Tuyển nữ Việt Nam và hành trình mang tên World Cup

07/07/2023 09:36 GMT+7 | Bóng đá Việt

Theo thông báo từ FIFA, tại World Cup nữ 2023 sẽ có đến 8 chủ đề mang yếu tố xã hội được tổ chức này phối hợp cùng các cơ quan của Liên hợp quốc nhằm lan tỏa thông điệp đến toàn thế giới. Phần lớn các chủ đề ấy đều gắn với người phụ nữ.

Xem ra, World Cup 2023 là cột mốc lịch sử không chỉ riêng với bóng đá Việt Nam.

1. Tại sao World Cup nữ lại "gánh vác" nhiệm vụ xã hội nhiều đến vậy trong khi bóng đá nam, như tại kỳ World Cup 2022, thì nhiều đội bóng đến từ châu Âu tỏ ra "ích kỷ" khi phớt lờ các thông điệp do FIFA đưa ra mà chỉ thích làm theo ý mình? Câu trả lời đơn giản, đó là khả năng lan tỏa thông điệp của World Cup nữ có thể mang đến hiệu quả cao hơn.

Tự thân mỗi đội bóng dự World Cup nữ đã mang trên mình các câu chuyện truyền cảm hứng. Hơn ai hết, các trải nghiệm của những cầu thủ nữ tự thân đã chứa đựng những thông điệp xã hội lớn lao.

Ngay một "chuyện nhỏ" là những ngày "nhạy cảm" của các cô gái đá bóng thì mãi đến gần đây mới được một số quốc gia nghiên cứu áp dụng khoa học vào dinh dưỡng để bảo đảm các cầu thủ có đủ thể chất cho một kỳ giải dài gần tháng trời. Nhưng điều này cũng chỉ áp dụng cho một số nền bóng đá ở các quốc gia phát triển. Bóng đá nữ vẫn chịu nhiều thiệt thòi. 

Có một chi tiết khá thú vị là dù số tiền bản quyền mà FIFA thu được chỉ ở mức 5% so với World Cup 2022 của nam nhưng số người xem các trận đấu của World Cup nữ được dự báo là tương đương.

Lần đầu tiên mở rộng lên 32 đội đem đến khả năng quảng bá của giải đấu này cũng mang tính toàn cầu hơn. Trong nỗ lực của mình, FIFA cố gắng giúp cho các cầu thủ dự World Cup nhận được khoản tiền ra sân không kém gì các cầu thủ nam. Điều này mở ra một triển vọng đầu tư cho bóng đá nữ Việt Nam, nhưng bên cạnh đó cũng không ít thách thức.

2. Thái Lan là đội bóng đá nữ đầu tiên của Đông Nam Á dự World Cup. Họ giành lấy cơ hội lịch sử ấy bằng cách đánh bại Việt Nam ở trận play-off trên sân Thống Nhất. Trong lần dự giải đầu tiên ở Canada 2015, Thái Lan cũng làm nên lịch sử với 1 chiến thắng.

Tuy nhiên, ở kỳ dự World Cup thứ 2 của mình, Thái Lan lại nhận thất bại lịch sử với tỷ số 0-13 trước đội tuyển Mỹ. Tại France 2019, Thái Lan chỉ ghi được 1 bàn thắng, thủng lưới 20 lần và không có điểm số nào cả. Cũng vì kết quả này mà người ta mới nghi ngại chuyện FIFA nâng số đội lên 32, rất dễ xuất hiện các tỷ số "kinh hoàng".   

Nói như vậy để thấy dự World Cup chỉ là điểm khởi đầu. Đó là một cột mốc nhưng chưa thể nói khẳng định được yếu tố đẳng cấp. Cùng dự World Cup năm nay với Việt Nam còn có Philippines nhờ châu Á có thêm suất dự.

Hành trình mang tên World Cup - Ảnh 1.

Đội tuyển nữ Việt Nam đến với World Cup nữ 2023 mang theo những mục tiêu hết sức rõ ràng. Ảnh: Hoàng Linh

Nghĩa là những gì quan trọng  nhất vẫn còn nằm ở phía trước, ở cách mà thầy trò HLV Mai Đức Chung thể hiện trong các trận đấu tại Australia vaf New Zealand. Về lý thuyết, nếu giữ được sự ổn định hiện tại, thì việc đều đặn tham gia World Cup nằm trong tầm tay của Việt Nam. Và đó chính là vấn đề.

Đội trưởng trong chiến dịch săn vé dự World Cup của Việt Nam tại Asian Cup năm ngoái, Trần Thị Thùy Trang, vốn là một cầu thủ futsal chuyển sang đá sân cỏ 11 người mới từ năm 2014.

Năm nay đã 35 tuổi, Thùy Trang là một trong những cầu thủ lớn tuổi nhất của World Cup 2023 cùng với thần tượng Marta của cô (37 tuổi). Với phụ nữ, ở tuổi 35 vẫn còn đi đá bóng, quả là một câu chuyện phi thường.

Trần Thị Thùy Trang quê ở Quảng Ninh nhưng vào TP.HCM đá cho cho đội bóng số 1 quốc gia. Bóng đá vừa là đam mê, nhưng cũng là một cơ hội có thu nhập hoặc thậm chí, như việc dự World Cup, mang đến khả năng "đổi đời" cho các nữ cầu thủ.

Các tuyển thủ quốc gia nữ của chúng ta hiện nay không đến mức phải đẩy xe bán bánh mì hay ra chợ bán để trang trải cuộc sống như thời của các đàn chị, nhưng số lượng cầu thủ có thể sống tốt nhờ bóng đá rất ít và đó là lý do mà bao năm nay số CLB bóng đá nữ tại Việt Nam vẫn không tăng lên. Chúng ta có thêm môn futsal nữ, nhưng số cầu thủ không hẳn vì thế mà nhiều hơn, như trường hợp của Thùy Trang sau khi "hết nhiệm vụ" với futsal thì chuyển sang đá sân cỏ.

Nói cách khác, chúng ta đang ở một thời khắc lịch sử là dự World Cup, nhưng vận hội đó cũng có những rủi ro nhất định. Nếu 3 trận đấu tại vòng bảng, thầy trò HLV Mai Đức Chung chơi vượt mong đợi, thì nguồn cảm hứng đó sẽ tạo ra một xung lực cực mạnh để thúc đẩy sự đầu tư và đi kèm là những tác động đến phong trào chung.

Nhưng bài học của Thái Lan vẫn còn đó, khi cái khoảng cách giữa Đông Nam Á và thế giới vẫn quá khổng lồ, thì chưa chắc việc dự World Cup sẽ thúc đẩy mọi thứ tiến lên.

3. Nhưng hãy hy vọng. Nói cho cùng, chúng ta không mất gì trong cuộc hành trình World Cup. Từ năm 1995 đến nay, bóng đá nữ Việt Nam đã quen với những khó khăn thậm chí còn lớn hơn hiện tại rất nhiều.

Những sân vận động vẫn vắng khán giả, các nguồn thu nhập từ đá bóng vẫn tùy thuộc vào thành tích quốc tế và nếu xét trên diện rộng, việc chấp nhận bóng đá nữ ở Việt Nam vẫn tốt hơn nhiều nơi khác.

Hy vọng là thế hệ đầu tiên dự World Cup cũng biết rõ điều đó để chơi tốt nhất có thể trong những ngày tới. Họ mang theo hi vọng cho các thế hệ kế tiếp, ít nhất là niềm tự hào và những khoản thu nhập khó tin mà việc dự World Cup đem đến.

Hơn nữa, sau màn trình diễn thất vọng của Thái Lan tại France 2019, ít ra thầy trò HLV Mai Đức Chung cũng có những mục tiêu để tự chiến thắng chính bản thân mình. 


Long Khang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm