V-League trong mắt HLV Troussier

04/03/2024 08:12 GMT+7 | Bóng đá Việt

Sự quan tâm đặc biệt mà ông Philippe Troussier dành cho V-League hứa hẹn mở ra một thời kỳ mới mẻ trong mối quan hệ giữa giải quốc nội với các đội tuyển quốc gia.

Cuộc họp giữa HLV Troussier cùng lãnh đạo Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) ít ngày trước đã đi tới một quyết định quan trọng: Đội tuyển Việt Nam từ nay sẽ chỉ tập trung khoảng một tuần trước mỗi kỳ FIFA Days, tránh gây ảnh hưởng tới lịch trình của các CLB đồng thời tạo cơ hội cho cầu thủ được thi đấu thường xuyên. Đề xuất này được chính HLV trưởng Troussier chia sẻ với VFF. Ông tin rằng quỹ thời gian này vừa đủ để đảm bảo công tác chuyên môn của đội tuyển, vừa đảm bảo lợi ích của các CLB và lợi ích của giải đấu.

Chi tiết nhỏ ấy trong cuộc họp có thể chấm dứt mâu thuẫn kéo dài thời gian qua giữa đội tuyển, U23 và hệ thống giải quốc nội.

Lấy mùa giải 2023/24 (trong thời gian một năm) làm ví dụ, V-League có 9 lần bị ngắt quãng do các đợt tập trung của đội tuyển quốc gia và U23 Việt Nam. Đợt nghỉ ngắn nhất dài 8 ngày, đợt dài nhất là 48 ngày (Asian Cup và Tết Âm lịch). Nói như nhiều người, lịch hoạt động của V-League bị xé lẻ để phục vụ đội tuyển quốc gia.

Hiện trạng này là kết quả kế thừa của lịch sử khi những năm trước, việc đào tạo ở cấp CLB chưa được chú trọng, buộc các HLV đội tuyển phải dành nhiều thời gian hướng dẫn lại cầu thủ ở cấp đội tuyển. Nhưng khi V-League xuất hiện và các doanh nghiệp từng bước nhảy vào bóng đá, việc V-League thường phải nhường nhịn đội tuyển quốc gia đã tạo thành vấn đề. Các CLB đã nhiều lần thể hiện sự bức xúc và phản ứng ở các mức độ khác nhau.

V-League trong mắt HLV Troussier - Ảnh 1.

HLV Troussier theo dõi trận CAHN-Hà Tĩnh ở vòng 12 V-League 2023/24 từ khán đài sân Hàng Đẫy tối ngày 3/3. Ảnh: Hoàng Linh

Đến thời HLV Park Hang Seo, khi bóng đá cấp đội tuyển thăng hoa, ưu tiên dành cho U23 và đội tuyển càng lớn hơn. Ông thầy người Hàn cũng có tiếng là người thích những đợt tập trung dài với đội tuyển quốc gia, dù có thể không quá quan trọng.

Với các CLB, việc V-League không được diễn ra liền mạch là nguyên nhân cho vô số vấn đề. Thứ nhất là tài chính. Họ vẫn phải trả lương cho cầu thủ (đặc biệt là ngoại binh), vẫn phải duy trì ngân sách hoạt động trong thời gian dài dù giải đấu tạm ngừng lại.

Thứ hai là chất lượng, việc V-League nghỉ dài khiến các CLB và cầu thủ không duy trì được phong độ cao, họ thường mất thời gian lấy lại cảm hứng sau những đợt nghỉ kéo dài bằng cả giai đoạn tiền mùa giải ở nhiều nước khác. Thứ ba, việc giải đấu liên tục bị ngắt quãng cũng khiến người hâm mộ và đặc biệt là nhà tài trợ kém mặn mà hơn với V-League.

Đề xuất của ông Troussier vì thế có thể mở ra một trang hoàn toàn mới. Với bản thân U23 và đội tuyển quốc gia, việc V-League diễn ra liền mạch cũng không phải điều tồi tệ.

Xét cho cùng, thi đấu thực chiến vẫn là cách tốt nhất để cầu thủ duy trì phong độ. Tính cạnh tranh của V-League có lẽ vẫn giá trị hơn nhiều các buổi tập chay ở đội tuyển.

Tầm nhìn của ông Troussier vì thế là hoàn toàn phù họp với xu hướng hiện tại của bóng đá Việt Nam. Đó cũng là xu hướng đã có từ lâu với thế giới và cũng nổi lên ở Đông Nam Á vài năm qua.

Chúng ta đã quá quen với chuyện các CLB Thái Lan hay Indonesia từ chối cho cầu thủ lên đội tuyển. Với họ, quyền lợi của giải quốc nội là riêng biệt và không thể xâm phạm. Đó là phần nào lý do Thai League 1 vươn mình trở thành một trong những giải quốc nội hàng đầu thế giới.

CLB mạnh thì đội tuyển quốc gia mới mạnh, gốc rễ có vững thì ngọn cây mới vươn cao.


Thanh Hà

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm