Từ thành công của Lý Hoàng Nam: 'Phong trào phát triển, đỉnh cao teo tóp'

15/07/2015 04:49 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Thành tích vô địch giải đôi nam trẻ Wimbledon 2015 của Hoàng Nam đã tạo một nguồn cảm hứng lớn. Ông Cường không cho rằng cần nhận thức rõ hơn vấn đề tiềm năng và sự đầu tư?

“Tôi cho rằng không hẳn là như vậy. Anh không có năng khiếu và đam mê thì đầu tư cũng hỏng, và ngược lại phải đầu tư đúng lúc, đúng chỗ thì mới có được kết quả tốt. Tôi nghĩ quan trọng là sự cân bằng của cả hai” Ông Cường mở lời.

* Trong quần vợt vẫn luôn có vấn đề giữa sự đầu tư của nhà nước và tư nhân. Với trường hợp của Hoàng Nam thì là tư nhân, doanh nghiệp đã đầu tư. Còn sự yểm trợ cho Hoàng Nam từ bộ môn liên đoàn tới nay thế nào?

- Tôi không cho B.Bình Dương là tư nhân, đây là doanh nghiệp nhà nước, và đó có thể coi là sự đầu tư của nhà nước. Thời gian vừa qua thì chúng tôi cũng đã có những hỗ trợ không chỉ cho Hoàng Nam mà cả Hoàng Thiên. Hai tay vợt này được 10.000 USD/ năm và được hưởng chế độ tập huấn thường xuyên.

* Chúng ta có chương trình trọng điểm đầu tư cho thể thao, Hoàng Nam có nên được nằm trong chương trình này?

- Thực ra Hoàng Nam chưa nằm trong chương trình đầu tư trọng điểm, nhưng tôi nghĩ là cũng nên. Chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng từ trước đến nay quần vợt chưa có thành tích gì. Tổng cục có đến vài chục môn đã có thành tích cao của SEA Games hay Asiad nên phải ưu tiên cho những môn đó. Thành tích của Nam cũng chỉ gần đây thôi, và chúng tôi cũng đang cân nhắc.

* Có những ràng buộc của liên đoàn về mặt chuyên môn nào không khi đầu tư cho các tay vợt?  

- Hiện nay LĐ chưa có ràng buộc nào, bởi LĐQV cũng chưa hẳn là đầu tư, như Lý Hoàng Nam là Bình Dương họ đầu tư. Thỉnh thoảng liên đoàn có hỗ trợ thêm như thưởng này thưởng kia thôi!

* Với Hoàng Nam, chúng ta vui với thành tích đôi, nhưng đơn mới là mục đích chính. Trẻ là tín hiệu mừng, nhưng chuyên nghiệp thì khác. Theo ông thì Hoàng Nam có thể tiến tới đâu ở đẳng cấp chuyên nghiệp. Nam có thể vào Top 100 ATP đơn hay không?

Tôi hi vọng vài năm nữa, Nam có thể lọt vào Top 100. Thực tế thì trẻ và chuyên nghiệp là hoàn toàn khác nhau. Rungkat của Indonesia đã từng vô địch trẻ Grand Slam nhưng cũng chỉ vào khoảng Top 300 thế giới . Tính đến thời điểm Nam như bây giờ là 18 tuổi đã có thứ hạn cao hơn Rungkat trước đây, mong rằng em còn đi xa hơn nữa.

Liên đoàn quần vợt Việt Nam cần biết chuyển hóa thành công của Lý Hoàng Nam thành lộ trình phát triển cụ thể cho quần vợt nước nhà, Ảnh Việt Hà.

* Hoàng Nam cần phải làm gì để có thể vào Top 100? Hoàng Nam có thể sống và làm giàu từ tennis hay không?

- Nam phải đặc biệt cải thiện cú giao bóng. So với đẳng cấp với các tay vợt hiện tại, Nam cầm giao bóng không được coi là lợi thế, mà thắng bởi cú quả. Tôi đã đi với Nam nhiều, nhưng tôi thấy em chưa có ưu thế khi cầm giao bóng.

* Việt Nam hiện tại có những tay vợt trẻ nào có thể có tiềm năng đáng để đầu tư?

Tôi mới phát hiện ra 1 tay vợt trẻ ở các giải đấu vừa qua. Nguyễn Văn Phương của Bình Dương năm nay mới 14 tuổi nhưng đã vô địch U16 quốc gia. Em cũng được nhiều người nhìn nhận sẽ là 1 Hoàng Nam mới, và bản thân em cũng luôn coi Nam là hình mẫu để hướng tới.

* Việt Nam có nên có một chiến lược phát triển tennis đến năm 2030 hay không?

- Thực ra chúng tôi đang triển khai rồi. Từ năm 2011 chúng tôi đã làm chiến lược đến 2020, và bây giờ đang lên kế hoạch tiếp.  Có 1 cái khó như thế này. Phong trào thì phát triển, còn đỉnh cao thì khó. Nhiều lúc chúng tôi cũng trăn trở như việc 1 HLV có bằng cấp đàng hoàng, thậm chí là vận động viên đỉnh cao trước đây, nhưng thu nhập chỉ 200 nghìn/ ngày cho khoảng 6 tiếng dạy VĐV trên sân. Vất vả và trách nhiệm rất lớn. Thế nhưng có những anh xuất phát cũng chỉ là nhặt bóng, nhưng đi dạy cho các đại gia, ngày kiếm tiền triệu. Cùng là con người, người ta sẽ có so sánh chứ! Cho nên chúng tôi sẽ cố gắng để có thể cân bằng hơn trong chiến lược sắp tới.

* Cảm ơn ông về cuộc trao đổi.

Mạnh Linh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm