U22 Việt Nam tiến một bước, nhưng...

04/05/2023 05:47 GMT+7 | SEA Games 32

Hai trận thắng trước những đối thủ bị xem là yếu nhất bảng chỉ nên xem là thầy trò HLV Troussier từng bước "hoàn thành nhiệm vụ" chứ đừng vội đánh giá về triển vọng của họ tại SEA Games 32. Thực tế thì các trận đấu thực sự vẫn còn ở phía trước, với những đối thủ cạnh tranh vé nhất, nhì bảng và rồi sau đó là vòng knock-out.

Nếu xem đây là một đội bóng hoàn toàn mới, với một HLV mới, thì trước hết cần phải ghi nhận sự tiến bộ ở trận đấu thứ 2 tại SEA Games 32 sau chiến thắng quá đỗi nhọc nhằn ở trận ra quân đá với U22 Lào. Ví von một chút, thì nếu trận đầu tiên chúng ta đá như đang chơi bóng với Thái Lan, vất vả kinh khủng, thì trận sau mọi thứ về đúng với vị trí của nó khi U22 Việt Nam lấy 3 điểm dễ dàng trước U22 Singapore.

Sự tiến bộ nằm ở khả năng duy trì cường độ kiểm soát bóng trong thời tiết khắc nghiệt ở Phnom Penh hiện nay. Dẫn trước 2-0 ngay trong hiệp 1 nhưng U22 giữ nguyên tốc độ và ham muốn ghi bàn ở hiệp hai. 

Về mặt thể lực, các cầu thủ U22 Việt Nam cho thấy họ đã được tích lũy khá ổn và đang đến dần với điểm rơi mà ông thầy người Pháp đã tính toán. Về chuyên môn, các cầu thủ tuân thủ đúng yêu cầu của HLV Troussier với quan điểm chơi không toan tính nhưng đã từng chơi suốt từ lúc nhà cầm quân này lên nắm quyền đến nay. Ông Troussier hiện đang chịu nhiều sức ép, nhưng sự kiên định của ông rất đáng ghi nhận.

Nhưng thực ra, các điểm tiến bộ đó không đáng kể. Về mặt tỷ số, dù ghi 3 bàn nhưng số lần bỏ lỡ cơ hội cũng chẳng khác gì trận đấu với U22 Lào. Với 17 cú sút, các cầu thủ U22 Việt Nam chỉ có 7 lần đưa bóng đi đúng hướng khung thành U22 Singapore. Phần lớn các pha sút bóng đều nằm bên ngoài vùng cấm địa và đi khá xa mục tiêu.

Trước một hàng phòng ngự số đông với ít nhất 8 cầu thủ thường xuyên có mặt, thì các phương án tấn công từ 2 biên của U22 Việt Nam lại gặp vấn đề lớn về kỹ năng tạt bóng. Không có một pha tạt bóng tạo ra tình huống nguy hiểm nào, thường sẽ bị chặn đứng ngay từ ngoài vùng cấm bởi một cầu thủ Singapore có thể hình tốt.

Nhìn chung, bài vở tấn công của U22 Việt Nam không nhiều cho dù các thông số về kiểm soát bóng hay những đường chuyền phối hợp chính xác hoàn toàn vượt trội so với đối thủ.

Bảng B, U22 Việt Nam 3-1 U22 Singapore: Tiến một bước... - Ảnh 1.

Thắng trận thứ hai liên tiếp nhưng các cầu thủ U22 Việt Nam còn nhiều điểm cần hoàn thiện. Ảnh: Hoàng Linh

Điều này không thay đổi gì so với lúc U23 Việt Nam cũng do ông Troussier dẫn dắt đá Doha Cup. Nghĩa là về mặt ý tưởng chơi bóng thì tốt, nhưng cách thực hiện thì gần như không có tính sáng tạo nào cả. Các cầu thủ phối hợp theo bài, sút theo bài và tạt bóng cũng gần như là tạt cho có tạt chứ không thể hiện được những cảm giác về chơi bóng đỉnh cao để xử lý tình huống theo cách hiệu quả hơn.

Đá với U22 Lào, chúng ta ghi bàn ở phút đầu và phút cuối, đá với U22 Singapore thì các bàn thắng diễn ra một cách phù hợp hơn với thế trận nhưng đi vào chi tiết thì ở cả 2 trận, chất lượng tấn công của U22 Việt Nam không có gì thay đổi. Chúng ta thắng dễ U22 Singpaore đơn giản vì sức phản kháng của đối thủ này không bằng U22 Lào mà thôi.

Tiến bộ thì chưa lớn, nhưng độ lùi trong phòng ngự thì ai cũng thấy. Cứ cho là bàn đá phản lưới của Vũ Tiến Long là một tai nạn, nhưng cái cách xử lý bóng của hậu vệ này mới là cái đáng bàn. 

Nếu ở trận trước, hàng phòng ngự U22 Việt Nam gần như hoảng loạn trước sức ép của U22 Lào thì đến trận với U22 Singapore thì kể cả khi chẳng có sức ép nào cả, chúng ta vẫn tự khiến cho mình bối rối, mất kiểm soát. Tại sao lại như vậy? Đơn giản là như những trận đấu trước đó dưới thời HLV Troussier, dường như các cầu thủ của chúng ta không hề tập chơi phòng ngự. Đó là sự khác biệt vô cùng lớn và rất nguy hiểm.

Thực tế là sự thành công của các đội tuyển Việt Nam, tính từ U19 trở lên, đều dựa trên nền tảng phòng ngự. Từ Hoàng Anh Tuấn đến Park Hang Seo, đều đề cao giá trị của việc không để thủng lưới. Thậm chí, 13/14 CLB đá V-League hiện nay cũng vậy thôi, vẫn xây dựng lối chơi từ phòng thủ. Nói cách khác, cầu thủ Việt Nam không xa lạ gì với những kỹ năng chơi bóng khi đá gần với thủ môn đội mình, nhưng ở U22 Việt Nam hiện nay, dường như các kỹ năng đó không tồn tại.

Đội bóng của HLV Troussier đã may mắn không bị U22 Lào đá thủng lưới trong 30 phút cuối trận ra quân. Chúng ta cũng không gặp một đối thủ biết chơi tấn công ở trận đấu thứ 2, nhưng hãy nhớ là là cả U22 Thái Lan lẫn Mayalysia đều biết cách để đưa bóng vào lưới đối phương. Và các HLV của họ chắc chắn cũng biết cách đọc trận đấu, xem băng ghi hình để biết U22 Việt Nam yếu ở chỗ nào… 


Long Khang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm