Tuyển Việt Nam từ phát hiện Nguyễn Thái Sơn: Vẫn phải chăm lấy cái gốc

23/06/2023 08:08 GMT+7 | Bóng đá Việt

Thủ môn Đặng Văn Lâm, bộ ba hậu vệ Duy Mạnh - Quế Ngọc Hải - Phan Tuấn Tài và tiền vệ trẻ Nguyễn Thái Sơn là 5 cầu thủ chơi đủ 90 phút ở trận thắng Syria 1-0 trên sân Thiên Trường mới đây. Rất nhiều người thắc mắc, Thái Sơn là ai và từ đâu đến, bao nhiêu tuổi, mà có thể chơi đĩnh đạc như vậy ở vị trí "mỏ neo", vốn rất khó đá?

Nguyễn Thái Sơn sinh năm 2003, tức mới 20 tuổi, đang thuộc biên chế của CLB Thanh Hoá và mới chỉ có lần đầu khoác áo ĐTQG trong một trận đấu chính thức. Sơn thực sự đã giải phóng cho cả Tuấn Anh lẫn Quang Hải, để các đàn anh phía trên thay nhau tung hứng. Cùng với một "măng non" khác là Văn Tùng, thêm Tuấn Hải, các cái tên kể trên là những người chơi hay nhất buổi tối Thiên Trường rực sắc màu cổ động hôm 20/6.

"Thiếu niên anh hùng" hay anh hùng xuất thiếu niên, bóng đá Việt Nam thời nào cũng có. Văn Quyến, Công Vinh đều từng giành QBV Việt Nam khi mới 19 tuổi, Thành Lương, Quang Hải muộn hơn chút là 21 tuổi... Thế nên, màn thể hiện của Thái Sơn và Văn Tùng mới chỉ dừng ở mức tiềm năng.

Một thời gian dài, tính bằng cả thập niên kể từ sau hội nhập trở lại, đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam luôn gặp vấn đề, được chăng hay chớ. Ngay cả khi các Học viện cỡ lớn như HAGL Arsenal JMG, Viettel hay PVF... ra đời, thì cũng lứa được lứa không. Các sản phẩm của lò SLNA và Hà Nội vẫn ưu việt hơn hết thảy. Đấy chính là nhờ một chính sách, một phương pháp làm khoa học, có ngọn ngành, chứ không cầu may.

"Các giải trẻ quốc gia từ U9, U11, U13, U15..., mặc định là chuyện riêng của lò SLNA. Nhỉnh hơn, với U17, U19, U21 được chia cho Hà Nội, PVF, Viettel và... SLNA, trong đó, Hà Nội trội hơn chút đỉnh về thành tích", đây là nhận định của HLV Nguyễn Thành Nam, người đã có thâm niên gắn bó với đào tạo trẻ và bóng đá cộng đồng cùng Trung tâm Thăng Long Sports trong nhiều năm. Chuyên gia Đoàn Minh Xương cũng có chung góc nhìn này.

Bóng đá trẻ và bóng đá học đường, gần đây là bóng đá cộng đồng của Nghệ An, thực sự ưu việt và khác biệt. Trong khi đó, đại phân xưởng của CLB Hà Nội chỉ bắt đầu đào tạo từ 15 tuổi trở lên, với những tinh túy được tiến cử từ các vệ tinh, cũng như các Trung tâm bóng đá cộng đồng.

Người quan sát: Vẫn phải chăm lấy cái gốc - Ảnh 1.

Bóng đá học đường và bóng đá cộng đồng là nguồn lực khổng lồ và giàu tiềm năng mà bóng đá Việt Nam vẫn chưa thể khai thác thành công. Ảnh: CCKM

Nói về bóng đá học đường và bóng đá cộng đồng, không một địa phương nào có thể qua mặt được TP.HCM trong mấy năm gần đây. Từ VietGoal, đến Ngọc Hùng, Nam Việt, SFA, Thăng Long Sports..., hàng vạn đứa trẻ từ 5-15 tuổi ra sân vào mỗi tuần. Trong đó, tính riêng VietGoal với 59 điểm tập luyện, tương đương với 3.000 học viên, đang sở hữu rất nhiều tài nguyên, rất nhiều viên ngọc thô. Nhưng tại sao và như thế nào, bóng đá trẻ và cả bóng đá đỉnh cao TP.HCM lại không phát huy được nguồn nội lực?!

"Tôi nghĩ vấn đề ở đây là thiếu tính kết nối liên tục, giữa Liên đoàn và CLB chuyên nghiệp, giữa CLB chuyên nghiệp trên địa bàn và các Trung tâm. Cần phải thay đổi, trong đó, Liên đoàn và CLB chuyên nghiệp phải phối hợp cử các HLV, thậm chí cả cầu thủ ngôi sao... về các Trung tâm tập huấn, giao lưu, chia sẻ và khơi gợi, mở hướng phát triển, đầu ra. Mới đây, chúng tôi đã mời thêm VietGoal gia nhập HFF, tăng số lượng thành viên lên hơn 50, với 29 trong số đó là các Trung tâm bóng đá cộng đồng", Chủ tịch HFF, đồng thời là PCT VFF, ông Trần Anh Tú, chia sẻ.

Phải, TP.HCM tuy là chưa có phân xưởng đào tạo cỡ lớn, nhưng lại có tiềm năng lớn với bóng đá trẻ, bóng đá học đường, dựa trên số lượng trẻ em tham gia tập luyện bóng đá vượt trội so với địa phương khác. 20 năm trước, chuyên gia bóng đá người Đức, nguyên GĐKT của VFF, ông Rainer Willfeld, nói với người viết rằng, cứ 50.000 đứa trẻ Đức bước vào các Học viện, hay Trung tâm bóng đá cộng đồng, sẽ sản sinh ra một tuyển thủ QG như Michael Ballack.

Tỷ lệ chọi và đào thải của bóng đá Việt Nam đương nhiên thấp hơn nhiều, và để có một Thái Sơn hay Văn Tùng hoàn toàn không khó. Hãy đào cái mỏ vàng là bóng đá học đường và bóng đá cộng đồng, vốn đã ngủ đông quá lâu, để mà dùng dần.

Tất nhiên, một đứa trẻ không tự nhiên phát triển thành cầu thủ chuyên nghiệp. Nó là công nghệ đào tạo, là phương pháp làm và phải làm, phải dùng cho khéo mới thành. 


CCKM

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm