V-League nhìn từ thương vụ HLV Polking: Nghịch lý hay vận hội?

21/04/2023 06:18 GMT+7 | Bóng đá Việt

Có tin cho biết HLV đương nhiệm của Thái Lan là Mano Polking sẵn sàng đền bù hợp đồng với Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT) để đến cầm quân tại đội Công an Hà Nội. Mặc dù cuối cùng HLV Polking đã quyết định ở lại đội tuyển Thái Lan sau cuộc họp chiều qua (20/4) với lãnh đạo FAT, song điều này cũng cho thấy sức hút của V-League là không thể bàn cãi.

1. Thật ra V-League chưa bao giờ là giải vô địch quốc gia kém cả. Tùy vào góc nhìn của CĐV, thì V-League có thể xấu xí, còn nhiều "sạn", chưa được chuyên nghiệp nhưng xét đơn thuần về chuyên môn, đây là một giải đấu có tính cạnh tranh cao, được đầu tư tốt và có nhiều dư địa phát triển, bởi nói một cách công bằng, Việt Nam là quốc gia yêu bóng đá, có nhiều địa phương truyền thống chơi đỉnh cao vài chục năm.

Trong số 12 đội bóng có mặt ở V-League 2003, thì sau 20 năm vẫn còn đến 6 đội đang đá ở mùa giải năm nay dù vài đội cũng đã lên xuống hạng. Cũng trong 20 năm qua, có tổng cộng 33 đội khác nhau từng góp mặt ở V-League, một con số chắc chắn là không nhỏ nếu chúng ta biết mức đầu tư cho đội chuyên nghiệp ở Việt Nam rất lớn, hầu như chỉ lỗ ròng trong bài toán kinh doanh.

Một giải vô địch quốc gia không thể gọi là kém chất lượng khi đóng góp cho đội tuyển quốc gia 2 lứa cầu thủ đã từng tạo ra được những tiếng vang châu lục ở Asian Cup 2007 hay Asian Cup 2019. Càng về sau, bóng đá Việt Nam càng có thành tích tốt ở cấp châu lục, hiện đang nằm trong khoảng thứ hạng 15-20 của châu Á.

Nói cách khác, trình độ của V-League đang được nâng cao, và điều đó thu hút khá nhiều HLV giỏi đến từ các nền bóng đá lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Bồ Đào Nha hay Đức.

Chính Mano Polking là một ví dụ rất thú vị. Ông không thành công được ở V-League dù đã làm rất tốt việc của mình tại Thái Lan ở cả cấp độ CLB lẫn đội tuyển. Một so sánh vui: Như vậy thì V-League khắc nghiệt hơn, cạnh tranh cao hơn cả bóng đá Thái.

Phải chăng vì thế mà Polking có ý muốn quay lại để chấp nhận thách thức lớn hơn việc chỉ làm mỗi năm vài trận trên cương vị HLV đội tuyển Thái Lan? Bên cạnh đó, V-League chắc chắn trả lương không hề thấp thì mới thuyết phục được một người làm nghề như Polking. Xét 2 yếu tố, rõ ràng là V-League không  kém.

2. Nhưng thế thì mới gọi là nghịch lý. Giải bóng đá số 1 nội địa  của chúng ta dường như cứ đứng im, không nhúc nhích gì cả, chỉ đợi một vận hội nào đến, thế thôi. Lấy câu chuyện về việc thiếu sân chơi cho cầu thủ trẻ tại V-League thì thấy.

20 năm trước, chúng ta đã nói nhiều về chuyện này, rồi sau đó phải "cắn răng" siết số lượng ngoại binh nhằm tạo thêm ít nhất một chỗ cho cầu thủ trẻ trên sân mặc dù điều này đi ngược với xu thế chung cũng như làm hạn chế không ít sự phát triển của bóng đá chuyên nghiệp. Thực tế thì thời điểm mà bóng đá Việt Nam có lứa cầu thủ trẻ tốt nhất cũng là lúc mà V-League không còn siết ngoại binh.

Câu chuyện thể thao: Nghịch lý hay vận hội? - Ảnh 1.

HLV Polking xuất hiện trên sân Hàng Đẫy để theo dõi trận Hà Nội-CAHN tại Night Wolf V-League 2023 diễn ra vào ngày 9/2/2023. Ảnh: Hoàng Linh

Việc tìm đất cho cầu thủ trẻ hiện nay không khác gì 20 năm trước, chỉ là một phương pháp mang tính thủ công, khó giải quyết được việc gì. Nhưng nó lại đang là đề tài nóng, bởi cũng như 20 năm trước, chúng ta tiếp tục "có vấn đề" với SEA Games khi mà mục tiêu HCV tưởng là chuyện có thể xem nhẹ thì nay lại tạo ra áp lực.

Hãy hình dung xem, nếu bóng đá Việt Nan phát triển, nếu V-League được mở rộng đến 16-18 đội, nếu các CLB của Việt Nam thành công hơn khi đá các giải châu lục thì thì chắc chẳng ai quan tâm đến chiếc HCV SEA Games nữa, bởi khi đó người hâm mộ đâu có thiếu những mối quan tâm hấp dẫn hơn.

Nghịch lý là ở chỗ đó. Một người như Mano Polking sẵn sàng bỏ việc ở đội tuyển Thái Lan để sang chinh phục V-League, còn mối quan tâm của chúng ta dành cho cầu thủ trẻ, cho SEA Games lại quá nhiều, nhiều hơn cả những gì vốn có. Thay vì phải có một chiến lược thúc đẩy tính quốc tế của V-League, thì lại phải bàn về câu chuyện cũ: Làm sao để đưa cầu thủ U22 ra sân?!

3. Việc Campuchia thông qua quyền chủ nhà của mình để đưa môn bóng đá ở SEA Games về đúng độ tuổi U22 là lời nhắc nhở khéo léo. Nền bóng đá nước này không mạnh, nếu cứ giữ nguyên kiểu U22+3 quá tuổi thì cơ hội để làm được cái gì đó trên sân vận động quốc gia hoành tráng mới xây dựng chắc là không thể với bóng đá Campuchia.

Giữ nguyên quy định U22, cũng là một cách cho thấy Campuchia hiểu rằng các quốc gia có nền bóng đá mạnh ở Đông Nam Á "chắc là không quan tâm lắm, không đưa đội mạnh nhất đến SEA Games". Nói cách khác, hiểu theo nghĩa thông thường, thì tầm tuổi này thắng thì tốt, không vô địch cũng chẳng phải thảm họa.

Xem bóng đá ở SEA Games 32 theo cách này sẽ thú vị hơn rất nhiều. Về mặt tính chất, SEA Games sẽ có tính quyết liệt cao hơn các giải vô địch U23 của Đông Nam Á tổ chức hằng năm vì đó là chiếc HCV khá quan trọng của Đại hội và có thể tập hợp được các cầu thủ trẻ tốt nhất khu vực.

Kế đến, sau 2 chiếc HCV liên tiếp của Việt Nam, thì Thái Lan hay Indonesia cũng sẽ muốn chiến thắng tại SEA Games lần này, chưa kể tham vọng của đội chủ nhà muốn làm điều mà Lào từng làm năm 2009. Cuối cùng, đây là sân chơi U22, tính bất ngờ khá lớn.

Với HLV Philippe Troussier, nếu không tự nhận nhiều áp lực cho bản thân, thì đây là giải đấu lớn đầu tiên, có mục tiêu mang tính thành quả cụ thể, mà ông làm việc cùng bóng đá Việt Nam. Cái cách mà ông Troussier giải tỏa sức ép cho các cầu thủ của mình, tạo ra được một phong thái chơi bóng mới ở sân chơi mà U22 Việt Nam được đánh giá là "chiếu trên" sẽ cho giới quan sát lẫn CĐV có cái nhìn rõ nét hơn về tầm nhìn và cách xử lý khó khăn của nhà cầm quân người Pháp từng giúp bóng đá Nhật Bản mở ra kỷ nguyên mới.

Lý do là bởi câu chuyện về U22, về HLV Troussier ít nhiều cũng sẽ là một thứ xung lực cho V-League vốn đang trong trạng thái tiến không tiến – lùi chẳng lùi dù có rất nhiều tiềm năng. 5 năm trước, cũng từ lứa U23  mà HLV Park Hang Seo đã giúp cho V-League có những mùa giải sôi động, tràn ngập khán giả. Vận hội ngày đó đã bị bỏ lỡ, nay hi vọng sẽ trở lại từ SEA Games 32 chăng? 

HLV Polking quyết định tiếp tục dẫn dắt đội tuyển Thái Lan

Chiều qua (20/4), sau cuộc họp kéo dài gần 3 tiếng với ông Somyot Poompanmoun, Chủ tịch FAT, HLV Polking đã quyết định tiếp tục ở lại Thái Lan tới hết năm 2023 để hoàn thành hợp đồng hiện tại với FAT, thay vì chuyển sang V-League. Trước khi diễn ra cuộc họp này, HLV Polking gần như đã đạt được thỏa thuận để sang V-League dẫn dắt một đội bóng rất giàu tham vọng. Ông Polking thậm chí còn đã chuẩn bị đem theo 2 trợ lý thân thiết để bắt đầu công việc một lần nữa tại V-League, nơi ông từng không thành công với việc huấn luyện CLB TP.HCM ở V-League 2021. Hiện tại chưa rõ ông Polking có được FAT gia hạn hợp đồng để làm HLV trưởng đội tuyển Thái Lan tại VCK Asian Cup 2023 hay không, vì giải đấu này được dời sang tháng 1/2024 mới tổ chức, là thời điểm mà giao kèo giữa ông Polking với FAT đã hết hạn.


Long Khang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm