Frank Gehry: Một "Picasso của kiến trúc"

06/06/2012 07:03 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Kiến trúc sư người Mỹ gốc Canada Frank Gehry được xem là một thần tượng của kiến trúc hiện đại. Ông là 1 trong 4 kiến trúc sư, cùng với Zaha Hadid của Anh, Jean Nouvel (Pháp) và Moshe Safdie (Canada), lọt vào vòng chung kết cuộc thi thiết kế Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia Trung Quốc – công trình sẽ tọa lạc ở khu vực giữa sân vận động Tổ chim và Hội trường Khoa học & Công nghệ Trung Quốc. 

Các công trình nổi tiếng nhất của Gehry có Bảo tàng Guggenheim ở Bilbao, công trình đã biến thành phố nhỏ và vô danh ở Tây Ban Nha thành điểm du lịch nổi tiếng thế giới; Trung tâm Stada MIT ở Cambridge, Massachusetts và Thính phòng Hòa nhạc Walt Disney ở trung tâm Los Angeles.


Frank Gehry

* Không theo một quy ước nào

Gehry (SN 1929) được tạp chí Vanity Fair bình chọn là “kiến trúc sư quan trọng nhất của thời đại” và theo kết quả cuộc thăm dò kiến trúc thế giới năm 2010, các thiết kế của ông được đánh giá là “những tác phẩm kiến trúc đương đại quan trọng nhất”.

Đôi khi Gehry gây tranh cãi với những bản thiết kế của mình. Ông được mệnh danh là “Picasso của kiến trúc” với tính can đảm và cách sử dụng các chất liệu không theo một quy ước nào.

Tuy nhiên, yếu tố gây sốc không phải là mục đích chính trong các bản thiết kế của ông. Mới đây, khi được tờ phóng viên tờ Nanfang Weekly hỏi, ông cảm thấy điều gì là khó khăn nhất khi tham gia dự án thiết kế Bảo tàng Nghệ thuật Trung Quốc, Gehry trả lời: “Tôi luôn cho rằng một bản thiết kế có thể cùng lúc phản ánh được ý tưởng của khách hàng và của người thiết kế còn quan trọng hơn cả sự tác động về thị giác. Trong quá trình chỉnh sửa bản thiết kế, tôi hoan nghênh những yêu cầu và những gợi ý mang tính đặc trưng hơn, luôn hướng tới một sự nhất trí chung. Mỗi tác phẩm tôi thiết kế đều rất độc đáo nhờ có sự phối hợp với khách hàng”.

Đây có thể là một trải nghiệm khác hẳn với những gì mà các nhà quan sát ở Bắc Kinh đã thấy trong vài năm trở lại đây. Người dân ở thành phố này đã chứng kiến nhiều công trình cấp tiến và ngoạn mục mọc lên ở Bắc Kinh, một số trong đó là tác phẩm của các kiến trúc sư phương Tây nổi tiếng, như Paul Andreu, tác giả công trình Nhà hát Quốc gia; Jacques Herzog và Pierre de Meuron với công trình Sân vận động Quốc gia Bắc Kinh – vẫn nổi tiếng với tên gọi sân vận động Tổ chim – và Rem Koolhaas, tác giả tòa nhà mới của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc.

Nhiều người mong muốn được thấy Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia tiếp tục là một công trình ngoạn mục nữa nổi lên ở Bắc Kinh. Nhưng những người quan tâm tới truyền thống lại đang lo lắng không biết các nhà thiết kế lọt vào vòng chung kết, trong đó có Gehry, hiểu được bao nhiêu về Trung Quốc và văn hóa Trung Hoa.



Bảo tàng Guggenheim ở Bilbao, công trình đã biến thành phố nhỏ và vô danh ở Tây Ban Nha thành điểm du lịch nổi tiếng thế giới.

* Đưa một khái niệm mới vào bảo tàng nghệ thuật

Gehry từng được biết đến ở Trung Quốc với dự án nhà ở Trung Quốc mang tên “Opus Hong Kong”. Giờ tuy đã 83 tuổi, nhưng ông đã bỏ nhiều công sức nghiên cứu về Trung Quốc và Bắc Kinh cho dự án bảo tàng mới. Trong khi ông chỉ mất 30 ngày để vẽ thiết kế Bảo tàng Guggenheim, thì lần này ông đã dành gần 1 năm và nhiều lần tới Bắc Kinh.

Với bản thiết kế Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia Trung Quốc, Gehry cố gắng thể hiện cả tính nghệ thuật và tính thực tiễn. Gehry đang nỗ lực để hiểu và tiếp thu được các yếu tố văn hóa trong kiến trúc truyền thống Trung Hoa, để có thể đưa được một khái niệm mới vào bảo tàng nghệ thuật này.

“Tạo một chỗ thoải mái để khách tham quan đứng xếp hàng mua vé vào cửa là rất quan trọng. Điều đó có nghĩa rằng họ sẽ không phải đợi trong cái gió rét của mùa Đông hay thời tiết nóng nực oi bức của mùa Hè. Trong quá trình thiết kế, tôi sẽ làm việc với một chuyên gia về năng lượng xanh và sử dụng các công nghệ xanh để điều chỉnh nhiệt độ trong phòng” – Gehry cho biết.

Bảo Nguyên(lược dịch)


 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm