V-League 2014 và những điều trông thấy

09/08/2014 13:09 GMT+7 | V-League

(Thethaovanhoa.vn) - Chỉ còn 8 trận đấu nữa, bao gồm 6 trận đấu thuộc vòng 22 V-League 2014, trận play-off giữa HV.An Giang với XSKT.Cần Thơ và trận chung kết Cúp QG giữa Hải Phòng và B.Bình Dương, mùa bóng 2014 sẽ chính thức khép lại.

Trong lịch sử 14 năm của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, có lẽ đây là mùa bóng có nhiều biến cố dữ dội nhất, và ngay cả mùa giải 2005 với vụ tiêu cực trọng tài cũng không được xem là có nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn mùa bóng năm nay.

Nói thế là bởi vụ tiêu cực trọng tài ở mùa bóng 2005 chỉ được phanh phui sau khi mùa giải kết thúc, còn năm nay, khi V-League 2014 còn đang diễn ra mà đã có V.Ninh Bình phải chia tay giải vì có quá nửa đội hình chính thức bị khởi tố vì dàn xếp tỷ số ở AFC Cup, và ngay trước khi giải kết thúc khoảng chừng 1 tháng, tới lượt Đồng Nai với 6 cầu thủ bị cơ quan điều tra tạm giam vì dàn xếp tỷ số ở V-League.

Đã có thời điểm tưởng như V-League 2014 phải bị hoãn lại, nhưng vì thời điểm khóa sổ mùa giải đã cận kề nên những nhà tổ chức đã làm hết sức để đưa được giải về tới đích, dù rằng kịch bản hoãn giải hoặc thậm chí xấu nhất là hủy bỏ kết quả thi đấu của giải cũng đã được tính tới nếu tình thế bắt buộc phải như vậy.

Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà khi đánh giá về mùa giải 2014, TGĐ VPF Phạm Ngọc Viễn chỉ dè dặt nói rằng: “Giải đã cán đích an toàn, mặc dù không thể nói là thành công trọn vẹn nhưng đã đạt được một số kết quả nhất định”.

Trong bối cảnh như vậy, việc B.Bình Dương phá vỡ thế độc tôn của Hà Nội.T&T và SHB.Đà Nẵng để đoạt chức vô địch V-League 2014 được xem là kết quả hợp lý với BTC, bởi nếu mùa này qua mùa khác, cuộc đua vô địch vẫn cứ là chuyện nội bộ của 2 đội bóng thuộc “gia đình T&T” thì V-League cũng bớt phần cạnh tranh hơn rất nhiều.

V-League bây giờ cần thêm nhiều đội bóng được những doanh nghiệp mạnh về năng lực tài chính hậu thuẫn như B.Bình Dương, bởi bức tranh chung của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam vẫn khá ảm đạm, và nguy cơ mùa bóng 2015 không có đủ đội bóng chuyên nghiệp thi đấu vẫn cứ treo lơ lửng trên đầu BTC.

Tất nhiên, cách làm bóng đá theo kiểu dùng tiền sắm sao như B.Bình Dương không phải là phương pháp phát triển có tính bền vững ổn định, nhưng đấy là xu hướng khó đảo ngược của bóng đá nói chung, vì ngay cả những nền bóng đá tiên tiến trên thế giới như: Tây Ban Nha, Anh, Pháp hay Đức cũng có tình trạng như vậy với ví dụ là các CLB như: Real Madrid, Barcelona, Manchester City, Chelsea, PSG, Monaco hay Bayern Munich.

Có những CLB tung tiền mua sao thì mới có những CLB chấp nhận đào tạo cầu thủ để thay thế những ngôi sao đã ra đi, kiểu như trường hợp của SLNA, cứ vài năm lại chia tay một lứa cầu thủ nhưng đến nay họ vẫn là đội bóng duy nhất trong lịch sử V-League góp mặt ở tất cả các giải đấu chuyên nghiệp và chưa bao giờ phải nhận vé xuống hạng. Vì thế, TGĐ VPF Phạm Ngọc Viễn có lý để cho rằng mùa giải 2014 “mặc dù không thể nói là thành công trọn vẹn nhưng đã đạt được một số kết quả nhất định”.

Mai An
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm