Từ thất bại trước Atletico: Barca có dám từ bỏ Tiki-taka?

11/04/2014 06:45 GMT+7 | Barcelona

(Thethaovanhoa.vn) - “Chúng tôi xứng đáng có một trận hòa”, Xavi đã không thành thật với chính mình khi nói về thất bại của Barca trước Atletico. Trận thua ở Vicente Calderon một lần nữa cho thấy Barca đã xuống cấp trên sân chơi châu lục.

1. Khi còn giữ cương vị Chủ tịch ở Camp Nou, Sandro Rosell liên tục nhắc đi nhắc lại rằng: “Chu kỳ thành công của một đội bóng thường kéo dài trong 4 hoặc 5 năm, nhưng Barca không nằm trong quy luật này. Chúng tôi sẽ chiến thắng trong 5 năm, 10 năm nữa”.

Tuyên bố của Rosell cũng là thông điệp mà các thành viên Barca, từ cấp lãnh đạo đến các cầu thủ, muốn gửi đến toàn thế giới.

Với một đội ngũ của những siêu sao hàng đầu thế giới, cùng nhau trưởng thành trong một môi trường đào tạo trẻ, nhiều lần đứng chung trên bục trao giải thưởng cá nhân, đồng thời mỗi năm luôn mua ngôi sao lớn, Barca có lý do để tự tin về thành công của mình.

Sau khi Barca, dưới sự dẫn dắt của Tito Vilanova, chinh phục kỷ lục 100 điểm ở La Liga mùa trước, người ta tự tin nói về sự thống trị trong thời gian dài. Tito chia tay và Tata Martino xuất hiện được xem như sự tiếp nối chu kỳ chiến thắng, chứ không phải quá độ giữa hai kỷ nguyên khác nhau.

Barca luôn tự hào rằng, sức mạnh tiki-taka là bất diệt.

2. Trên thực tế, chu kỳ thành công của Barca ở mặt trận châu Âu đã khép lại. Barca có thể chiến thắng ở La Liga, nhưng bước ra châu lục là cuộc chơi hoàn toàn khác.

Khi mà xu thế chung của châu Âu là thay đổi để chiến thắng, Barca vẫn cố ôm lấy hoài niệm quá khứ.

Hãy nhìn vào Bayern Munich. Sau cú ăn ba lịch sử, đội bóng xứ Bavaria làm mới mình với sự xuất hiện của Pep Guardiola, một thành viên cũ của Barca. Nhờ vậy, Bayern vào bán kết mùa thứ 3 liên tiếp (thứ 4 trong 5 mùa gần nhất), đồng thời lập kỷ lục vô địch Bundesliga trước 7 vòng đấu.

Barca thì sao? Sự thay đổi mà Tata Martino áp dụng chỉ mang tính nửa vời. Không hoàn toàn do cá nhân nhà cầm quân người Argentina, mà chính Barca không muốn gạt bỏ tiki-taka.

Barca như bị “cuồng tiki-taka”, trong khi chính Pep, một trong những người thành công nhất với chiến thuật này, đã nhận ta điểm tới hạn. Pep chia tay Barca sau 4 mùa giải, một phần vì ý tưởng về cuộc cách mạng mà ông đưa ra không được ủng hộ.

Hơn ai hết, Pep là người hiểu rõ nhất Barca đã đi đến tận cùng chu kỳ thành công với tiki-taka. Phải cách mạng về chiến thuật và tư duy, Barca mới có thể nghĩ đến việc chinh phục thành công mới. Nhưng Rosell và Barca cứ bám vào những hoài niệm của một “Pep Team” vĩ đại nhất lịch sử, để rồi chối bỏ những điều mới mẻ.

Khi mà guồng quay chung của châu Âu là tiến lên trước, Barca tự kéo mình đi lùi.

3. Một năm trước, Barca bị loại khỏi bán kết khi thua chung cuộc 0-7 trước Bayern. Bây giờ, cuộc phiêu lưu bị chặn ở tứ kết bởi Atletico. Tỷ số chung cuộc có khác nhau, nhưng cách Barca dừng cuộc chơi thì không: Bất lực.

Ở Vicente Calderon, Barca có 85 phút (không tính bù giờ) để gỡ hòa và mở ra cuộc đua mới. Nhưng 85 phút ấy chỉ là thời gian mà Barca nhờ đến may mắn (2 lần bóng trúng khung thành) và sự xuất sắc của kẻ đóng thế Pinto để không thua thêm.

Ngay Celtic (mùa trước) và Ajax (mùa này, trong thế thiếu người) cũng đủ sức khiến Barca cúi đầu.

Barca xuống cấp vì đôi chân chinh phục của những siêu sao đã mỏi mệt. Mua một ngôi sao là không đủ, mà cần cuộc cách mạng lớn. Nhưng nếu không thể khiếu nại án phạt cấm chuyển nhượng mà FIFA đưa ra, mùa tới Barca sẽ còn tiếp tục xuống dốc.

Tất nhiên, không thể phủ nhận Barca vẫn còn mạnh, nhưng chỉ đủ mạnh để tiến đến tứ kết. Vinh quang không còn dành chỗ cho Barca, những người không biết chấp nhận thực tế, luôn tìm ra điều gì đó để đỗ lỗi cho thất bại, và phủ nhận một bài học quan trọng: Thay đổi để tồn tại.

Ngọc Huy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm