệc màu” với chuyển động hình ảnh không ngừng bộc lộ tâm hồn chan chứa đam mê, khát vọng bình yên. Niềm ham sống, sự lãng mạn, bay bổng thăng hoa trong những bức tranh đẫm tình.

Màu tím sử dụng tài tình trên chất liệu vốn quen dùng đỏ, đen, vàng. Sắc tím HS yêu nhất, hiện lên trên các tác phẩm lộng lẫy, lung linh trong chiều sâu của không gian ảo diệu. Nhạc hoa, Ngàn hoa, Ngàn cá, Sáng sớm vùng cao, Mùa hoa đào tràn ngập tím. Gió của biển, Tình ca mùa Thu, Thu vàng xôn xao là tâm trạng phô diễn sự nóng bỏng, cuồng nhiệt và đằm thắm.

Tại gác hai nhà 99 Nguyễn Thái Học, tôi được nghe bản Santa Lucia từ Mai Hiên, người bắt đầu học dương cầm lúc 53 tuổi.


HS Mai Hiên. Ảnh: Lê Thư

* Nghe nói vì không tin vào chất lượng sơn ngoài thị trường, nên chị đã tự trồng cây sơn để... có nguồn nguyên liệu vẽ tranh.

- Cây sơn trồng nhiều ở Phú Thọ. Tôi mua cây sơn con hết 100 triệu đồng từ trên ấy về trồng ở trang trại (5 ha) tại Lương Sơn, Hòa Bình. Đồi sơn của tôi đã cho thu hoạch. Sơn trồng 4 năm là lấy được nhựa...

* Chị có thể tiết lộ cho độc giả TT&VH cách thức khai thác sơn và làm sơn mài?

- Chích nhựa cây sơn phải chích vào sáng sớm. Sau 4 ngày sẽ chích tiếp được lần nữa. Nhựa sơn đựng vào xô đạy nắp. 6 tháng sau mở ra, lấy sơn bên trên cho thợ đánh sơn, dưới đáy là sơn xấu, dùng tạo vóc - nền tranh. Vàng ta, bạc, vỏ trứng, hay dùng để dát lên tranh. Sơn then là nhựa sơn trộn bột sắt sẽ đổi từ màu cánh gián sang đen, các màu khác thì do trộn bột đá các màu HS muốn.

Để thành tranh sơn mài phải qua khâu “mài”. Sáng tạo sơn mài mất thời gian, nặng nhọc, vẽ “bay” rất khó. Tôi hãnh diện làm được rất nhuyễn và tự nhiên (cười).

* Nghe nói tranh của chị đã có khách hàng lớn như bà Hillary Clinton?

- Năm 2000, tôi và 9 HS bày tranh tại khách sạn Daewoo đón chào vợ chồng Tổng thống Mỹ theo lời mời của khách sạn này. Bà Hillary Clinton xem tranh và chọn duy nhất bức sơn mài 1 x1,2m của tôi. Tôi trân trọng những người mua tranh biết thưởng thức.

* Vừa rồi, chị đã làm một cuốn sách tuyển chọn 99 bức tranh của mình trong 5 năm qua để tặng TP. Hà Nội?

- 99 bức tranh ư? Giờ nhờ bạn đếm hộ, tôi mới biết con số “đẹp” này và nó cũng trùng với số nhà của tôi. Tôi bỏ tiền túi 200 triệu in - món quà tặng HN. Âm thầm thôi. Sách gửi nước ngoài khá nhiều, trong nước ai nhớ đến “đòi”, tôi tặng. Tôi không tổ chức ra mắt sách hay làm gì ồn ào, đến giờ sách vẫn còn nhiều.


Tranh sơn mài của Bùi Mai Hiên

* Ở serie tranh giai đoạn trước, người ta thấy chị nhiều mảng miếng góc cạnh và bão tố, màu nóng. Lần này khác hẳn. Chị chú tâm đến sự khác lạ?

- Đã làm nhiều triển lãm trong và ngoài nước, nay tôi không có nhu cầu làm triển lãm hay ra sách vì sợ bị... quên. Là mình, nhưng phải riêng, không giống ai, không lặp lại, đạt độ tìm tòi mới công bố. 5 năm qua, tôi đã vẽ kỹ, đi vào chất lượng. Tôi tin tranh mình toát được sự sang trọng của sơn mài bằng kỹ thuật riêng từ lao động chân tay tới tư duy thể hiện. Có hồn mà không có kỹ thuật, không thể đi xa. Kỹ thuật phải truyền cảm được, là điều khó nhất.

* Chị luôn giữ được sự tự chủ, điềm tĩnh và đã viết “Nghệ thuật lấp đầy khoảng trống, nghệ thuật mang tôi ra khỏi khổ đau của đời mình”. Hội họa hay tình yêu giữ thăng bằng cho tinh thần chị?

- Hội họa. Tôi có bản lĩnh dương nữ, ít yếu đuối, buồn quá cũng không hoảng loạn. Không lệ thuộc ái tình hay một người nào đó, nhiều lúc bất cần sự trông cậy bấu víu an ủi, dựa vào chính mình. Không hy vọng quá sẽ không thất vọng quá. Ở vựng tập trước, phần Hà Nội và cơn dông, tôi đang ở giai đoạn có đổ vỡ, mất mát. Tôi bị huyết áp cao, phải tự chế ngự. Mặt khác, vẽ tranh cần biết trầm, tập trung, bình thản và yên tĩnh, đó cũng là vì chính mình.

* Trên đàn piano Yamaha đang để sách nhạc ở trong Methode Rose, chị đang tập bản này? Học đàn ở tuổi 53 là điều ít thấy.

- Tôi học đàn để giảm sự đãng trí và bồi bổ tâm hồn. Học nửa năm nay, tôi chịu khó nghe nhạc, buổi diễn Đặng Thái Sơn thật tuyệt.

Mỗi tuần, cô giáo đến nhà dạy tôi cả ngày thứ Năm. Giờ tôi có thể ký, xướng âm, đánh bài phổ biến như mừng Noel, sinh nhật. Tôi cũng đã chơi được Dư âm (Nguyễn Văn Tý), Làng tôi (Văn Cao). Tôi không học đàn để chứng tỏ khả năng và chẳng muốn khoe. Song tôi vui vì “xóa nạn mù chữ piano” cho mình.

* Xin cảm ơn chị! 

Vi Thùy Linh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm