Vienna và Hoàng hậu Sissi

25/06/2008 10:15 GMT+7 | EURO 2008

(TT&VH Online) - Tôi chỉ ở Vienna một tuần trong chuyến công tác đường trường EURO. Một tuần không là gì cả trong một cuộc đời. Nhưng thủ đô nước Áo lại gợi cho tôi những cảm giác khác ngoài danh nghĩa đơn thuần của một địa điểm đăng cai EURO, trong đó có trận chung kết vào Chủ nhật tới.

Bạn đọc chỉ thích bóng đá (và không gì khác ngoài bóng đá) sẽ thấy thất vọng vì bài viết này sẽ không nhắc đến 2 chữ ấy. Nhưng trái bóng EURO chỉ là một hạt cát nhỏ bé trong một đại dương kiến thức và văn hóa mang tên Vienna.

Trong thế giới của Sissi

Bà hoàng xinh đẹp, quý phái và là một trong những người phụ nữ đẹp nhất châu Âu thế kỉ 19 ấy chưa bao giờ yêu Vienna, không phải chỉ vì bà muốn thoát ra khỏi những ràng buộc theo lễ nghi cung đình của dòng họ Habsburg thủ cựu, mà bởi Vienna lạnh lẽo quá. Nó tượng trưng cho vương quyền, sức mạnh và có thể, sự đè nén. Mà điều ấy không bao giờ những người yêu tự do và cái đẹp như hoàng hậu Sissi yêu thích. Người phụ nữ huyền thoại ấy đã đi vào lịch sử nước Áo nửa cuối thế kỉ 19, với tư cách là hoàng hậu Elisabeth của hoàng đế Franz Joseph và được gọi một cách yêu mến là Sissi (người Áo gọi là “Sisi”-chỉ có 1 chữ “s” ở giữa tên). Giữa biết bao nguy nga nhung lụa ấy, Sissi luôn tìm kiếm tự do bằng cách trốn khỏi cuộc sống của Vienna trong những chuyến du lịch, khi cảm thấy mình chỉ là một người lạ giữa chốn đô thành lộng lẫy xa hoa.

Cảm giác xa lạ ấy vẫn đeo đẳng những người sống sau bà 2 thế kỉ, như tôi hoặc nhưng những ai đến Vienna cho một chuyến thăm ngắn. Nơi có chất lượng sống đứng thứ 2 trên thế giới ấy (sau Zurich) là một thành phố đẹp và cổ kính, với những tòa lâu đài nguy nga lộng lẫy, những kiến trúc to lớn, nặng nề và gây cảm giác choáng ngợp, những chóp nhà thờ kiểu Gothic và Baroque cao vút, những quảng trường rộng mênh mông với những tượng đài các hoàng đế cưỡi ngựa oai phong lẫm liệt.
 
Hoàng hậu Sissi
 
Tất cả giờ chỉ là những khối chứng tích vuông vức và câm nín của một thời đã qua với những năm tháng vinh quang của triều đại Habsburg. Những kiến trúc cổ của Roma gợi nên những hoài niệm về Lamã, những lâu đài ở Paris giống như một thế giới gần gũi và đầy sức lôi cuốn, khám phá, nhưng những gì liên quan đến những kiến trúc của Vienna chỉ gợi nên sự xa lánh và lạnh lùng. Vì nó to lớn quá, hoành tráng quá và nặng nề quá. Nhưng ẩn chứa trong đó là một thế giới rộng lớn đòi hỏi nhiều kiến thức và vốn sống mới có thể hiểu được. Như những gì ẩn chứa trong đôi mắt đẹp mà buồn của Sissi.

Vienna bây giờ

Cái đẹp, buồn mà quý phái ấy thể hiện trong những tác phẩm âm nhạc cổ điển bất hủ, mà những người nhạc sĩ vĩ đại, bị lôi cuốn bởi ánh mắt và mái tóc Sissi và sống trong một môi trường âm nhạc hàn lâm mẫu mực đến thế, đã viết nên những nốt nhạc đẹp nhất cho nhân loại. Sissi yêu những bản nhạc ấy, từ những bản valse “Danube xanh” của Strauss cho đến những bản rhapsody Hungary của Liszt, và những người Áo hoài cổ vẫn nhớ đến thời đại của Sissi và Franz Joseph như một thời kì mà thế giới vẫn êm đẹp và nước Áo hùng cường.
 
Sự khủng khiếp và tàn phá của 2 cuộc chiến tranh thế giới, sự ra đời của chủ nghĩa phát xít, sự can dự của chính nước Áo dẫn đến sự khởi đầu của 2 cuộc thế chiến ấy, đã làm thay đổi số phận của Vienna và góc nhìn của thế giới đối với nó. Danube vẫn xanh và đẹp, nhưng ở Vienna, không ai còn nhảy valse nữa. Lâu đài Schonbrunn và hoàng cung Áo vẫn nguy nga, nhưng cái đế chế hùng mạnh thời Sissi không còn tồn tại. Vienna đã mất đi những nét quyến rũ nó đã từng có quá khứ. Xét cho cùng, Vienna sẽ đẹp hơn nếu ta không biết về quá khứ của nó, không hoài cổ.
 
Nhiều người phàn nàn là người Vienna nói chung và người Áo lạnh lùng quá. Cái từ “lạnh lùng” ấy thực ra không nói lên hết cá tính họ. Sự vượt trội ở trình độ văn hóa, vốn sống và cách hưởng thụ cuộc sống, một quá khứ lừng lẫy, phong cách quý phái của cha ông họ, cùng với cách cư xử theo kiểu Đức đã khiến họ trở nên như thế. Cuộc sống ở đây đã trở nên lộn xộn và ầm ỹ hơn, như một điều không thể cưỡng được của một đô thị hiện đại. 20% dân số là người nhập cư càng làm cho cuộc sống văn hóa ở đây trở nên đa dạng, nhưng cũng hỗn độn. Ai đó đã kêu lên rằng, người ta không thể xác định nổi cá tính của thành phố Vienna hiện đại như một bằng chứng tiêu biểu của việc toàn cầu hóa đã tác động thế nào đến các nền văn hóa.
 
Vienna bây giờ muốn thế giới nhắc đến nó như một thành phố của những kiến trúc hiện đại, những phong cách sống mới mẻ, những cách cảm nhận mới về văn học, nghệ thuật và âm nhạc. Nhưng phải rất lâu nữa, mất nhiều công sức nữa nó mới trở thành thủ đô mới của văn hoá thế giới, vị trí mà New York và Paris đang nắm giữ bây giờ. Paustovski viết: “Cuộc đời đã soạn sửa cho hầu như bất cứ người nào có học và có trí tưởng tượng một cuộc gặp gỡ với Paris”. Còn Vienna? Vienna chỉ trở nên vĩ đại khi nhắc đến quá khứ của họ. Nhưng hoài cổ để làm gì, bây giờ là thế kỉ thứ bao nhiêu rồi?

Vĩ thanh

Đi trên những con phố của Vienna một chiều tháng 6, ngắm những lâu đài cổ từng một thời nguy nga bên bờ Danube từng gợi lên biết bao cảm hứng cho những nhạc sĩ vĩ đại, mà bây giờ, đôi bờ Danube đã kém đi phần thi vị rất nhiều bởi cuộc sống hiện đại, lại nhớ đến những câu chuyện dài về tình yêu, cuộc sống và những nỗi buồn của Sissi, người sau này đã thừa nhận rằng trở thành hoàng hậu Áo là điều bà phải hối tiếc suốt đời.
Nữ diễn viên Romy Schneider thủ vai chính trong bộ phim Hoàng hậu Sisi, và được in lên tem
 
Serie ba phim về bà được quay những năm 1950 do một nữ diễn viên trẻ, đẹp có tên Romy Schneider, một người Áo, đóng vai Sissi những năm tháng tuổi trẻ, đã làm cho hình tượng về bà càng trở nên nổi bật. Mà người diễn viên đẹp rực rỡ ấy không hiểu sao cũng có một đôi mắt buồn, một cảm giác lạc lõng giữa cuộc đời thực, một khao khát tự do và hạnh phúc như Sissi. Schneider cũng có một số phận bi thảm như Sissi. Bà tự vẫn năm 1982, còn Sissi bị ám sát năm 1898. Cái chết của họ cũng giống như một sự giải thoát cho cuộc đời. Nhưng Vienna vẫn sống một cách mạnh mẽ, trẻ trung và đẹp theo kiểu của riêng nó, dù cái đẹp ấy có phần lạnh lùng và xa cách như vẻ đẹp của chính Sissi và Schneider.

Đêm Vienna, sự xa lánh ấy không còn nữa. Những khối nhà lạnh lẽo đi kèm với những kí ức về Sissi lùi lại phía sau. Nhạc của Strauss, Lizst và cả Mozart được bật lên trên ôtô khi đi trên những con đường rợp bóng cây dọc sông Danube. Gió từ phía sông thổi lên mát rượi xua đi cái nóng 34 độ ban ngày vẫn còn hầm hập. Ánh trăng thượng tuần lấp loá trước mũi xe. Vienna đẹp hơn khi ta không nhìn thấy những khối nhà góc cạnh và quyền lực quá khứ của nó nữa, không bị ám ảnh bởi đôi mắt đẹp mà buồn của Sissi và Schneider. Vienna của đêm, của hiện tại và những cảm xúc bất chợt. Không phải Vienna của EURO…

Bài: Anh Ngọc-Ảnh: Chí Thành

(từ Vienna, Áo)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm