Văn hóa đọc: Không 'sốt ruột' với tương lai của tiểu thuyết

06/05/2023 08:21 GMT+7 | Văn hoá

"Trong thời gian gần đây, đứng trước những vấn đề của thời đại, những tác phẩm phản biện lớn đã dần chững lại và thưa vắng?" - nhà văn Phùng Văn Khai đặt vấn đề tại lễ phát động cuộc thi sáng tác tiểu thuyết Thời báo Văn học Nghệ thuật lần thứ nhất giai đoạn 2023 - 2025, được tổ chức vừa qua ở Hà Nội.

Theo ông Khai, có một thời hiện thực của xã hội đã được phản ánh rất kịp thời thông qua tiểu thuyết, phim. Như nhà văn Lê Lựu từng có 4 cuốn tiểu thuyết mang tính phản biện xã hội rất cao. Đó là Thời xa vắng, Sóng ở đáy sông, Chuyện làng CuộiHai nhà. Tiểu thuyết của ông lập tức ùa vào phim, gây tiếng vang lớn và có ảnh hưởng xã hội nhất định.

Hay như nhà thơ Hữu Thỉnh có một thời vào chiến trường giống như một hành giả thấy giặc là đánh, thấy thơ là viết. Ông có những câu thơ nổi tiếng: "Không có sách chúng tôi làm ra sách/ Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình". Các thế hệ nhà văn tiền bối đâu có tiếc gì, đâu có ngần ngại gì? Trong khi đất nước hôm nay cũng đang rất cần một thời văn học như thế, ở đó có sự nhập cuộc của tiểu thuyết.

Văn hóa đọc: Không 'sốt ruột' với tương lai của tiểu thuyết - Ảnh 1.

Lễ phát động cuộc thi sáng tác tiểu thuyết Thời báo Văn học Nghệ thuật lần thứ nhất giai đoạn 2023 – 2025. Ảnh: BTC

Muốn có một nền tiểu thuyết vạm vỡ thì phải chờ

Chia sẻ với Thể thao và Văn hóa, nhà phê bình Bùi Việt Thắng cho rằng, tình hình sáng tác tiểu thuyết phát triển không thường xuyên và có cao trào. Đó là đặc điểm của thể loại. Bởi, nhà văn viết tiểu thuyết phải chuẩn bị lực lượng, trong khi truyện ngắn, bút ký, tản văn có thể viết thường hằng. Để viết tiểu thuyết, có những người phải chuẩn bị hàng chục năm và khi cầm bút viết phải mất vài ba năm.

Ông Thắng dẫn chứng: "Văn học Việt Nam sau 1975, vào những năm 1990 là một cao trào của tiểu thuyết khi Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991 trao cho Thân phận của tình yêu (Bảo Ninh), Bến không chồng (Dương Hướng), Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn Khắc Trường). Cao trào tiếp theo của tiểu thuyết có thể kể đến thời điểm vào đầu những năm 2000 khi Hội Nhà văn bắt đầu phát động cuộc thi tiểu thuyết lần thứ nhất giai đoạn 1998-2000 với tác phẩm đoạt giải Hồ Quý Ly của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh.

Từ đây, theo nhà phê bình Bùi Việt Thắng, đối với tiểu thuyết, độ phát triển thường phải tính bằng đơn vị 10 năm. Nhưng sau 10 năm, một thế hệ nhà văn đã già đi, nên "tiền đồ" của tiểu thuyết cần đòi hỏi ở các nhà văn trẻ.

Văn hóa đọc: Không 'sốt ruột' với tương lai của tiểu thuyết - Ảnh 2.

Nhà văn, nhà phê bình Bùi Việt Thắng, thành viên Ban giám khảo cuộc thi. Ảnh: BTC

"Hiện nay, nếu muốn có một nền tiểu thuyết vạm vỡ thì chúng ta phải chờ, phải đón và phải tạo điều kiện cho những nhà văn thế hệ 7X, 8X. Họ là những nhà văn trẻ có lợi thế về ngoại ngữ, máy móc, tin học, mạng xã hội. Nhưng họ lại thiếu vốn sống của các thế hệ trước, trong khi viết tiểu thuyết cần phải có vốn sống đầy đặn, khác với những thể loại viết ngắn. Vậy nếu chúng ta chờ đón thế hệ 7X, 8X có nghĩa là chúng ta chờ đón tương lai của tiểu thuyết" - ông Thắng nói.

"Với nghệ thuật, đơn vị 10 năm chưa là gì, thậm chí phải tính bằng đơn vị 100 năm. Vậy nên chúng ta phải chờ đợi, không nên sốt ruột. Kinh tế có thể năm sau hơn năm trước về tăng trưởng, hay 5 năm sau kinh tế khác hẳn 5 năm trước. Nhưng đối với nghệ thuật thì 5 năm, 10 năm vẫn có thể chưa có gì".

Ông kể tiếp: "Sinh thời nhà văn Tô Hoài từng nói với tôi rằng: "Bác viết, bác không nghĩ tác phẩm của bác sẽ trở thành đỉnh cao hay để cho toàn thế giới đọc". Nhưng thực tế thì Dế Mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài đã trở thành tác phẩm nổi tiếng toàn thế giới".

"Có không ít nhà văn hiện nay trước khi đặt bút viết thường nghĩ rằng tác phẩm của mình sẽ đỉnh cao, sẽ đi ra thế giới. Suy nghĩ này không nên có" - ông bày tỏ - "Thay vào đó nhà văn hãy cứ viết. Vì lao động nghệ thuật đòi hỏi sự căn cơ, lâu dài và phải có tinh thần tuẫn tiết, hy sinh. Như hiện nay những nhà văn thuộc thế hệ 7X, 8X tuy rất thông minh, giỏi giang ở nhiều khía cạnh nhưng đôi khi về tinh thần tuẫn tiết, hi sinh trong văn chương chưa cao bằng thế hệ các nhà văn tiền nhân".

"Tiểu thuyết là một thể loại có vị trí đặc biệt trong mỗi nền văn học. Ở nước Nga, có 5 nhà thơ, nhà văn được trao giải Nobel thì có đến 3 người viết tiểu thuyết. Ở Việt Nam trong suốt hành trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc gần 80 năm qua, với sự cống hiến của nhiều thế hệ các nhà văn, chúng ta đã đọc và làm theo, chúng ta đã sống, nuôi dưỡng tâm hồn và trưởng thành từ các tác phẩm tiểu thuyết của các bậc nhà văn tiền bối", nhà văn Hoàng Dự, Trưởng BTC Cuộc thi.

Cuộc vượt vũ môn của các nhà văn

Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1998 đến năm 2019 đã thành công tổ chức 5 cuộc thi tiểu thuyết. 5 cuộc thi này đã thu hút khoảng 1.000 tác phẩm, trong đó 70 % đã được in sách và 30 % là bản thảo hoàn chỉnh. Điều này chứng tỏ, tiểu thuyết là "cỗ máy cái", là rường cột đối với văn học hiện nay.

Thực tế, một nền văn học lớn phải thể hiện qua tiểu thuyết. Ví dụ khi nói đến văn học Trung Quốc, ngoài thơ Đường, phải nhắc tới những tiểu thuyết lớn như Tam quốc diễn nghĩa, Thủy hử, Tây du ký, Hồng lâu mộng, v.v… Tương tự với các nền văn học lớn khác như Pháp, Nga v.v… cũng có những tác phẩm tiểu thuyết đại diện như thế.

Văn hóa đọc: Không 'sốt ruột' với tương lai của tiểu thuyết - Ảnh 4.

Thượng tá, nhà văn Phùng Văn Khai, Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội tại lễ phát động cuộc thi. Ảnh: BTC

Các cuộc thi tiểu thuyết đã trở thành cơ hội để nâng tầm nền văn học chung của chúng ta.  Tuy nhiên, viết tiểu thuyết hiện nay đối với nhà văn là một cuộc vượt vũ môn.

"Nhà văn cần phải có nhãn quan rất rộng và có một vốn sống rất lớn. Đó là một cuộc chuyển đổi công năng, tiềm năng và khả năng" - nhà phê bình Bùi Việt Thắng nhấn mạnh - "Nếu không đủ sức thì đừng viết tiểu thuyết. Bởi vì tiểu thuyết là một bức tranh đời sống toàn diện và lịch sử nhiều khi được ánh xạ trong tiểu thuyết. Như đọc Hoàng Lê nhất thống chí sẽ biết chế độ phong kiến Việt Nam ở thời kỳ suy tàn diễn ra như thế nào".

Trong chiến tranh người ta nói ra ngõ gặp anh hùng, còn bây giờ ra ngõ gặp tiểu thuyết. Hay, nói như nhà văn Nguyễn Huy Thiệp lúc sinh thời, thì đây là "thời của tiểu thuyết". Vậy, nhà văn nên viết gì để có tác phẩm tiểu thuyết tốt giữa một thời kỳ được cho là ngồn ngộn những đề tài lớn, những cảm hứng lớn?

"Trong cuộc sống, cái tốt và cái xấu, ánh sáng và bóng tối, được và mất đan xen nhau. Vậy nên cái gì mà người viết am hiểu nhất thì cứ viết. Không câu nệ rằng nên viết cái xấu hay viết cái tốt, viết về bóng-sáng hay ánh-tối. Hễ cái gì am tường nhất thì viết" - ông Thắng chia sẻ - "Nếu viết hay về cái xấu thì sẽ gợi lên khát vọng phải tiêu diệt nó. Còn viết không hay dù có viết về cái tốt cũng không ai học tập, bởi viết toàn cái tốt cũng nhạt nhẽo. Vấn đề ở đây là tài năng. Tóm lại, hiện nay chúng ta đang chờ những tài năng và tài năng thì như lá mùa Thu vậy".

Văn hóa đọc: Không 'sốt ruột' với tương lai của tiểu thuyết - Ảnh 6.

Nhà văn, nhà báo Hoàng Dự, Tổng Biên tập Thời báo Văn học nghệ thuật, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi. Ảnh: BTC

Trở lại với cuộc thi sáng tác tiểu thuyết Thời báo Văn học Nghệ thuật 2023-2025, tại lễ phát động, nhà văn Hoàng Dự, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi cũng cho rằng: "Tiếp tục phản ánh chân thực và sinh động công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, khắc họa hình tượng con người Việt Nam, nhất là công nhân, nông dân, lực lượng vũ trang, trí thức, doanh nhân góp phần xây dựng hình tượng và hệ giá trị con người Việt Nam trong thời kỳ mới, v.v… là những đề tài rất nóng hổi mà nhà văn cần có tác phẩm để đáp ứng yêu cầu và sự mong mỏi của nhân dân, đóng góp cho nền văn học nước nhà" - ông Dự nhấn mạnh.

Hay nói như PGS-TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, cuộc thi như một tiếng kèn lệnh trước một thời cơ mới, vận hội mới và cũng là niềm cảm hứng mới cho văn nghệ sĩ khi đất nước đang bước vào giai đoạn mới. Để sau cuộc thi sẽ trình làng những tiểu thuyết chất lượng, cũng như sàng lọc và giới thiệu được những tên tuổi nhà văn tiêu biểu cho một tương lai xán lạn của tiểu thuyết Việt Nam.

Văn hóa đọc: Không 'sốt ruột' với tương lai của tiểu thuyết - Ảnh 7.

PGS-TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tại lễ phát động cuộc thi. Ảnh: BTC

Tổng giá trị giải thưởng lên đến 270 triệu VNĐ

Cơ cấu giải thưởng dự kiến bao gồm: 1 giải Nhất (50 triệu VNĐ), 2 giải Nhì (40 triệu VNĐ/ mỗi giải), 3 giải Ba (30 triệu VNĐ/ mỗi giải), 5 giải Khuyến khích (10 triệu VNĐ/ mỗi giải). Thời hạn nhận tác phẩm dự thi từ 28/4/2023 – 1/3/2025. Thời gian công bố giải thưởng cuộc thi dự kiến vào ngày 28 tháng 4 năm 2025.

Công Bắc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm