“Chuông vàng” vọng cổ - Không dễ thành nghệ sĩ cải lương

21/11/2008 20:47 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Theo dõi Chuông vàng vọng cổ (CVVC) 2008, nhiều người không khỏi tiếc cho Ngọc Lê (bị loại ở bán kết 2) khi Lê có giọng hát ngọt ngào truyền cảm nhưng quá chú tâm vào diễn mà để rớt nhịp; Như Huỳnh, một gương mặt khả ái, phải dừng ở top 5 khi vô vọng cổ quá “phô”. Thậm chí nhiều khán giả còn gọi điện chất vấn BGK sao Vũ Thanh đẹp trai, giọng tốt vẫn bị loại…

Đừng lầm lẫn vọng cổ với cải lương

Câu trả lời rất đơn giản vì họ không đáp ứng tiêu chí về giọng ca. Nhạc sĩ Kiều Tấn (Trưởng ban Văn nghệ HTV, Phó BTC CVVC) giải thích cho sự “rơi đài” của những cái tên ít nhiều có tiếng tăm này: “Vọng cổ không phải là cải lương, nó chỉ là một làn điệu của cải lương mà thôi. CVVC là cuộc thi nhằm vinh danh những giọng ca. Nghệ sĩ đạt giải Trần Hữu Trang thi CVVC vẫn có thể rớt như thường. Nghệ sĩ chuyên nghiệp có thể diễn xuất rất xuất sắc nhưng chưa hẳn đã xuất sắc về giọng ca. yếu tố quan trọng mà thí sinh CVVC cần bộc lộ nhất là giọng ca, còn việc diễn các trích đoạn chỉ là phần phụ trợ, đưa đẩy nhằm bật chất giọng…”. Tiêu chí của cuộc thi là tìm và giới thiệu những giọng ca hay, lạ, với thang điểm: 7 cho chất giọng, 2 cho kỹ thuật xử lý nhịp điệu và chỉ 1 cho sắc vóc.
 Chuông vàng Võ Thành Phê (phải) và chuông bạc Lê Quốc Phòng
Tuy nhiên nhiều khán giả hâm mộ cải lương rất băn khoăn với tiêu chí của BTC. Nghệ sĩ cải lương cần cả ca lẫn diễn thì liệu CVVC có đóng góp thiết thực cho sân khấu cải lương hiện đang thiếu người kế thừa khi chỉ chú trọng đến giọng ca? Và cả tâm lý của khán giả trẻ - đối tượng mà cải lương đang rất cần thu hút - thường muốn thưởng thức cái đẹp của cả giọng ca lẫn ngoại hình, yêu thích những nghệ sĩ hội đủ thanh sắc - thì hình như vẫn chưa được BTC, BGK chú ý. Ý kiến của khán giả hoamuoigio trên diễn đàn Nhà hát Trần Hữu Trang không phải là không có lý: “…Trong khi cải lương đang thiếu lực lượng diễn viên kế thừa, sự ra đời của CVVC tìm kiếm tài năng cho sân khấu là điều đáng hoan nghênh. Nhìn lại 3 năm qua, ta thấy, một Võ Minh Lâm, một Ngọc Trinh (CVVC 2006) đạt chuẩn ca hay và có sắc vóc. Năm 2007, có Ngọc Đợi và Lê Văn Gàn. Đến năm nay, các TS chỉ đạt được tiêu chuẩn ca còn sắc vóc và diễn xuất thì quá thiếu. Những nam thanh, nữ tú, ca hay, có sắc, tuổi đời rất trẻ như: Vũ Thanh, Như Huỳnh, Thanh Tâm... lại bị loại ở những đường đua cuối cùng. Phải chăng tiêu chí của cuộc thi là chọn ra người có giọng ca lạ để trao giải, rồi sau đó chỉ hát ở đài phát thanh hay ra CD tiếng thôi? Vậy, tổ chức một cuộc thi bề thế làm gì, trong khi tìm ra nhân tài chỉ đáp ứng giọng hát? Vậy các thí sinh đạt giải cao sau này sẽ làm gì cho sân khấu cải lương đang ngày càng thưa vắng khán giả…?”.

Chuông vàng vọng cổ: chắp cánh ước mơ nghệ thuật?

Ba năm qua, CVVC đã trình làng nhiều giọng ca hay, lạ, là những nhân tố triển vọng cho sân khấu cải lương. Là đơn vị tổ chức, HTV cũng rất chú ý đến sự phát triển của các TS CVVC. “Tài sản và sức mạnh của HTV là sóng truyền hình nên chủ trương của đài là tạo cơ hội tối đa cho TS CVVC xuất hiện trên màn ảnh. Hiện nay có thể nói các “chuông” đang “phủ sóng” HTV: chương trình ca cổ, phim truyện cải lương, Vầng trăng cổ nhạc... Tuy nhiên HTV chỉ có thể giúp các TS trở thành gương mặt quen thuộc của khán giả màn ảnh nhỏ chứ việc phát triển thành ngôi sao sân khấu (rất khác ngôi sao truyền hình) hoàn toàn nhờ vận may, cơ hội đứng trên sân khấu và sự nỗ lực khẳng định mình của TS”, nhạc sĩ Kiều Tấn chia sẻ. Ngô Công Hậu (lọt vào chung kết CVVC 2007) bộc bạch: “Nhờ CVVC mà khán giả biết đến tôi rất nhiều. Chúng tôi có thuận lợi là nhờ sóng truyền hình mà trở thành người của công chúng, cơ hội phát triển nghề nghiệp cũng rộng mở hơn”.
 

Tối qua, 20/11, cuộc thi CVVC 2008 đã bước vào vòng chung kết xếp hạng. Ba thí sinh Võ Thành Phê (Long An), Lê Quốc Phòng (Bạc Liêu), Võ Thị Trí (Bến Tre) đã bốc thăm trình bày một bài vọng cổ và diễn một trích đoạn cải lương. Kết quả: Thí sinh Võ Thành Phê đã xuất sắc giành Chuông vàng, Chuông bạc thuộc về Lê Quốc Phòng, Võ Thị Trí đạt giải Ba. Võ Thành Phê cũng đạt luôn giải báo chí  và giải khán giả bình chọn. 10 thí sinh lọt vào vòng chung kết đã nhận được học bổng Phát triển tài năng trị giá 10 triệu đồng/suất của Đài Truyền hình TP.HCM.

Một tín hiệu đáng mừng cho cải lương là phần lớn TS CVVC đều có cơ hội phát triển nghề nghiệp. Võ Minh Lâm (chuông vàng 2006) từ một cậu bé 17 tuổi chiến thắng nhờ sự ưu ái của khán giả nay đang từng bước trở thành một kép đẹp khi trưởng thành hơn nhiều từ lời ca đến nét diễn. Sau khi đoạt chuông vàng Lâm là cái tên thường trực trong những chương trình văn nghệ cải lương của các đài truyền hình khu vực phía Nam. Lâm lại được nhóm Thắp sáng niềm tin (Nhà hát Trần Hữu Trang) “để mắt” mời cộng tác trong nhiều chương trình, vở diễn. Mới đây, Lâm đã được chính thức giao vai thái tử Sảm trong vở Dấu ấn giao thời (tác giả: Triệu Trung Kiên). Gây ấn tượng với giọng ca đặc biệt, chuông bạc 2007 Lê Văn Gàn từ một anh “hai lúa rặt” cũng bắt đầu làm quen với vai trò “nghệ sĩ” khi là cộng tác viên nhiều chương trình giao lưu biểu diễn, văn nghệ cải lương, phim truyện cải lương của HTV, VTV... Gàn cũng có cơ hội đứng trên sân khấu với những nghệ sĩ tài danh của Sân khấu vàng (Nhà hát Trần Hữu Trang) trong vở Sông dài. Với Ngọc Trinh, Ngọc Đợi thì CVVC là để khẳng định tên tuổi và là một bước tiến trong sự nghiệp hai cô đào chánh của đoàn cải lương Long An và Cao Văn Lầu (Bạc Liêu). Cả Trinh và Đợi đều hội đủ thanh sắc, kỹ thuật diễn xuất để trở thành ngôi sao mới của sân khấu cải lương…
 
CVVC 2008 kết thúc với nhiều dư âm: sức hấp dẫn từ sự ngang tài của 10 TS vào chung kết, sự bứt phá của những giọng ca không chuyên và một chút tiếc nuối cho những gương mặt trẻ, đầy tiềm năng và cả sự hy vọng những đổi mới phù hợp với thị hiếu khán giả, với yêu cầu thực tiễn của sân khấu cải lương để CVVC không chỉ thi xong rồi thôi mà nhằm giới thiệu những nhân tố mới triển vọng cho bộ môn nghệ thuật này vì thực sự nghệ sĩ cải lương muốn thành danh đều phải thông qua bài vọng cổ.
 
Ninh Lộc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm